Thứ Năm (19/12), nhân kỷ niệm 35 năm ngày ký Tuyên bố chung Trung – Anh, Anh Quốc đã thúc giục Trung Quốc mở đối thoại với người biểu tình Hồng Kông và tôn trọng nhưng cam kết trong thỏa thuận 1984.

Embed from Getty Images

Ngoại trưởng Anh Quốc Dominic Raab

Tuyên bố chung Trung – Anh được Trung Quốc và Anh Quốc ký kết vào ngày 19/12/1984, trong đó chế độ Bắc Kinh cam kết rằng sự tự trị ở mức cao của Hồng Kông sẽ không thay đổi trong 50 năm kể từ sau khi cựu thuộc địa của Anh Quốc được trao trả về cho Trung Quốc năm 1997.

Tuy nhiên, do tâm lý của người Hồng Kông lo ngại Trung Quốc có thể bắt đầu trấn áp quyền tự do dân chủ nên đã dẫn tới nhiều tháng biểu tình trên hòn đảo này và chưa có dấu hiệu dừng lại.

Phát biểu trong một tuyên bố chính thức, Ngoại trưởng Anh Quốc Dominic Raab cho hay: “Hồng Kông đang trải qua thời kỳ hỗn loạn lớn nhất kể từ ngày trao trả.

Thỏa thuận giữa Anh Quốc và Trung Quốc nêu rõ rằng tự trị cao, nhân quyền và tự do của Hồng Kông sẽ duy trì không thay đổi trong 50 năm,” ông Raab nói thêm.

Những cam kết của Trung Quốc, bao gồm quyền tự do ngôn luận, tư pháp độc lập và pháp quyền là rất cần thiết cho sự thịnh vượng và lối sống của Hồng Kông.

Ông Raab nói rằng nước Anh đã thực hiện các cam kết đưa ra trong tuyên bố chung Trung – Anh một cách nghiêm túc.

Ngoại trưởng Anh Quốc nhấn mạnh: “Cách duy nhất để bảo vệ sự thành công và ổn định tương lai của Hồng Kông là bằng việc tôn trọng [những cam kết] này và giải quyết những quan ngại hợp pháp của người dân Hồng Kông thông qua đối thoại chính trị có ý nghĩa.

Trung Quốc chưa lên tiếng về phát biểu mới nhất của Ngoại trưởng Anh. Nhưng từ hồi tháng 6/2017,  Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã nói rằng Tuyên bố chung Trung-Anh 1984 là “một tài liệu lịch sử và không có bất kỳ giá trị thực tế nào”.

>>Lật lọng, Trung Quốc nói Tuyên bố khi nhận lại Hồng Kông từ Anh Quốc không có giá trị

Tuyên bố trên do phát ngôn viên Lục Khảng đưa ra trong buổi họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm thứ Sáu (30/6), chỉ 1 ngày trước lễ kỷ niệm 20 Hồng Kông tái nhập Trung Quốc.

Ông Lục nói rằng sự vụ của Hồng Kông là công việc nội bộ của Trung Quốc, và Tuyên bố chung 1984 đã đưa ra các thỏa thuận rõ ràng về việc Trung Quốc thực hiện chủ quyền của mình và giai đoạn chuyển đổi dẫn tới cuộc chuyển giao.

Giờ đây, khi Hồng Kông đã trở về tổ quốc được 20 năm, Tuyên bố chung Trung-Anh chỉ là một tài liệu lịch sử và không còn có ý nghĩa thực tiễn nào nữa. Tuyên bố chung đó cũng không có bất kỳ ràng buộc nào về cách chính quyền trung ương Trung Quốc quản lý Hồng Kông. Nước Anh không có chủ quyền, không có quyền quản lý và không có quyền giám sát đối với Hồng Kông. Tôi hy vọng các bên liên quan cân nhắc đến thực tế này,” ông Lục nhấn mạnh.

Xuân Thành