2 năm trôi qua, thế hệ Dù Vàng ở Hồng Kông không hề bị lụi tàn, họ ngày càng trưởng thành hơn.

Hoàng Chi Phong trong buổi biểu tình Chiếm Trung Hoàn Hông Kông năm 2014.
Hoàng Chi Phong trong buổi biểu tình Chiếm Trung Hoàn Hông Kông năm 2014.

Ngày 04/9/2016 tới đây, Hồng Kông tổ chức bầu cử lập pháp với sự tham gia của hàng loạt đảng phái mới. Điều đáng chủ ý là tất cả những đảng chín trị mới này đều chỉ thành lập trong chưa đầy một năm và đều xuất thân từ phong trào Dù Vàng năm 2014. Xu hướng hoạt động của họ là kêu gọi giữ gìn lịch sử, bản sắc và thậm chí một nền độc lập cho Hồng Kông.

Những đảng phái chính trị non trẻ Hồng Kông thách thức Bắc Kinh

Từ đảng Demosisto của Hoàng Chi Phong, Hongkong National Party (HKNP) do một nhóm cựu sinh viên thành lập, cho đến nhiều đảng khác Youngspiration hay Hongkong Indigenous của Edward Leung … đã lần lượt xuất hiện. Mỗi một đảng có một chương trình hành động riêng từ giữ gìn lịch sử, bản sắc cho đến cả việc kêu gọi độc lập cho đặc khu. Một vài đảng nhỏ cấp tiến này cho rằng Hồng Kông rồi cũng sẽ có cùng số phận như Tây Tạng năm 1950

Phong trào Dù Vàng dù thất bại, Bắc Kinh vẫn kiên quyết áp đặt điều kiện chọn ứng viên vào vị trí lãnh đạo đặc khu hành chính Hồng Kông, nhưng những người trẻ ở đây không từ bỏ. Họ dấn chân thêm một bước nữa, thay đổi chiến lược, tự thành lập các đảng chính trị trẻ nhằm phục vụ mục đích của mình.

Trong đợt bầu cử địa phương tổ chức hồi tháng 2/2016, nhiều ứng viên trẻ và độc lập đã gây được bất ngờ.

Giới trẻ Hồng Kông hiện ngày càng trưởng thành vào có ý thức chính trị hơn. Họ công khai chỉ trích nguyên tắc “Một quốc gia, hai chế độ” mà Bắc Kinh đã hứa trao quyền tự trị cho đặc khu hành chính này đến tận năm 2047.

Hoàng Chi Phong, một trong những người dẫn đầu phong trào Dù vàng, đã thành lập đảng Demosisto, cho rằng người dân Hồng Kông chưa thật sự bao giờ được tham vấn về số phận chính trị khi đổi từ chủ này qua chủ khác, từ tay hoàng gia Anh sang Trung Quốc cộng sản. Do đó, người dân đặc khu cần phải được tham vấn từ đây trong vòng 10 năm nữa. Độc lập rất có thể sẽ là một trong những chọn lựa được đề ra cũng như việc phản đối sáp nhập hoàn toàn vào Trung Quốc.

Thế hệ trẻ này của Hồng Kông, những người chỉ sinh trước hay sau ngày Hồng Kông được trao trả về Trung Quốc một chút tức năm 1997. Do đó, cột mốc 2047 sẽ là thời điểm những thế hệ này có thể lên nắm quyền. “Chính vì thế là thế hệ chúng tôi phải tham gia chính trường”, Hoàng Chi Phong, 20 tuổi, giải thích tiếp.

Không như một số đảng cấp tiến khác, bài người Trung Quốc đến từ lục địa vì cho rằng họ là những người thô lỗ, vô văn hóa khác với người Hồng Kông, Demosisto của Hoàng Chi Phong muốn chứng tỏ dung hòa hơn, muốn rằng những người mới đến cũng phải “chia sẻ các giá trị của Hồng Kông”.

Con đường chính trị của giới trẻ Hồng Kông

Edward Leung, đại diện cho đảng Hongkong Indigenous chủ trương độc lập cho Hồng Kông
Edward Leung, đại diện cho đảng Hongkong Indigenous chủ trương độc lập cho Hồng Kông

Tôi đã từng là một người biểu tình ôn hòa. Nhưng chúng tôi đạt được cái gì. Không gì cả”, Edward Leung, phát ngôn viên của Hongkong Indigenous cay đắng thừa nhận thất bại của Dù Vàng và chiếm trung tâm.

Sau thất bại của các cuộc biểu tình, tôi bắt đầu tự hỏi rằng mình có sẵn sàng trả cái giá cao hơn hay không? Giống như lịch sử của những người da màu ở Mỹ vào những năm 1960.”

“Tất nhiên nếu các biện pháp ôn hòa có thể thay đổi xã hội thì tôi sẽ rất muốn làm như thế, vì nó không phải trả cái giá quá đắt. Nhưng nếu cần phải sử dụng các biện pháp cấp tiến hơn để gây áp lực cho chính phủ thì tôi cũng sẵn sàng”.

Hongkong Indigenous là một đảng phái gồm những nhà hoạt động dân chủ trẻ đang trực tiếp tranh cử vào Hội đồng Lập pháp và tiến vào con đường chính trị chính thống để đòi Hồng Kông được tự do khỏi nền chính trị độc tài Bắc Kinh. Tuy nhiên cùng với 5 người khác, Edward Leung đã bị cấm tham gia ứng cử bởi vì chính quyền Hồng Kong hiện tại lo ngại rằng nếu anh đắc cử ủy viên Hội đồng Lập Pháp, anh sẽ sử dụng quyền của mình để vận động Hồng Kông ly khai khỏi Bắc Kinh.

Truyền thông nhà nước Trung Quốc gọi phong trào đòi độc lập đang nhen nhóm ở đây là ngu xuẩn và độc hại. Đối với Bắc Kinh, bất cứ một khu vực nào trong lãnh thổ của họ đòi tự trị là không được phép nghĩ đến, chứ đừng nói là đem ra tranh luận. Tây Tạng, Tân Cương với những cuộc đàn áp đẫm máu đã minh chứng cho điều đó.

Tuy nhiên, theo BBC, một cuộc thăm dò ý kiến gần đây cho thấy ngày càng có nhiều người Hồng Kông bắt đầu nghĩ tới điều không tưởng này. Đại học Hồng Kông công bố kết quả thăm dò cho thấy gần 40% người được hỏi có độ tuổi dưới 25 ủng hộ ý tưởng Hồng Kông độc lập.

Sự trỗi dậy của các đảng mang màu sắc địa phương đã đặt lại vấn đề những nguyên tắc cơ bản của các đảng chính trị truyền thống ủng hộ dân chủ. Không mong dân chủ hóa Trung Quốc Đại Lục, cũng không thiết tha với cội rễ Trung Hoa, thế hệ kế tục phong trào Dù Vàng Hồng Kông hiện tại chỉ đơn giản là đấu tranh cho quyền tự quyết trong thành phố mình.

Theo nhận xét của Sebastien Veg, nhà nghiên cứu thuộc trường Cao học Khoa học Xã Hội, đối với họ, các chủ đề đó, “quá phức tạp, quá xa vời, lớp người đi trước không còn ảnh hưởng và đó không còn là chuyện của thế hệ ngày nay”.

Càng gần đến cột mốc 2047, ngày quy chế đặc biệt dành cho đặc khu Hồng Kông hết hiệu lực, người dân lãnh thổ này ngày càng tỏ ra lo âu, bức bối trước mỗi lần Bắc Kinh can thiệp vào quyền tự do. Nỗi lo đó càng được khẳng định trước vụ năm nhân viên nhà sách Hồng Kông đột nhiên mất tích khi cho xuất bản những quyển sách bị cấm tại Hoa lục. Và có vẻ những chủ nhân tương lai của mảnh đất này có vẻ sẽ không ngồi yên chờ ngày phán xét.

Trọng Đức