Hồi tháng Năm năm 2014, Stephen Hawking, cùng nhiều nhà khoa học, đã cảnh báo thế giới: “Thành công trong việc tạo ra AI (Trí tuệ Nhân tạo) sẽ là sự kiện lớn nhất trong lịch sử nhân loại. Không may là nó đồng thời có thể là sự kiện cuối cùng, trừ phi chúng ta học cách làm thế nào để tránh được các hiểm hoạ.”

Gần đây giới quân sự trên thế giới rất quan tâm tới các hệ thống vũ khí tự hành, những vũ khí có thể chọn và tiêu diệt mục tiêu; Liên Hiệp Quốc và Tổ chức Theo dõi Nhân quyền đã chủ trương một hiệp ước cấm những loại vũ khí như vậy.”

Skynet-Trung-Quoc
Chế độ Trung Quốc giám sát người dân mọi lúc, mọi nơi bằng công nghệ. (Ảnh: ShutterStock )

Phát triển công nghệ cao

Những ngày này, trong khi báo chí thế giới đang sôi động bởi phát thanh viên dẫn chương trình thời sự sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) đầu tiên trên thế giới của Tân Hoa Xã – hãng thông tấn nhà nước Trung Quốc, thì chỉ một số ít người nhận thức được về một chương trình phát triển các loại vũ khí sử dụng trí tuệ nhân tạo đáng sợ tại Học viện Công nghệ Bắc Kinh (BIT) – một trong những cơ sở nghiên cứu về vũ khí hàng đầu ở Trung Quốc.

Theo báo cáo gần đây của tờ Hoa Nam Buổi Sáng (Hồng Kông), BIT đã chọn ra 31 sinh viên ưu tú nhất dưới 18 tuổi trong một cuộc tuyển chọn từ hơn 5.000 ứng viên cho “Chương trình thử nghiệm hệ thống vũ khí thông minh” 4 năm của họ.

Những tài năng trẻ này phải được quán triệt về lòng yêu nước và lòng trung thành của họ đối với nhà nước một đảng mới được đưa vào môi trường công nghệ cao này. Ngày nay, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) không che giấu ý định thống trị thế giới cả về kinh tế, quân sự và công nghệ, phần lớn được đánh cắp từ phương Tây là những phương tiện cần thiết để chế độ này đạt được mục tiêu của họ.

Kể từ năm 2014, hàng năm Trung Quốc đều tổ chức cái gọi là “Hội nghị Internet Thế giới”, nhưng ảnh hưởng quốc tế tại hội nghị năm nay kém hơn vì chỉ có một Uỷ viên ban quản trị của công ty sản xuất bộ vi xử lý Qualcomm phát biểu ý kiến, so với danh sách dài các diễn giả hồi năm ngoái, gồm cả nhiều CEO nổi tiếng như Tim Cook của Apple và Sundar Pichai của Google.

Cuộc chiến thương mại đang diễn ra giữa Mỹ và Trung Quốc đã phủ bóng đen lên hội nghị năm nay khi các công ty công nghệ phương Tây ở Trung Quốc đang tìm kiếm một lối thoát an toàn và những công xưởng sản xuất mới bên ngoài Trung Quốc.

Trong ba thập kỷ qua, các công ty phương Tây hy vọng đạt được một thị phần sinh lợi ở Trung Quốc, nhưng điều đó chỉ có thể xảy ra bằng cách trả một giá đắt qua hình thức chuyển giao công nghệ dưới áp lực của chính quyền địa phương.

Những vụ chuyển giao công nghệ ép buộc này đã dần làm giảm thực sự tính cạnh tranh của các công ty phương Tây. Theo một báo cáo năm 2017 của Văn phòng Đại diện thương mại Mỹ, mỗi năm người Trung Quốc lấy trộm tài sản trí tuệ xuất xứ từ Mỹ trị giá khoảng 600 tỷ USD.

Để đạt được kế hoạch chiến lược “Sản xuất tại Trung Quốc năm 2025” – một chương trình đẩy Trung Quốc lên vị trí thống trị trong 10 lĩnh vực công nghệ cao – Trung Quốc bắt đầu tổ chức một loạt các hội chợ thương mại hàng năm, như Hội nghị Internet Thế giới ở Ô Trấn (Wuzhen), tỉnh Chiết Giang và Triển lãm xuất nhập khẩu Quốc tế Trung Quốc (cả hai đều diễn ra vào tháng Mười Một này), để thu hút các công ty toàn cầu lớn đầu tư vào Trung Quốc. Nhưng năm nay, các công ty phương Tây rất cảnh giác với việc đầu cơ kinh doanh ở Trung Quốc.

Hệ thống mạng vùng địa phương

Ba năm qua, “Hội nghị Internet Thế giới” liên tục vấp phải những lời chỉ trích mạnh mẽ từ các cư dân mạng Trung Quốc, những người phàn nàn rằng mạng internet của Trung Quốc trên thực tế là một mạng nội bộ hay Mạng vùng địa phương (Local Area Network). Họ cho rằng hệ thống Vạn lý Tường lửa khét tiếng sàng lọc và kiểm soát “hàng trăm từ ngữ nhạy cảm“, kể cả của nhiều mạng xã hội và các kênh truyền thông nước ngoài.

Một số cư dân mạng Trung Quốc phàn nàn về cái gọi là Hội nghị Internet Quốc tế, cho rằng thế giới mạng thực tế của họ bị giam hãm trong 9.600.000km2, kích thước lãnh thổ Trung Quốc. Hiện nay với công nghệ nhận diện khuôn mặt và cái gọi là “hệ thống chấm điểm tín nhiệm xã hội” – một chương trình giám sát toàn diện đánh giá và nhận dạng các công dân Trung Quốc trên cơ sở thái độ của họ, từ đó ép buộc phải trung thành với chế độ – các công dân Trung Quốc bị theo dõi chặt chẽ bởi Big Brother – hệ thống dữ liệu gián điệp của nhà nước Trung Quốc.

Trên thực tế, hơn 800 triệu người dùng mạng ở Trung Quốc sống trong một thế giới ảo biến tướng, trong đó ĐCSTQ kiểm soát tất cả các thông tin, trừ một số người hoặc giỏi kỹ thuật, hoặc những người phải trả tiền cho phần mềm Mạng Cá nhân Ảo (VPN) để vượt tường lửa.

Hai công cụ vượt tường lửa miễn phí của Mỹ là Free Gate và Ultra Surf bị kiểm duyệt chặt chẽ ở Trung Quốc, nhưng vẫn có thể giúp hàng trăm nghìn người đăng nhập vào các trang mạng ở nước ngoài hàng ngày.

Khi công nghệ nâng đỡ chính thể chuyên chế

Vì sao Bắc Kinh thích kiểm duyệt Internet đến thế? Ngải Vị Vị, một nghệ sĩ bất đồng chính kiến với chính quyền Trung Quốc, có lẽ có lời giải thích hay nhất về điều này, “Việc kiểm duyệt nói lên rằng: ‘Ta là người duy nhất được nói lời cuối cùng. Dù ngươi có nói gì đi nữa, kết luận là của ta’. Nhưng internet giống như một cái cây đang lớn. Con người sẽ luôn nói câu cuối – thậm chí cả người có giọng nói rất nhỏ nhẹ yếu ớt. Quyền lực như vậy sẽ sụp đổ vì một lời thì thầm.”

Ngày nay ý tưởng cho rằng công nghệ sẽ giúp tự do hoá các xã hội khép kín có thể không còn đúng với từng trường hợp, đặc biệt ở Trung Quốc. Trong bài viết “Vì sao công nghệ nâng đỡ chuyên chế” đăng trên tờ The Atlantic, tác giả Yuval Noah Harari đưa ra câu trả lời chi tiết về việc vì sao công nghệ không nhất thiết giúp đỡ các xã hội tự do và, thay vào đó, nó thường nâng đỡ các xã hội chuyên chế khi công nghệ hiện đại bậc nhất trở nên ngày càng tạo ra sự cách biệt với quần chúng.

