Hôm nay (20/4), BBC đưa tin, khủng hoảng tại Venezuela tiếp tục leo thang căng thẳng. Đã có thêm ít nhất 2 người biểu tình chống chính phủ Maduro bị bắn chết. Mọi thứ dường như đang nằm ngoài tầm kiểm soát của đảng Xã hội Chủ nghĩa cầm quyền.

Theo BBC, một thiếu niên bị cảnh sát bắn chết tại thủ đô Caracas và một phụ nữ đã bị bắn chết ở San Cristobal, gần biên giới Colombia.

Hàng chục nghìn người đã xuống đường trong suốt 3 tuần qua, yêu cầu tổ chức cuộc bầu cử tổng thống mới và thả các chính trị gia đối lập đang bị bỏ tù.

Tổng thống Maduro cáo buộc phe đối lập tấn công cảnh sát và cướp phá trên đường phố.

Ông nói hơn 30 vụ bắt giữ đã được thực hiện. Tạia thủ đô Caracas, những người ủng hộ chính phủ cũng tổ chức mít-tinh phản đối phe đối lập.

Nguyên nhân dẫn đến khủng hoảng

Trong bản đánh giá triển vọng kinh tế mới nhất, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho biết “Venezuela vẫn bị sa lầy trong một cuộc khủng hoảng kinh tế sâu rộng” với tỷ lệ thất nghiệp cao và suy thoái trong mọi mặt của xã hội trong suốt ba năm qua.

Cả nước thiếu hụt nghiêm trọng các mặt hàng cơ bản nhất như thực phẩm và thuốc men. IMF dự kiến lạm phát của quốc gia này sẽ đạt tới con số 1.660% trong năm nay và 2.880% năm 2018.

Theo dữ liệu công bố hồi tháng 3, ngân hàng trung ương Venezuela tiết lộ chính phủ Maduro đang cạn kiệt tiền. CNN cho biết Venezuela còn khoản 10,5 tỷ USD dự trự ngoại tệ nhưng hiện đang có khoản nợ 7,2 tỷ USD đã quá hạn phải trả. Quốc gia này phụ thuộc 96% xuất khẩu (nguồn thu ngoại tệ để trả nợ và mua hàng hóa) bằng dầu mỏ. Giá dầu suy giảm trong vài năm gần đây khiến nền kinh tế mất khả năng chống đỡ và rơi vào khủng hoảng.

Dưới đây là những nguyên nhân căn bản khiến kinh tế Venezuela suy thoái kinh tế và khủng hoảng xã hội nghiêm trọng.

Tại sao Venezuela lại chia rẽ?

Venezuela bị chia rẽ thành hai phe. Trong đó một bên, được gọi là Chavistas – những người trung thành với lý tưởng xã hội chủ nghĩa của cố Tổng thống Hugo Chavez, phía đối lập  là những người không thể kiên nhẫn chờ đợi chứng kiến kết thúc 18 năm nắm giữ quyền lực của Đảng Liên minh Xã hội Chủ (PSUV).

Sau khi ông Hugo Chavez, lãnh đạo đảng Xã hội chủ nghĩa qua đời vào năm 2013, ông Nicolas Maduro, cũng thuộc về PSUV, được bầu làm Tổng thống với lời hứa tiếp tục các chính sách của người tiền nhiệm.

Những người Chavistas ca ngợi hai người đàn ông này đã biết sử dụng tài nguyên dầu mỏ của Venezuela để làm giảm bất bình đẳng rõ rệt và đưa nhiều người Venezuela thoát khỏi đói nghèo.

Nhưng phe đối lập nói rằng kể từ khi PSUV lên nắm quyền vào năm 1999, đảng này đã làm xói mòn các thể chế dân chủ của Venezuela quản lý kinh tế yếu kém.

Những người Chavistas lại cáo buộc phe đối lập là những người thuộc giới thượng lưu và bóc lột người nghèo ở Venezuela để làm giàu cho họ.

Họ cũng cáo buộc rằng các nhà lãnh đạo phe đối lập đang được Hoa Kỳ bí mật hậu thuẫn tài chính. Mỹ và Venezuela đang trải qua mối quan hệ ngoại giao ngờ vực nhiều năm qua.

Uy tín của ông Maduro giảm mạnh

Ông Maduro không thể truyền cảm hứng cho thế hệ Chavistas hiện tại theo cách mà người tiền nhiệm của ông đã làm. Hơn nữa, chính phủ của ông gặp khó khăn bởi giá dầu quốc tế giảm mạnh.

Theo các số liệu chính thức, dầu mỏ chiếm khoảng 95% thu nhập từ xuất khẩu của Venezuela và thường được sử dụng để tài trợ cho một số chương trình xã hội hào phóng của chính phủ, trong đó đã cung cấp nhà ở cho hơn một triệu người nghèo ở Venezuela.

Việc thiếu doanh thu từ dầu mỏ đã buộc chính phủ phải cắt giảm các chương trình xã hội, dẫn đến những người ủng hộ đảng xã hội chủ nghĩa cầm quyền giảm mạnh.

Chia rẽ đã có từ lâu, tại sao bay giờ mới bùng phát biểu tình?

Một loạt các sự kiện gần đây đã làm tăng thêm căng thẳng giữa chính phủ và phe đối lập và dẫn tới những cuộc biểu tình đường phố mới nhất.

Mấu chốt là do tuyên bố bất ngờ của Tòa án Tối cao vào ngày 29/3 rằng cơ quan này sẽ chiếm quyền hạn của Quốc hội do phe đối lập kiểm soát.

Phe đối lập nói rằng quy định đó đã làm xói mòn nguyên tắc phân chia quyền lực nhà nước và đẩy một bước gần hơn tới chế độ một người dưới thời Tổng thống Nicolas Maduro.

Tòa án lập luận rằng Quốc hội đã bỏ qua những phán quyết trước của Toà án tối cao và do đó cơ quan này cũng cần làm điều tương tự.

Mặc dù chỉ ba  ngày sau đó, Tòa án tối cao đã thay đổi phán quyết, nhưng niềm tin hệ thống tư pháp không thể khôi phục được.

Bên cạnh đó, những người ủng hộ phe đối lập cũng tức giận vì lệnh cấm được công bố vào ngày 7/4 trong đó yêu cầu nhà lãnh đạo phe đối lập Henrique Capriles không được tham gia vào cơ quan công quyền trong 15 năm, tức là loại nhân vật này ra khỏi cuộc bầu cử tổng thống Venezuela sắp tới.

Ông Capriles, người đã thua sít sao ông Maduro trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2013, có ý định sẽ tiếp tục tham gia tranh cử năm 2018.

Việc ông Capriles  bị truất quyền tham gia chính trị cho đến năm 2032 đã lấy đi của phe đối lập một trong những nhà lãnh đạo giỏi nhất và có kinh nghiệm nhất.

Với những nguyên cơ như vậy, các cuộc biểu tình đã diễn ra trên khắp đất nước trong hơn 2 tuần qua và được cho là lớn nhất trong ba năm trở lại đây, tạo áp lực lên Tổng thống Maduro để đàm phán với phe đối lập và tìm cách giảm bớt cuộc khủng hoảng kinh tế của đất nước.

Những người biểu tình chống chính phủ đã mô tả nó hoạt động xuống đường lần này như là “ngày độc lập thứ hai của Venezuela“.

Các cuộc biểu tình vẫn đang diễn ra hàng tuần trên khắp Venezuela và đã có đụng độ giữa người biểu tình và cảnh sát. Con số người chết được cập nhất mới nhất đã lên 7 người và rât nhiều người khác bị thương.

Phe đối lập muốn gì?

Theo BBC, phe đối lập có 4 mong muốn chính:

  • Sa thải các thẩm phán của Tòa án Tối cao đã ban hành phán quyết ngày 29/3
  • Tổ chức tổng tuyển cử ngay trong năm 2017
  • Thiết lập một “kênh nhân đạo” cho phép nhập khẩu thuốc để khắc phục sự thiếu hụt nghiêm trọng ở Venezuela
  • Thả vô điều kiện tất cả “tù nhân chính trị”.

Tân Bình

Xem thêm: