Tập đoàn công nghệ Trung Quốc Huawei hôm thứ Bảy (12/1) đã phát đi tuyên bố nói rằng họ đã sa thải một nhân viên vừa bị bắt tại Ba Lan với cáo buộc làm gián điệp.

huawei
Ảnh từ Shutterstock

Nhằm tìm cách phủ nhận việc dính líu vào sự vụ tại Ba Lan, trong tuyên bố hôm 12/1, Huawei nói rằng họ đã sa thải ông Wang Weijing và khẳng định rằng “những hành động bị cáo buộc [của ông này] không liên quan tới công ty [Trung Quốc].”

Tiểu sử về ông Wang trên mạng xã hội LinkedIn cho thấy ông đã làm việc cho chi nhánh Huawei tại Ba Lan từ năm 2011 và trước đó trong giai đoạn 2006 – 2011, ông làm tùy viên ngoại giao tại Tổng Lãnh sự quán Trung Quốc tại Gdansk – thành phố miền bắc Ba Lan.

Tuyên bố của Huawei có đoạn viết: “Phù hợp với điều khoản và điều kiện trong hợp đồng lao động của Huawei, chúng tôi đã đưa ra quyết định này vì sự vụ này đã mang tiếng xấu cho Huawei.”

“Huawei tuân thủ tất cả các luật và quy định hiện hành tại các nước mà [chúng tôi] hoạt động, và chúng tôi yêu cầu mọi nhân viên phải tuân thủ luật và quy định tại các nước mà họ làm việc”, tuyên bố của Huawei nói thêm.

Reuters cho biết họ đã liên hệ với Huawei để tìm hiểu thêm thông tin, nhưng phát ngôn viên Joe Kelly của tập đoàn công nghệ hàng đầu Trung Quốc này từ chối cung cấp thêm bất kỳ chi tiết nào liên quan tới ông Wang Weijing.

Trong khi đó, một phát ngôn viên của cơ quan mật vụ Ba Lan đã nói với Reuters rằng những cáo buộc đối với ông Wang chỉ liên quan tới các hành động cá nhân, và không liên đới trực tiếp tới Tập đoàn Công nghệ Huawei.

Tuy nhiên, theo trang tin Money.pl một thứ trưởng bộ Nội vụ Ba Lan nói rằng Warsaw cũng đang phân tích bất kỳ sự liên quan của Huawei trong việc xây dựng hạ tầng viễn thông 5G của nước này.

Theo Reuters, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã lên tiếng bày tỏ quan ngại về vụ bắt giữ quản lý cao cấp của Huawei tại Ba Lan và đang thúc giúc Warsaw giải quyết vụ việc này “công bằng”.

Sau vụ bắt giữ ông Wang và một cựu điện viên người Ba Lan, Bộ trưởng nội vụ Ba Lan Joachim Brudzinski đã kêu gọi Liên minh Châu Âu (EU) và NATO làm việc trong một lập trường chung về việc liệu có loại bỏ Huawei khỏi thị trường Châu Âu hay không.

Huawei hiện tại đang phải đối mặt với việc giám sát chặt chẽ tại phương Tây vì mối quan hệ của họ với chính quyền Trung Quốc. Những cáo buộc do Mỹ khởi xướng nói rằng các thiết bị của Huawei có thể được chế độ Bắc Kinh sử dụng vào hoạt động gián điệp.

Mặc dù chưa có bằng chứng nào được công bố công khai, nhưng nhiều nước phương Tây đã hạn chế Huawei tiếp cận thị trường viễn thông của họ.

Vào tháng 8/2018, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký luật cấm các cơ quan chính phủ Mỹ sử dụng công nghệ Huawei và ông Trump cũng đang cân nhắc ban hành một lệnh hành pháp khác để cấm các công ty Mỹ hợp tác kinh doanh với tập đoàn công nghệ Trung Quốc.

Ông Brudzinski nói rằng Ba Lan muốn tiếp tục hợp tác với Trung Quốc, nhưng nói thêm rằng cần thiết phải có một cuộc thảo luận xem có trục xuất Huawei khỏi một số thị trường hay không.

Trao đổi với đài phát thanh tư nhân RMF FM hôm 12/1, ông Brudzinski cho hay: “Cũng có những quan ngại về Huawei trong các nước NATO. Sẽ là hợp lý nhất khi có lập trường chung trong các thành viên EU và NATO.”

“Chúng tôi muốn quan hệ với Trung Quốc một cách tốt đẹp, chuyên sâu và hấp dẫn cho cả hai bên”, ông Brudzinski nói thêm.

Xuân Thành