Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị hôm thứ Bảy (18/11) đã lên tiếng thúc giục Bangladesh và Myanmar giải quyết khủng khoảng di dân Hồi giáo Rohingya thông qua các cuộc đàm phán song phương, thay vì một sáng kiến quốc tế, theo Reuters.

Ông Vương đã tới Bangladesh hôm thứ Bảy trong chuyến công du hai ngày, sau đó Ngoại trưởng Trung Quốc sẽ tới Myanmar để tham dự Diễn đàn Hợp tác Á – Âu (ASEM).

Embed from Getty Images

Hàng ngàn người Rohingya đang chịu cảnh màn trời, chiếu đất khi cố gắng trốn chạy từ Myanmar sang Bangladesh.

Trong một cuộc họp báo ngắn tại Sứ quán Trung Quốc ở Thủ đô Dhaka, Bangladesh, ông Vương cho hay: “Cộng đồng quốc tế không nên làm phức tạp tình hình [khủng hoảng Rohingya].

Các hành động của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc phải giúp Bangladesh và Myanmar hợp tác song phương để giải quyết vấn đề này một cách hòa bình. Trung Quốc ủng hộ giải quyết cuộc khủng hoảng này bằng phương thức hòa bình, song phương với sự thương nghị qua lại giữa Bangladesh và Myanmar”, Reuters dẫn lời Ngoại trưởng Trung Quốc.

Cuộc khủng hoảng sắc tộc tại bang Rakhine, Myanmar đang ngày càng dâng cao khi đã có hơn 600.000 người Hồi giáo Rohingya trốn chạy sang Bangladesh kể khi quân đội Myanmar mở cuộc trấn áp người Rohingya với cáo buộc đây là phiến quân Hồi giáo đang nổi dậy chống chính phủ từ tháng 8/2017.

>>Myanmar: Hàng ngàn người Hồi giáo Rohingya trốn chạy sang Bangladesh

Ngoại trưởng Trung Quốc cũng ngỏ lời sẽ giúp đỡ giải quyết cuộc khủng hoảng này. Ông Vương nói: “Đó là một tình huống phúc tạp và cần một giải pháp toàn diện. Phát triển kinh tế tại bang Rakhine là cần thiết. Trung Quốc sẵn sàng giúp đỡ”.

Reuters cho biết đầu ngày thứ Bảy (18/11), ông Vương Nghị cũng đã gặp Thủ thướng Bangladesh Sheikh Hasina tại dinh thự riêng của bà ở Dhaka và bày tỏ với bà Thủ tướng sự ủng hộ của Trung Quốc trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng người tị nạn Rohingya.

Myanmar sẽ phải đảm bảo an toàn, an ninh và phẩm giá cho nhân dân của họ và có giải pháp lâu dài cho cuộc khủng hoảng này. Chúng tôi sẽ không cho phép bất kỳ nhóm khủng bố nào sử dụng lãnh thổ Bangladesh để tiến hành bất kỳ hành động nổi dậy nào ở nước láng giềng”, bà  Sheikh Hasina trao đổi với ông Vương Nghị như vậy qua lời tường thuật của thư ký riêng Ihsanul Karim.

Chưa rõ Thủ tướng Sheikh Hasina phản ứng ra sao về lời đề nghị giúp đỡ và khuyến nghị giải quyết cuộc khủng hoảng này bằng đối thoại song phương từ Ngoại trưởng Trung Quốc.

Nhưng trong cuộc gặp với ông Vương, người đồng cấp phía Bangladesh, ông Abul Hassan Mahmood Ali có nói rằng nước này đang cố gắng giải quyết cuộc khủng hoảng này bằng cả song phương và đa phương vì Dhaka hiện tại không thể đáp ứng được gánh nặng khổng lồ từ dòng người tị nạn Rohingya.

Thực tế, cộng đồng quốc tế cũng đang nỗ lực giúp Bangladesh và Myanmar tìm kiếm giải pháp giải quyết hòa bình cuộc khủng hoảng di dân nghiêm trọng này.

Reuters cho hay vào Chủ Nhật 19/11 (giờ địa phương), một phái đoàn nghị sĩ Quốc hội Hoa Kỳ sẽ tới thăm Bangladesh để nghiên cứu về tình hình khủng khoảng Rohingya.

Ngoại trưởng Thủy Điển Margot Wallstrom, Đại diện cấp cao về ngoại giao và an ninh của Liên minh Châu Âu Federica Mogherini, Ngoại trưởng Đức Sigmar Gabriel và Ngoại trưởng Nhật Bản Taro Kona cũng sẽ tới thăm Bangladesh trong tuần này.

Yên Sơn

Xem thêm: