Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và Chủ tịch Bắc Hàn Kim Jong-un sẽ gặp trực tiếp tại tòa nhà Peace House, làng đình chiến Bàn Môn Điếm, khu phi quân sự liên Triều vào thứ Sáu (27/4). Đây là hoạt động ngoại giao đặc biệt giữa hai miền Triều Tiên sau hơn một thập kỷ và đang nhận được sự quan tâm lớn của người dân hai nước và cộng đồng quốc tế.

Kim Moon
Thế giới đang tập trung chú ý vào Hội nghị thượng đỉnh Kim – Moon sẽ diễn ra vào 27/4.

Phi hạt nhân hóa và hòa bình trên bán đảo Triều Tiên được cho sẽ là những chủ đề chính trên bàn nghị sự của Hội nghị Kim – Moon. Mặc dù các chuyên gia phân tích quốc tế vẫn có sự hoài nghi về việc Bình Nhưỡng sẽ đồng ý từ bỏ chương trình hạt nhân của họ, nhưng Hội nghị này cũng đang mang tới nhiều hứa hẹn tích cực cho hai miền Triều Tiên. Mỗi bên sẽ có những vấn đề khác nhau như chế tài quốc tế hay các gia đình ly tán do chiến tranh… để đưa lên bàn đàm phán.

Đây là hội nghị thượng đỉnh liên Triều lần đầu tiên kể từ năm 2007 và cũng đánh dấu lần đầu tiên ông Kim Jong-un tham gia một Hội nghị thượng đỉnh với nước ngoài. Cuộc họp lần này khác với việc ông Kim gặp người đồng cấp Trung Quốc Tập Cận Bình – một cuộc gặp được giữ bí mật và chỉ công khai sau sự kiện. Hội nghị thượng đỉnh liên Triều lần này cho báo giới vào tự do và được tường thuật trực tiếp trên sóng truyền hình.

Ông Kim Jong-un đang theo bước cha mình, cố Chủ tịch Bắc Hàn Kim Jong-il, người đã tham gia hai Hội nghị thượng đỉnh với hai đời Tổng thống Hàn Quốc, ông Kim Dae-Jung năm 2000 và ông Roh Moo-hyun năm 2007.

Hàn Quốc muốn đạt được điều gì?

Sau hơn một thập kỷ phải đương đầu với mối đe dọa leo thang từ Bắc Hàn, cuối cùng Hàn Quốc đã kéo được chế độ Bình Nhưỡng vào bàn đàm phán.

Tổng thống Moon Jae-in, người theo đường lối ôn hòa và từng có mặt trong Nội các của ông Roh Moo-hyun tham gia đàm phán với Bình Nhưỡng năm 2007, vẫn chủ trương hòa đàm với chế độ nhà họ Kim kể từ khi ông nhậm chức vào năm ngoái.

Ngoại giới đánh giá những hy vọng của ông Moon về Hội nghị thượng đỉnh liên Triều lần này là rõ ràng. Tổng thống Hàn Quốc đã từng nói về một hiệp định hòa bình giữa hai miền Triều Tiên để chính thức kết thúc cuộc chiến tranh 1950-1953, hiện về mặt kỹ thuật cuộc chiến này vẫn đang diễn ra do các bên mới chỉ ký thỏa thuận đình chiến.

Bộ Thống nhất Hàn Quốc, cơ quan chịu trách nhiệm giám sát mối quan hệ với miền Bắc, đã đưa vấn đề phi hạt nhân hóa và giảm mâu thuẫn quân sự là những mục tiêu chính mà Hàn Quốc muốn thảo luận với Bắc Hàn, tiếp đó là việc thúc đẩy mối quan hệ kinh tế, và xã hội gần gũi hơn với Bình Nhưỡng, trong đó có việc mở lại khu công nghiệp chung Kaesong.

Khu công nghiệp chung Kaesong, một biểu tượng về hợp tác kinh tế liên Triều, đã phải đóng cửa vào năm 2016 sau khi Seoul nói rằng Bình Nhưỡng đã ăn chặn tiền lương của công nhân và chuyển số tiền đó vào việc hỗ trợ tham vọng hạt nhân của họ.

Tổng thống Moon Jae-in cho biết ông sẽ cho mở lại khu công nghiệp chung nếu tiến bộ được thực hiện theo hướng phi hạt nhân hóa. Khu công nghiệp này vào thời cao điểm nhất đã thu hút khoảng 55.000 công nhân Bắc Hàn làm việc trong các nhà máy do Hàn Quốc sở hữu.

Việc tái đoàn tụ cho 60.000 thành viên gia đình bị ly tán do chiến tranh Triều Tiên cũng là vấn đề được phía Hàn Quốc đưa lên bàn thảo luận. Những cuộc gặp mặt đoàn tụ gần nhất diễn ra từ năm 2015, sau đó hoạt dộng này đã dừng lại do căng thẳng hai miền leo thang vì Bình Nhưỡng liên tiếp thử hạt nhân và tên lửa. Ngoài ra, phía Hàn Quốc cũng sẽ yêu cầu Bắc Hàn thả các công dân nước ngoài mà chế độ này giam giữ trái phép trong nhiều năm qua.

Bắc Hàn sẽ thảo luận gì tại Hội nghị thượng đỉnh?

Những mục tiêu mà Bắc Hàn muốn đạt được qua Hội nghị Kim – Moon rất khó để ngoại giới nắm bắt chính xác. Nhiều nhà phân tích cho rằng việc đẩy mạnh chế tài quốc tế đã khiến ông Kim Jong-un bây giờ sẵn sàng ngồi vào bàn đàm phán và mục tiêu hàng đầu của ông là xóa bỏ chế tài.

Ông James Kim, giám đốc của Viện Nghiên cứu Chính sách Asan, nhận định rằng Bắc Hàn xem việc tham gia hội đàm với Hàn Quốc là “cách thức duy nhất để khiến Washinton hạ nhiệt và đàm phán với họ” về các vấn đề như các chế tài quốc tế áp lên Bình Nhưỡng.

Trong khi đó, truyền thông nhà nước Bắc Hàn lại khẳng định rằng họ “tự chủ” tham gia đàm phán chứ không phải do sức ép từ các chế tài.

Nhận định về việc ông Kim Jong-un muốn được dỡ bỏ chế tài, được củng cố hơn sau khi lãnh đạo Bắc Hàn hôm 20/7 đã tuyên bố họ đang xúc tiến dừng thử hạt nhân, tên lửa đạn đạo xuyên lục địa và đóng cửa bãi thử hạt nhân.

Động thái này của ông Kim đã nhận được sử hoan nghênh của ông Moon và đặc biệt quan trọng hơn trong mắt Bắc Hàn khi ông Trump cũng đánh giá cao tuyên bố này.

Tiến sĩ Euan Graham, giám đốc về an ninh quốc tế của Viện Lowy, cho biết đối với ông Kim Jong-un, tất cả con đường đều dẫn tới Mỹ và việc hội đàm với ông Moon “là cái giá mà ông Kim phải trả” để tiến tới cuộc gặp thượng đỉnh với Tổng thống Mỹ. Ông Euan cho rằng việc ông Kim có thể gặp trực tiếp ông Trump sẽ giúp cho nhà lãnh đạo này tăng thêm uy tín tại quê nhà.

Giáo sư Lee của Đại học Mỹ nói rằng ông Kim muốn được “đối xử ngang hàng với các nhà lãnh đạo Mỹ”.

Chúng ta có xu hướng nghĩ rằng những nhà lãnh đạo độc tài có thể làm bất cứ điều gì, nhưng thực tế ông ta đang chịu áp lực. Ông ta phải lo lắng về vị thế lãnh đạo của mình tại Bắc Hàn”, giáo sư Lee nhấn mạnh.

Hội nghị Kim – Moon có thể đạt được điều gì?

Bộ Thống nhất Hàn Quốc nói rằng hơn 3/4 người dân Hàn Quốc có cái nhìn “tích cực” về Hội nghị thượng đỉnh liên Triều lần ba. Họ hy vọng nhiều điều thực chất có thể đạt được qua cuộc gặp Kim – Moon.

Theo BBC, phần lớn người dân Hàn Quốc xem hội nghị này là điểm khởi đầu, hướng tới thống nhất hai miền Triều Tiên và xóa bỏ vũ khí hạt nhân của Bình Nhưỡng.

Các cuộc đàm phán này có thể là một loại bệ phóng hữu ích”, giáo sư Lee nhận định. Học giả của Đại học Mỹ kỳ vọng nhiều thỏa thuận và các trao đổi hai miền sẽ diễn ra sau hội nghị này.

Trong khi đó, chuyên gia James Kim của Viện Asan cho rằng thành công của hội nghị sẽ phụ thuộc vào Tổng thống Moon và “chất xúc tác” của Chủ tịch Kim, và liệu bộ đôi này có hòa hợp không.

Tôi nghĩ đây sẽ là một cuộc gặp rất tốt cho cả hai nhà lãnh đạo. Nhưng về việc liệu hội nghị sẽ dẫn tới phi hạt nhân hóa hay không, thì tôi không chắc lắm”, ông James Kim nói.

Xuân Thành (T/h)

Xem thêm: