Ngoại trưởng Hoa Kỳ Rex Tillerson hôm thứ Năm 4/5 đã kêu gọi những người đồng cấp tại Đông Nam Á đẩy mạnh hơn nữa việc cắt giảm dòng tài chính đổ vào các chương trình hạt nhân và tên lửa của Bắc Triều Tiên và cô lập quan hệ ngoại giao của Bình Nhưỡng.

Trợ lý Ngoại trưởng Hoa Kỳ phụ trách Đông Á, Patrick Murphy nói rằng ông Tillerson nhấn mạnh cam kết về an ninh và kinh tế của Washington đối với khu vực này trong bối cảnh có những nghi ngại về nền tảng chính sách “nước Mỹ trên hết” của Tổng thống Donald Trump và việc Hoa Kỳ rút khỏi Hiệp định Thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP).

Ông Murphy cũng nói rằng, Ngoại trưởng Mỹ, Tillerson kêu gọi các nước ASEAN thực hiện đầy đủ các biên pháp trừng phạt của Liên Hợp Quốc (LHQ) đối với Bình Nhưỡng trong khi nước này vẫn theo đuổi chương trình tên lửa, hạt nhân đe dọa an ninh hòa bình của khu vực và thế giới. Quan chức Mỹ mong muốn khối này thể hiện là một mặt trận thống nhất chống lại sự hung hăng của Bắc Hàn.

Trao đổi với các phóng viên Reuters, ông Murphy nói thêm: “Chúng tôi nghĩ rằng có thể làm được nhiều hơn, không chỉ giới hạn trong Đông Nam Á. Chúng tôi đang khuyến khích các nước tiếp tục và tiến bước mạnh mẽ hơn trên khắp ASEAN”.

Tuần trước, ông Tillerson kêu gọi tất cả các quốc gia đình chỉ hoặc hạ cấp quan hệ ngoại giao với Bình Nhưỡng. Ông cho rằng Bắc Triều Tiên đang lợi dụng các đặc quyền ngoại giao để gom tài chính cho các chương trình vũ khí của họ. Ngoại trưởng Mỹ cũng cảnh báo rằng Washington sẽ xử phạt các công ty nước ngoài và các cá nhân tiến hành kinh doanh với Bắc Triều Tiên nếu các nước đó không tự hành động.

Tất cả các thành viên ASEAN đều đặt quan hệ ngoại giao với Bắc Triều Tiên, trong đó 5 nước có đại sứ quán ở đó.

Ông Murphy nói rằng Washington không khuyến khích các nước ASEAN chính thức cắt đứt quan hệ với Bình Nhưỡng, nhưng kêu gọi các nước này chú ý kiểm soát sự hiện diện của Bắc Triều Tiên “nơi vượt quá nhu cầu ngoại giao“.

Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ nói một số quốc gia đã làm việc này rồi và cũng xem xét đến vấn đề người lao động Bắc Triều Tiên ở nước ngoài, một nguồn thu nhập đáng kể khác cho Bình Nhưỡng.

Bộ trưởng Ngoại giao tạm quyền của Philippines – nước đang là Chủ tịch hiện tại của ASEAN, ông Enrique Manalo nói về việc Hoa Kỳ kêu gọi giảm thiểu quan hệ với Bình Nhưỡng: “Chúng tôi chưa thực sự thảo luận về vấn đề này trong các nước ASEAN, vì vậy chúng tôi sẽ lưu tâm xem xét vấn đề đó”.

Ông Manalo nói thêm rằng: “Mối quan tâm trực tiếp của chúng tôi là cố gắng đảm bảo căng thẳng trên bán đảo không tăng lên … Chúng tôi không muốn thấy cuối cùng sẽ có một cuộc xung đột nổ ra do một số sai lầm”.

Bộ trưởng Ngoại giao Singapore, Vivian Balakrishnan, cho biết các biện pháp trừng phạt sẽ phải được thực hiện đầy đủ, nhưng sự hiện diện của Bắc Triều Tiên ở nước ông là rất nhỏ.  Khi được hỏi liệu có còn giảm nữa không, ông Balakrishnan  nói: “Tôi không nói không giảm nữa, nhưng tại thời điểm này đó không phải là vấn đề. Chúng tôi sẽ tuân theo nghị quyết của Hội đồng Bảo an LHQ”.

Ngoài ra, Washington cũng muốn các nước ASEAN trấn áp nạn rửa tiền và buôn lậu liên quan đến Bắc Triều Tiên và xem xét việc hạn chế kinh doanh hợp pháp.

Trong khi trao đổi với Bắc Kinh về việc tăng áp lực lên Bình Nhưỡng, các quan chức Hoa Kỳ cũng yêu cầu Trung Quốc thúc giục một số nước thành viên ASEAN thân Trung Quốc như Lào và Campuchia cũng thực hiện các hành động tương tự.

Các nhà ngoại giao Hoa Kỳ nói rằng áp lực của Washington đã gây ra một số khó chịu trong ASEAN, trong đó có Malaysia, nước vẫn duy trì mối quan hệ với Bình Nhưỡng bất chấp vụ ám sát Kim Jong Nam, anh trai cùng cha khác mẹ của ông Kim Jong Un xảy ra ở sân bay quốc tế Kuala Lumpur hồi tháng Hai vừa qua.

Tân Bình

Xem thêm: