Truyền thông Israel mới đây loan báo rằng chính phủ nước này đã tiến hành một cuộc rà soát liên ngành đối với một thương vụ cho Trung Quốc phát triển và vận hành một phần tại cảng chiến lược Haifa. Động thái này của Israel được cho là do phía Mỹ dấy lên các quan ngại về an ninh.

Embed from Getty Images

Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Bắc Kinh hồi tháng 3/2017.

Cảng Haifa là một trong ba cảng biển quốc tế chính của Israel. Cảng này nằm tại phía đông Biển Địa Trung Hải và phục vụ cho cả mục đích thương mại và quân sự.

Cảng Haifa cung cấp các cơ sở sửa chữa và dịch vụ cho Hạm đội Sáu của Hải quân Hoa Kỳ, bao gồm khoảng 40 tàu chiến và 175 chiến đấu cơ các loại. Cảng này cũng đặt căn cứ hải quân của Israel và là nơi tổ chức các cuộc tập trận hải quân chung Mỹ – Israel. Hải quân Israel đồn trú các hạm đội chính trong đó có tàu chiến tên lửa và tàu ngầm tại căn cứ quân sự ở cảng Haifa.

Năm 2015, Tập đoàn Cảng Quốc tế Thượng Hại (SIPG) – một công ty nhà nước Trung Quốc đã được trao hợp đồng vận hành một nhà ga mới của cảng Haifa trong 25 năm. Hiện tại nhà ga này đang được hai công ty của Israel xây dựng và dự kiến hoàn thành vào năm 2021. Theo một bài báo hồi tháng 3/2015 của nhật báo Haaretz (Israel), SIPG sẽ trả phí thuê và phí sử dụng để được quyền điều hành nhà ga mới tại cảng Haifa, ngoài ra công ty này cũng đầu tư khoảng 1 tỷ Shekel (khoảng 265 triệu USD) vào việc nâng cấp thiết bị và cơ sở hạ tầng bến cảng trước khi đi vào vận hành khai thác.

Tuy nhiên, quan chức của cả Mỹ và Israel đều đã dấy lên các quan ngại an ninh về thỏa thuận Trung Quốc – Israel liên quan tới cảng Haifa.

Nhật báo Jerusalem Post (Israel) trong một bài viết đăng ngày 15/12 vừa qua đã thông báo rằng chính phủ Israel đã tiến hành “một cuộc rà soát thỏa thuận [Haifa] ở cấp độ cao”, đặc biệt bao gồm các thành viên của nội các chính phủ với các bộ trưởng hàng đầu.

Dẫn theo ba nguồn tin giấu tiên, Jerusalem Post loan báo rằng cuộc rà soát này được tiến hành sau khi các quan chức quốc phòng Mỹ không xác định danh tính đã dấy lên quan ngại cá nhân với những người đồng cấp Israel.

Theo Jerusalem Post, một quan chức giấu tên của Lưc lượng Phòng vệ Israel (quân đội của nước này) đã xác nhận rằng cuộc rà soát nêu trên đang được tiến hành.

Dẫn theo một nguồn tin giấu tên khác, Jerusalem Post cho biết nhiều thành viên nội các Israel đã bày tỏ quan ngại rằng thỏa thuận với SIPG đã “không được toàn bộ nội các an ninh quốc gia Israel đánh giá kỹ lưỡng trước khi phê duyệt”.

Theo một bài báo trên Haaretz ngày 18/9/2018, Bộ Giao thông Israel và Cảng vụ Haifa là những đơn vị năm 2015 đã quyết định trao cho SIPG hợp đồng vận hành một phần cảng Haifa. Tuy nhiên, Hội đồng An ninh Quốc gia Israel (NSC) – một cơ quan tư vấn về an ninh quốc gia cho thủ tướng và chính phủ, đã không tham gia vào các cuộc thảo luận về thỏa thuận Israel – Trung Quốc liên quan tới cảng Haifa. Hải quân Israel cũng không tham gia vào tiến trình này.

Không giống như Mỹ, Israel không có một cơ quan chuyên biệt để đánh giá các thỏa thuận đầu tư nước ngoài.

Chỉ huy Hải quân Mỹ Kyle Raines – một đại diện của Hạm đội Sáu, nói với Jerusalem Post rằng các tàu Hải quân Mỹ cập cảng Haifa thường xuyên theo các hoạt động quân sự song phương và theo yêu cầu của cảng. Trả lời câu hỏi về sự hiện diện của Trung Quốc tại cảng Haifa sau năm 2021, ông Raines nói: “Cho tới nay, chưa có bất kỳ thay đổi nào của các hoạt động của chúng tôi tại Israel. Tôi không thể đoán trước điều gì có thể hoặc không thể xảy ra vào năm 2021”.

Nhưng ông Gary Roughead, một đô đốc Mỹ về hưu, đã bày tỏ quan ngại về thỏa thuận Haifa trong một cuộc phỏng vấn với tạp chí Newsweek ngày 14/9/2018. Ông Gary nói: “Các nhà khai thác cảng người Trung Quốc sẽ có thể giám sát chặt chẽ các chuyển động của tàu chiến Mỹ, biết được các hoạt động bảo dưỡng, và có thể tiếp cận thiết bị chuyển đến và đi ở các cơ sở sửa chữa và tự do liên hệ với các thủy thủ của chúng ta trong một thời gian dài.

Viện Trung Đông (MEI) – một đơn vị tư vấn phi lợi nhuận có trụ sở tại Washington trong một bài phân tích xuất bản hôm 27/11 cũng đã đặt ra các rủi ro an ninh trong mối quan hệ giữa Israel, Trung Quốc và Mỹ.

Phân tích của MEI cho biết sự hiện diện của Trung Quốc tại cảng Haifa sẽ cho phép chế độ Bắc Kinh “tiếp cận các nguồn lực tri thức bên trong nền kinh tế Israel”. Nhóm tư vấn này chỉ ra rằng thông tin về các công ty gửi hàng hoặc nhận hàng thông qua cảng Haifa sẽ được chuyển tới nhà khai thác cảng người Trung Quốc.

MEI cảnh báo rằng với những vụ việc đã được ghi lưu lại về gián điệp và các cuộc tấn công mạng của Trung Quốc chống lại các công ty Mỹ, thì mối đe dọa với Israel là hiện hữu.

Cũng theo bài phân tích của MEI, một kịch bản rắc rối khác cho Israel là: “Nếu chính phủ Trung Quốc, dù bất cứ lý do gì và bất kỳ thời điểm nào, quyết định chuyển đổi các tàu đang sử dụng dịch vụ tại cảng Haifa sang một bến cảng khác ở Hy Lạp hoặc Đảo Sip (nơi Trung Quốc cũng đang khai thác vận hành cảng biển), thì nền kinh tế Israel sẽ gặp tổn thất lớn”. Truyền thông Hy Lạp và Trung Quốc đã từng loan báo rằng các công ty Trung Quốc quan tâm mua đa số cổ phần tại các cảng ở Đảo Sip, nhưng chưa thông báo bất kỳ thỏa thuận đã được xác nhận nào.

Trung Quốc thông qua sáng kiến “Một Vành đai, Một Con đường” được thông báo triển khai từ năm 2013 nhằm thiết lập con đường thương mại nối Bắc Kinh với toàn thế giới, đã đầu tư mạnh mẽ vào các bến cảng tại Châu Âu. Cảng Piraeus của Hy Lạp hiện tại do công ty Vận tải Đại Dương Trung Quốc (COSCO) của nhà nước Trung Quốc quản lý vận hành khai thác.

Chế độ Bắc Kinh cũng đang hoạt động tại một cảng lớn khác của Israel – Cảng Ashdod và họ xem đây là cầu nối thương mại quan trọng của Trung Quốc với Châu Âu.

Theo trang tin The Times of Israel, công ty China Harbor Engineering của nhà nước Trung Quốc đã được trao hợp đồng xây dựng nhà ga mới tại cảng Ashdod vào tháng 9/2014. Hiện tại công trình này đang do một công ty con của China Harbor Engineering tại Israel xây dựng và dự kiến cũng sẽ hoàn thành vào năm 2021 như công trình tại cảng Haifa.

Xuân Thành (Theo The Epoch Times)

Xem thêm: