Theo hãng thông tấn chính thức IRNA của Iran, nước này đã giới thiệu thứ được các quan chức mô tả là tên lửa đạn đạo bội siêu thanh tự sản xuất trong nước vào thứ Ba. Thông báo này dự kiến làm tăng mối lo ngại của phương Tây về khả năng tên lửa của Tehran.

Truyền thông nhà nước Iran công bố hình ảnh tên lửa Fattah tại một buổi lễ có sự tham dự của Tổng thống Ebrahim Rahisi và các chỉ huy Lực lượng Vệ binh Cách mạng Iran.

“Tên lửa siêu thanh dẫn đường chính xác Fattah có tầm bắn 1.400 km và nó có khả năng xuyên thủng mọi lá chắn phòng thủ”, theo ông Amirali Hajizadeh, người đứng đầu lực lượng hàng không vũ trụ của Vệ binh, được truyền thông nhà nước Iran trích dẫn.

Tên lửa siêu thanh có thể bay nhanh hơn ít nhất 5 lần so với tốc độ âm thanh và bay theo quỹ đạo phức tạp, khiến chúng khó bị đánh chặn. Năm ngoái, Iran cho biết họ đã chế tạo được một tên lửa đạn đạo siêu thanh có thể di chuyển vào và ra khỏi bầu khí quyển.

Truyền hình nhà nước cho biết tên lửa Fattah của Iran có thể nhắm mục tiêu vào “các hệ thống chống tên lửa tiên tiến của kẻ thù và là một bước nhảy vọt lớn trong lĩnh vực tên lửa”.

“Nó có thể vượt qua các hệ thống tên lửa chống đạn đạo tiên tiến nhất của Hoa Kỳ và chế độ Zionist [Chủ nghĩa phục quốc Do Thái], bao gồm cả hệ thống Vòm Sắt của Israel”, đài truyền hình nhà nước Iran cho biết.

Tốc độ tối đa của Fattah đạt mức mach 14 (15.000km/h).

Bất chấp sự phản đối của Mỹ và châu Âu, Cộng hòa Hồi giáo cho biết họ sẽ tiếp tục phát triển chương trình tên lửa phòng thủ. Tuy nhiên, các nhà phân tích quân sự phương Tây cho rằng Iran đôi khi phóng đại khả năng tên lửa của mình.

Những lo ngại về tên lửa đạn đạo của Iran đã góp phần khiến Tổng thống Mỹ khi đó là Donald Trump vào năm 2018 từ bỏ hiệp ước hạt nhân năm 2015 của Tehran với sáu cường quốc.

Ông Trump đã áp dụng lại các biện pháp trừng phạt của Hoa Kỳ đối với Iran sau khi rút khỏi hiệp ước hạt nhân.

Các cuộc đàm phán gián tiếp giữa Tehran và chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden nhằm cứu vãn thỏa thuận hạt nhân đã bị đình trệ kể từ tháng 9 năm ngoái.

Israel phản đối nỗ lực của các cường quốc thế giới nhằm khôi phục thỏa thuận hạt nhân của Tehran và từ lâu đã đe dọa hành động quân sự nếu ngoại giao thất bại.

Nhật Minh (theo Reuters)