Mặc dù một số luận điểm quan trọng của Harari trở thành chủ đề để bàn cãi, nhưng ông đã nêu ra một vài phản biện về việc bằng cách nào công nghệ và AI có khả năng khiến các thể chế độc tài trở nên mạnh mẽ, cũng như mối nguy hiểm của việc chuyển giao quyền lực cho máy móc.

Theo quan điểm của ông Harari, mắt xích yếu kém của các chế độ độc tài trong thế kỷ 20 – khát khao tập trung tất cả thông tin và quyền lực – có thể trở thành lợi thế quyết định của họ trong thế kỷ 21, nhờ có những công nghệ mới như AI.

Ông Harari dường như có quan điểm hợp logic rằng ngày nay công nghệ làm tăng cường sự kiểm soát độc tài trong các xã hội khép kín. Đối với hàng chục triệu người thuộc Thế hệ sinh ra từ năm 2000 (Thế hệ Z), cũng được biết đến là “Thế hệ Vạn lý Tường lửa” ở Trung Quốc, họ lớn lên đã quen với một tập hợp khác của thực tế ảo so với những người sống trong phần còn lại của thế giới.

Như Mã Kiến, một tiểu thuyết gia Trung Quốc sống lưu vong, gần đây đã diễn tả, tác phẩm “Năm 1984” của Orwell đã được hiện thực hoá “một cách trọn vẹn và đầy đủ” ở Trung Quốc.

Báo cáo của đài phát thanh Úc ABC, với tiêu đề “Tôi không biết Facebook hay Twitter. Thế hệ Z Vạn lý Tường lửa của Trung Quốc đã bị chia tách khỏi phương Tây”, đưa ra một thực tế lạnh người: người dùng internet trẻ ở Trung Quốc lớn lên với những quan điểm về thế giới khác xa với những người sống trong phần còn lại của thế giới. Vạn lý Tường lửa hiển nhiên đã tạo ra hai thế giới song song trên địa cầu này.

Một số công ty phương Tây hỗ trợ ĐCSTQ

Để làm mọi việc tồi tệ hơn, một vài công ty công nghệ phương Tây tình nguyện giúp mài sắc những công cụ đàn áp của ĐCSTQ, bất chấp sự phản đối từ nội bộ.

Khi Pichai, CEO của Google, tuyên bố với báo giới: “Công nghệ không giải quyết những vấn đề của nhân loại”, ông ta dường như truyền tải thông điệp rằng Google thực tế có thể tạo ra những vấn đề của loài người, dưới tác động của “Dự án Chuồn Chuồn” đầy tranh cãi của họ. Dự án này nhằm mục đích giúp đỡ ĐCSTQ giám sát những người dùng mạng trực tuyến.

Đừng trở thành quỷ dữ” đã là khẩu hiệu của Google từ năm 2000, nhưng quy tắc ứng xử này đã bị lặng lẽ dỡ bỏ trước khi công ty mẹ của Google là Alphabet, vào năm 2015, chấp thuận một phương châm mới “Làm đúng việc” – một cố gắng rõ ràng nhằm phủi sạch quan hệ ma quỷ của họ với ĐCSTQ. Ai đó có thể hỏi, “Liệu có phải Google đang cố hết mức bán linh hồn của mình để thâm nhập thị trường Trung Quốc?

Theo báo cáo của tờ Sydney Morning Herald có tựa “Từ sinh viên tới những thiết bị bay không người lái: Đảng cộng sản Trung Quốc huấn luyện lực lượng nòng cốt của họ ở Úc như thế nào,” một vài trường đại học ở Úc, cũng như một số trường ở Na Uy, Anh và Đức, đang phục vụ như những trung tâm sáng tạo cho các nghiên cứu viên của Quân giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) nhằm giúp họ nắm vững công nghệ về Trí tuệ Nhân tạo cho các mục đích quân sự và chiến đấu.

Các mã nguồn mở của các trường đại học phương Tây xem ra phục vụ rất tốt PLA trong nỗ lực nâng cấp thiết bị quân sự và mở rộng phạm vi chuẩn bị chiến tranh của họ. Tại một phiên điều trần của Thượng viện Mỹ hồi tháng Hai, Giám đốc FBI Christopher Wray đã cảnh báo những “giáo sư, nhà khoa học, sinh viên” Trung Quốc tất cả đều tham gia vào mạng lưới tình báo.

Năm 2015, chính quyền Tổng thống Obama đã ký Hiệp ước An ninh mạng Mỹ – Trung với Bắc Kinh, nhưng ba năm sau người ta phát hiện ra Trung Quốc đã vi phạm gần như tất cả điều khoản của hiệp ước này và không ngừng hoạt động ngầm chống các tổ chức và các công ty Mỹ.

Dù các cơ quan tình báo Mỹ cung cấp nhiều bằng chứng rõ ràng, Washington vẫn chưa chặn lại hoặc trả đũa cho việc thâm nhập mạng đang lan rộng như vậy từ Trung Quốc. Các nhà phê bình chỉ ra rằng dù cho tính chất toàn diện của thoả thuận, hiệp ước này rõ ràng là không thể có hiệu lực. Không có lấy một biện pháp giám sát và thẩm tra rõ ràng nào. Thậm chí nếu nó là một thỏa thuận được diễn đạt rõ ràng, ít người có thể tin rằng Bắc Kinh sẽ tôn trọng nó vị họ vốn có thành tích kém cỏi tuân thủ các thỏa thuận trong  quá khứ.

“Hãy xô đổ bức tường này xuống”

Ông Henry David Thoreau, triết gia người Mỹ thế kỷ 19, đã cảnh báo chúng ta từ rất lâu: “Con người đang trở thành công cụ của công cụ của họ.” Ngày nay, chúng ta phải đặc biệt cảnh giác khi các công cụ công nghệ đang ở trong tay của bất kỳ một chế độ độc tài nào – công nghệ mới, hơn bao giờ hết, sẽ trở nên kinh khủng hơn trong việc nô dịch hoá toàn thể nhân loại và cuối cùng tạo ra một xã hội thao túng tất cả.

Nhiều nhà nghiên cứu về Trung Quốc thường so sánh Vạn lý Tường lửa của chế độ ĐCSTQ với Bức tường Berlin trong kỷ nguyên Chiến tranh Lạnh. Sau rốt, cả hai đều nhằm mục đích kìm giữ con người dưới sự kiểm soát hà khắc phía sau bức tường đồng thời ngăn cản họ vươn ra thế giới bên ngoài.

Khi bức tường Berlin sụp đổ vào ngày 9 tháng Mười Hai năm 1989, cựu Tổng thống Đức Horst Kohler phát biểu: “Bức tường là một cấu trúc to lớn của sự sợ hãi. Vào ngày 9 tháng Mười Hai, nó đã trở thành nơi chốn của niềm vui.”

Ngày nay, nhân loại sẵn sàng đón chào một nhà  lãnh đạo thếgiới khác, với cùng quyết tâm và tầm nhìn như cựu Tổng thống Mỹ Ronald Reagan, để nói to và rõ ràng về Vạn lý Tường lửa của Trung Quốc: “Ngài Tập, hãy xô đổ bức tường này!

Tác giả:  Peter Zhang

(Ông Peter Zhang chuyên nghiên cứu về kinh tế chính trị Trung Quốc và Đông Á. Ông tốt nghiệp Học viện Nghiên cứu Quốc tế Bắc Kinh, Trường Luật và Ngoại giao Fletcher; và là nghiên cứu sinh tại trường Kennedy của Đại học Harvard).

Bài viết đăng trên The Epoch Times

Dung Lê biên dịch

Xem thêm: