Xuất khẩu của Trung Quốc giảm 2 tháng liên tiếp trong tháng 9 do cuộc chiến thương mại với Mỹ tiếp tục giáng đòn nặng lên nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới.

Embed from Getty Images

Xuất khẩu tháng 9 của Trung Quốc giảm 3,2% so với cùng kỳ năm ngoái, mức giảm mạnh so với con số 1% hồi tháng 8, tính theo giá USD. Đây là mức giảm lớn nhất kể từ tháng Hai. Ngoài ra, nhập khẩu của Trung Quốc cũng giảm mạnh, tới 8,5% khiến các nhà phân tích sửng sốt bởi họ chỉ ước đoán 6.0%, cho thấy nhu cầu tiêu dùng trong nước cũng suy yếu liên tục từ đầu năm tới nay.

Về tổng thể, thặng dư mậu dịch của Trung Quốc tăng lên 39,65 tỷ USD, cao hơn con số 34,83 tỷ USD hồi tháng 8, theo số liệu của Tổng Cục Hải quan Trung Quốc. Con số này sẽ còn chịu ảnh hưởng bởi thuế suất 15% đánh lên 112 tỷ USD mà Mỹ mới áp dụng từ ngày 15/9.

Xuất khẩu từ Trung Quốc tới Mỹ tiếp tục giảm 17,8% vào tháng 9 và 22% vào tháng 8. Số lượng hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ vào Trung Quốc cũng giảm tới 20,5% vào tháng 9.

Các con số thương mại yếu kém liên tục từ đầu năm tới nay cho thấy những khó khăn mà Bắc Kinh phải đối mặt do chiến tranh thương mại với Mỹ kéo dài.

Hai ngày trước, các nhà đàm phán Trung Quốc đã tới Mỹ để tìm cách hòa hoãn thương chiến. Tổng thống Mỹ Donald Trump loan báo hai bên đã đồng ý về một “thỏa thuận giai đoạn 1”, trong đó Mỹ sẽ tạm ngừng tăng thuế vào ngày 15/10, đổi lại Trung Quốc đồng ý mua một lượng lớn nông sản của Mỹ ngay lập tức.

Thỏa thuận của tôi với Trung Quốc là họ sẽ NGAY LẬP TỨC mua một lượng lớn nông sản của chúng ta, không phải đợi đến khi ký thỏa thuận này vào 3 đến 4 tuần nữa. Họ đã bắt đầu rồi. Cũng như vậy, ở khía cạnh dịch vụ tài chính và các lĩnh vực khác của thỏa thuận sẽ bắt đầu chuẩn bị ngay. Tôi đồng ý không tăng thuế từ 25% lên 30% vào ngày 15/10. Thuế sẽ giữ nguyên mức 25%. Quan hệ với Trung Quốc đang rất tốt. Chúng tôi sẽ hoàn thành Giai đoạn Một của thỏa thuận, sau đó tiến đến giai đoạn 2 ngay lập tức. Thỏa thuận giai đoạn một sẽ được hoàn tất và ký duyệt sớm”, ông Trump viết trên Twitter hôm thứ Hai.

Các khía cạnh “gai góc” hơn trong quan hệ thương mại với 2 nước, như quyền sở hữu trí tuệ, chính sách trợ cấp công nghiệp của chính quyền Bắc Kinh cũng như lệnh cấm Huawei không được nhắc đến trong thỏa thuận lần này. Hơn nữa, đợt thuế đánh lên hàng tiêu dùng Trung Quốc như điện thoại di động, laptop và máy chơi game vào ngày 15/12 vẫn chưa rõ có được hủy bỏ hay không. Về cơ bản, Mỹ vẫn đang duy trì các mức thuế đánh lên 365 tỷ USD hàng Trung Quốc, đồng thời có được cam kết mua 50 tỷ USD nông sản mà Trung Quốc phải thực hiện ngay.

Số liệu xuất khẩu kém đè nặng thêm áp lực lên nền kinh tế vốn đang chậm đi của Trung Quốc. GDP quý 3 của nước này dự kiến sẽ giảm xuống 6,1% từ mức thấp kỷ lục 6,2% của quý 2, theo khảo sát của Bloomberg. Tốc độ tăng trưởng ngành dịch vụ của Trung Quốc cũng giảm xuống mức thấp nhất trong 7 tháng. Hơn thế nữa, việc Bắc Kinh cho giảm giá đồng Nhân Dân Tệ tới 3,8% cũng không cản được đà suy giảm của xuất khẩu bất chấp việc này khiến Mỹ liệt Trung Quốc vào các nước thao túng tiền tệ. Tờ SCMP của Hồng Kông đặt câu hỏi: Liệu kinh tế Trung Quốc còn tệ đến mức nào nếu Ngân Hàng Nhân Dân Trung Quốc không phá giá đồng tiền so với đồng USD?

Về mặt xuất khẩu, các nhà kinh tế đã tỏ ra quan ngại về mức tiêu thụ hàng hóa của Trung Quốc trong nhiều tháng qua. Các con số bán lẻ sụt giảm và các gói kích cầu tiêu dùng của chính phủ đã thất bại trong việc khuấy động thị trường tiêu thụ các sản phẩm giá trị cao như xe ô tô, theo SCMP. Con số nhập khẩu yếu kém cho thấy việc giảm lãi suất và bơm tiền vào nền kinh tế của Bắc Kinh chưa thực sự có hiệu quả đối với thị trường quốc nội.

Nhập khẩu giảm cũng chỉ ra sự suy yếu của ngành sản xuất trong nước Trung Quốc do một phần lớn hàng nhập khẩu là các linh kiện, máy móc được đặt hàng bởi các nhà máy để sản xuất hàng xuất khẩu. Theo chỉ số Nhà quản lý Mua hàng Sản xuất mới nhất được công bố – một thước đo về niềm tin của các chủ nhà máy, thì các đơn hàng xuất khẩu của Trung Quốc vẫn năm trong vùng tiêu cực trong 15 tháng liên tiếp.

Trọng Đức

Xem thêm: