Chính quyền Iran hôm Năm (4/7) đã triệu tập Đại sứ Anh tại Tehran để bày tỏ không hài lòng về cái mà họ gọi là hành động bắt giữ phi pháp một tàu của Iran xảy ra cùng ngày tại quốc đảo Gibraltar.

Embed from Getty Images

Theo BBC, tàu bị bắt giữ hôm 4/7 là Grace 1 có tải trọng 300.000 tấn, treo cờ Panama do một công ty tại Singapore quản lý. Con tàu này bị bắt giữ trong lãnh thổ Gibraltar, thuộc Anh, phía trên mũi phía nam của Tây Ban Nha sau khi nó đi từ Trung Đông vòng qua Châu Phi tới cửa Địa Trung Hải.

Thủy quân lục chiến Hoàng gia Anh đã giúp các nhà chức trách Gibraltar bắt giữ tàu Grace 1 vì họ có bằng chứng con tàu này đang chở dầu tới Syria, vi phạm chế tài của Liên minh Châu Âu (EU).

BBC cho biết Anh đã huy động 30 thủy quân lục chiến bay từ Anh tới Gibraltar để giúp giới chức sở tại bắt giữ tàu Grace 1. Thủy quân Anh đã tiếp cận tàu chở dầu vi phạm này bằng cả máy bay trực thăng và xuồng cao tốc. Họ đã chiếm giữ được con tàu mà không cần phải nổ súng.

Tuy nhiên, sau vụ bắt giữ nêu trên, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Iran lập tức tuyên bố hành động của Anh là “một dạng cướp biển”.

Trả lời phỏng vấn trên truyền hình nhà nước Iran, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Iran Abbas Mousavi nói rằng vụ bắt giữ này là “một dạng cướp biển” và không dựa trên bất kỳ luật lệ quốc tế nào. Ông Mousavi kêu gọi Anh và Gibraltar phải lập tức thả tàu Grace 1 để nó tiếp tục hành trình bình thường.

Ông Mousavi nói thêm rằng “động thái này cho thấy rằng Anh đang theo sau các chính sách thù địch của Mỹ, đó là điều không thể chấp nhận được đối với nhà nước và chính phủ Iran”.

Trong khi đó, Ngoại trưởng Anh Jeremy Hunt cho biết hành động nhanh chóng của các nhà chức trách tại Gibraltar và Thủy quân lục chiến Hoàng gia Anh sẽ giúp ngăn chặn các nguồn tài nguyên tới “chế độ giết người” của Tổng thống Syria Bashar al-Assad.

Gibraltar cho biết họ có lý do để tin rằng tàu Grace 1 đang chở dầu thô của Iran tới Nhà máy lọc dầu Baniyas tại cảng Tartous của Syria, bên bờ Địa Trung Hải.

EU cho biết Nhà máy lọc dầu Baniyas cung cấp tài chính cho chính phủ Syria, vốn chịu lệnh trừng phạt vì đàn áp dân thường kể từ khi người dân bắt đầu cuộc nổi dậy chống lại Tổng thống Assad vào năm 2011. Nhà máy lọc dầu này đã phải chịu lệnh trừng phạt của EU kể từ năm 2014.

Cố vấn an ninh quốc gia của chính phủ Mỹ, ông John Bolton cũng lên tiếng nói rằng vụ bắt giữ tàu vừa qua là “tin tức tuyệt vời”. Ông Bolton khẳng định chiếc tàu chở đầy dầu hướng tới Syria là vi phạm các chế tài của EU và nói thêm rằng Mỹ và các đồng minh sẽ tiếp tục ngăn chặn các chế độ tại Tehran và Damascus “thu lợi từ giao thương bất hợp pháp này”.

Theo Reuters, đầu năm nay, tàu Grace 1 cũng là một trong 4 tàu chở dầu liên quan tới việc vận chuyển dầu thô của Iran tới Singapore và Trung Quốc, vi phạm các chế tài của Mỹ đang áp đặt lên chế độ Tehran.

Xuân Thành