Đó là tuyên bố mới nhất của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in liên quan đến chương trình hạt nhân của Bắc Hàn. Ông Moon hôm thứ Ba (14/11) nói rằng ngay cả khi Bắc Hàn muốn, họ cũng khó có thể phá hủy nhanh chóng kho vũ khí hạt nhân của mình vì nó đã rất phát triển.

Embed from Getty Images

Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in tiếp Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump tại Seoul hôm 7/11

Phát ngôn trên của Tổng thống Moon Jae-in được đưa ra trong một cuộc trả lời phỏng vấn báo chí bên lề Hội nghị Đông Á, tại Manila, Philippines. Ông Moon nói rằng nếu Bắc Hàn đồng ý hội đàm, các cuộc đàm phán sẽ được tổ chức với tất cả các lựa chọn mở.

Tuy nhiên, Tổng thống Hàn Quốc lo ngại về việc kho vũ khí hạt nhân của miền Bắc đang rất phát triển và khó có thể phá hủy nhanh. “Nếu các cuộc đàm phán bắt đầu để giải quyết vấn đề hạt nhân Bắc Hàn, tôi cảm thấy Bắc Hàn sẽ gặp khó khăn để phá hủy hoàn toàn các cơ sở hạt nhân của họ khi kho vũ khí hạt nhân và tên lửa của miền Bắc đang ở vào giai đoạn đã phát triển”, Reuters dẫn lời ông Moon Jae-in.

Tổng thống Hàn Quốc đề xuất: “Nếu vậy, chương trình hạt nhân của Bắc Hàn nên bị đình chỉ, và các cuộc đàm phán có thể tiếp tục để theo đuổi việc phi hạt nhân hóa hoàn toàn”.

Về phía Bắc Hàn, họ vẫn tuyên bố rằng sẽ không bao giờ từ bỏ chương trình hạt nhân của mình, bất chấp áp lực của cộng đồng quốc tế lên Bình Nhưỡng ngày càng gia tăng.

Tuần trước, Bình Nhưỡng cho biết họ không phản đối đối thoại, nhưng sẽ “không bao giờ đặt các vấn đề liên quan đến các lợi ích tối cao của đất nước và an ninh của nhân dân lên bàn đàm phán”. Thông tấn xã Bắc Triều Tiên (KCNA) cho hay: “Chúng tôi không quan tâm chút nào tới các cuộc đối thoại và đàm phán như vậy”.

Trước nay, Bắc Hàn vẫn luôn bảo vệ các chương trình hạt nhân và tên lửa của mình, coi đây là biện pháp tự vệ cần thiết chống lại các kế hoạch xâm lược của Mỹ.

Hoa Kỳ phủ nhận việc có kế hoạch lật đổ chế độ Kim Jong-un. Tuy nhiên, Tổng thống Donald Trump gần đây lại vướng vào các cuộc khẩu chiến căng thẳng với lãnh đạo Bắc Hàn Kim Jong-un.

Ông Trump thậm chí đã đe dọa “phá hủy hoàn toàn” Bắc Hàn nếu nước Mỹ và đồng minh bị đe dọa.

Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in nhắc lại lập trường rằng bây giờ là lúc để tăng cường áp lực lên Bắc Hàn để họ phải chấp nhận ngồi vào bàn đàm phán.

Trong một diễn biến khác liên quan đến nỗ lực đàm phán với Bắc Hàn, Đặc phái viên của Hoa Kỳ phụ trách vấn đề Bắc Hàn Joseph Yun hôm thứ Ba (14/11) đã tới Seoul để nhóm họp với các quan chức Hàn Quốc và quốc tế.

Bộ Ngoại giao Hàn Quốc cho biết ông Yun có kế hoạch hội đàm với người đồng cấp Hàn Quốc Lee Do-hoon vào thứ Sáu (17/11), bên lề một hội nghị quốc tế về giải trì quân bị do Hàn Quốc và Liên Hiệp Quốc đồng tổ chức tại đảo du lịch Jeju.

Ông Joseph Yun được coi là hạt nhân quan trọng trong các nỗ lực ngoại giao trực tiếp với chế độ Kim Jong-un. Trong phát biểu hôm 30/10, ông Yun đã nói rằng nếu Bắc Hàn tạm dừng thử tên lửa và hạt nhân trong khoảng 60 ngày, đó sẽ là dấu hiệu cho thấy Washington cần tìm cách tái khởi động việc đối thoại với Bình Nhưỡng.

Được biết, sau nhiều tháng thử tên lửa liên tiếp, chế độ Kim Jong-un đã không phóng tên lửa hay thử hạt nhân kể từ lần gần nhất họ bắn tên lửa đạn đạo qua miền bắc Nhật Bản hôm 15/9.

Ngoại giới nhận định còn quá sớm để có thể hy vọng các bên có thể giải quyết vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên thông qua đàm phán. Tuy nhiên, hy vọng về giải pháp hòa bình cho nan đề này là có, đặc biệt khi Tổng thống Trump trong chuyến thăm Hàn Quốc vừa qua cũng đã để ngỏ khả năng đối thoại với chế độ Kim Jong-un.

Trong buổi họp báo chung với Tổng thống Moon Jae-in hôm 7/11, bằng một giọng điệu chừng mực, mang tính ngoại giao hơn nhiều so với cuộc khẩu chiến gần đây, ông Trump nói đã “nhìn thấy tiến triển mới” và kêu gọi Bắc Hàn hãy “làm điều đúng đắn”.

Một điều thực sự đúng đắn là Bắc Hàn tới bàn đàm phán và tiến hành đàm phán”, ông Trump nói với phóng viên.

 “Tôi nghĩ rằng chúng tôi đã có rất nhiều tiến triển, tôi cho là ta đã thể hiện được sức mạnh to lớn, và họ đã hiểu được chúng ta có sức mạnh không gì sánh được”.

Yên Sơn (T/h)

Xem thêm: