Tổng thống Iran Hassan Rouhani hôm thứ Năm (23/5) đã nói rằng Iran sẽ không đầu hàng trước áp lực của Mỹ và sẽ không từ bỏ các mục tiêu của mình ngay cả khi bị ném bom. Tuyên bố này của Tổng thống Iran tiếp tục làm gia tăng khẩu chiến giữa Tehran và Washington.

Embed from Getty Images

Hôm 23/5/2019, tại thủ đô Tehran, Tổng thống Iran Hassan Rouhani phát biểu tại buổi kỷ niệm giải phóng thành phố Khorramshahr của Iran khỏi sự chiếm đóng của quân đội Iraq trong cuộc chiến tranh Iran – Iraq 1980-88 (Ảnh: / Handout/Anadolu Agency/Getty Images)

Phát biểu tại buổi lễ kỷ niệm cuộc chiến tranh Iran – Iraq 1980-1988, Tổng thống Iran Hassan Rouhani cho hay: “Hơn một năm sau khi chịu các chế tài nghiêm khắc, nhân dân ta đã không quỳ gối trước các áp lực bất chấp phải đối mặt với cuộc sống khó khăn”, theo Thông tấn xã Iran (IRNA).

“Chúng ta cần phản kháng để những kẻ thù của chúng ta biết rằng nếu họ ném bom mảnh đất này, và nếu con cháu của chúng ta phải tử vì đạo, bị thương hoặc bị bắt làm tù binh, chúng ta vẫn sẽ không từ bỏ những mục tiêu vì độc lập và niềm tự hào của đất nước chúng ta,” ông Rouhani nói thêm.

Trước đó, vào sáng 23/5, Tổng tham mưu trưởng các lực lượng vũ trang Iran, Tướng Mohammad Baqeri đã nói rằng mâu thuẫn giữa Tehran và Washington là “xung đột ý chí”. Ông Baqeri cảnh báo rằng bất kỳ “sự phưu lưu” nào của kẻ thù sẽ phải đối mặt với sự phản kháng dữ dội, theo hãng tin FARS.

Tướng Baqeri cũng chỉ ra chiến thắng của Iran trong chiến tranh với Iraq và nói rằng kết quả đó có thể là một thông điệp rằng Iran sẽ “đáp trả cứng rắn, dữ dội và phá hủy” bất cứ “sự liều lĩnh” nào của kẻ thù.

Căng thẳng giữa Mỹ và Iran đang ngày càng gia tăng sau khi Washington điều động nhiều lực lượng vũ trang tới Trung Đông trong màn thị uy sức mạnh chống lại cái mà các quan chức Mỹ nói là các mối đe dọa Iran nhắm vào binh lính và lợi ích của Mỹ trong khu vực.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ tạm quyền Patrick Shanahan hôm 23/5 đã xác nhận rằng Ngũ Giác Đài đang cân nhắc việc điều thêm binh lính tới Trung Đông như một trong những cách thức để tăng cường bảo vệ lực lượng của Mỹ tại đó. Trước đó, Mỹ đã điều hàng không mẫu hạm, các tàu khu trục và oanh tạc cơ B-52 tới Vùng Vịnh.

Sau khi rút nước Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran 2015 vào năm ngoái, Tổng thống Donald Trump đã tái áp đặt chế tài lên Iran từ tháng Mười Một và tới tháng Năm này, Washington đã thắt chặt thêm các biện pháp trừng phạt, lệnh cho tất cả các nước phải dừng nhập khẩu dầu thô của Iran nếu không chính họ cũng sẽ bị chế tài.

Hôm Chủ Nhật (19/5), ông Trump đăng tweet: “Nếu Iran muốn đánh, đó sẽ là sự kết thúc chính thức của Iran. Đừng bao giờ đe dọa Mỹ lần nữa!”

Ông Trump muốn gia tăng áp lực lên Tehran để chế độ này phải vào bàn đàm phán hướng tới một thỏa thuận mới với việc kiềm chế chặt chẽ hơn các chương trình hạt nhân và tên lửa của mình.

Nhắc lại lập trường của Iran, phát ngôn viên của Hội đồng An ninh Tối cao Iran, ông Keyvan Khosravi hôm 23/5 đã nói: “Sẽ không có bất kỳ cuộc đàm phán nào giữa Iran và Mỹ.”

Ông Keyvan Khosravi cũng nói rằng thời gian gần đây một số quan chức từ nhiều nước đã tới thăm Iran, “phần lớn đại diện cho Mỹ.”

Ông Keyvan Khosravi không nêu chi tiết quan chức của các nước nào đã tới Iran, nhưng theo Reuters, đại diện của bộ ngoại giao Oman đã tới Tehran hôm thứ Hai (20/5). Oma trước đây đã từng giúp mở đường cho các cuộc đàm phán giữa Tehran và Washington.

“Không với ngoại lệ, thông điệp về sức mạnh và sự phản kháng của quốc gia Iran đã được chuyển tới họ,” ông Khosravi nói.

Trong khi đó, tại Berlin, Đức, một nguồn tin ngoại giao Đức đã nói với Reuters rằng ông Jens Ploetner – giám đốc chính trị của Bộ Ngoại giao Đức, đã có mặt tại Iran hôm thứ Năm (23/5) để họp với các quan chức Iran nhằm cố gắng duy trì thỏa thuận hạt nhân Iran 2015 và hạ nhiệt căng thẳng khu vực.

Ông Ploetner cho biết: “Tình hình tại Vùng Vịnh và khu vực này cũng giống như tình huống diễn ra xung quanh thời điểm ký thỏa thuận hạt nhân Iran 2015 tại Vienna, là cực kỳ nghiêm trọng. Có nguy cơ leo thang thực sự… Trong tình hình này, đối thoại là rất quan trọng.”

Cùng thời điểm này, Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif có chuyến công du sang nước láng giềng Pakistan để thảo luận với các quan chức cấp cao Islamabad về các vấn đề khu vực.

“Hiện nay khu vực của chúng tôi đang trong tình huống rất nguy cấp và những biện pháp nguy hiểm đã được hình thành trong khu vực này, vì vậy chúng tôi cần tham vấn tất cả các nước láng giềng của mình,” hãng tin FARS dẫn lời ông Zarif khi ông đặt chân tới thủ đô Islamabad, Pakistan.

Ông Zarif cũng kêu gọi cộng động quốc tế phải thực hiện những bước thực chất để đối phó với “sự gây hấn” của Mỹ và “cách tiếp cận bắt nạt” của họ chống lại Tehran.

Xuân Thành