Chiều ngày 4/3, Luật sư của Giám đốc Tài chính Huawei Mạnh Vãn Châu đã tuyên bố khởi kiện chính phủ Canada; cùng với đó, có nguồn tin cho biết, Huawei cũng chuẩn bị nộp đơn kiện chính phủ Mỹ vì cấm cơ quan liên bang sử dụng thiết bị của công ty này.

huawei
Ảnh minh họa từ Shutterstock

Hôm 4/3, tờ New York Times dẫn 2 nguồn tin giấu tên cho biết, Huawei dự tính sẽ công bố thông tin vào cuối tuần này về việc khởi kiện chính phủ Mỹ ra tòa án tại bang Texas. Trụ sở của Huawei Mỹ nằm ở thành phố Plano bang Texas.

Theo hãng tin Reuters, điều này cho thấy sự thách thức đối với Đạo luật Ủy quyền quốc phòng đã được Tổng thống Trump ký hồi năm ngoái. Công ty Huawei vướng phải nhiều vụ bê bối, và tổng bộ của Huawei tại Thâm Quyến Trung Quốc sẽ tuyên bố về việc khởi kiện này trong cuộc họp báo vào ngày 7/3 tới.

Năm ngoái, Quốc hội Mỹ đã thông qua Đạo luật Ủy quyền quốc phòng, đạo luật này cấm các cơ quan hành chính của Mỹ mua, thuê và sử dụng các thiết bị viễn thông của Huawei, ZTE. Ngày 25/7 năm ngoái, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng từng cho biết, Trung Quốc vô cùng bất mãn và kiên quyết phản đối về dự thảo của Đạo luật Ủy quyền quốc phòng trong năm tài chính 2019 của Mỹ có điều khoản liên quan đến Trung Quốc, đồng thời phía Trung Quốc cũng kêu gọi Mỹ lập tức xóa bỏ nội dung tiêu cực liên quan đến Trung Quốc trong dự thảo luật này.

Được biết, Huawei rất có thể sẽ tranh luận về điều khoản “luật tước đoạt công quyền”, hoặc là hành động lập pháp trừng phạt cá nhân hoặc đoàn thể nào đó mà chưa quan xét xử. Hiến pháp Mỹ cấm Quốc hội thông qua đạo luật tương tự.

Nguồn tin cho biết, hành động này của Huawei có mục đích nhằm buộc chính phủ Mỹ công khai nhiều luận cứ hơn nữa về việc cấm sản phẩm của Huawei, đây cũng là một phần trong cuộc phản công của Huawei đối với các hành động do Mỹ đứng đầu nhằm làm suy yếu công ty Huawei.

Thông tin hôm 4/3 cho thấy, trong tuyên bố khởi kiện chính phủ Canada, Luật sư của bà Mạnh Vãn Châu cho biết, đã đại diện bà Mạnh gửi thư thông báo lên Tòa án tối cao tỉnh British Columbia, đề nghị khởi kiện dân sự đối với Cục Dịch vụ biên giới Canada (Canada Border Services Agency), Cảnh sát Hoàng gia Canada (Royal Canadian Mounted Police) và chính phủ Canada.

Cáo buộc được đưa ra là, trong tình huống họ chưa thông báo đến bà Mạnh, nhưng đã tiến hành bắt giữ, lục soát và thẩm vấn bà 3 tiếng đồng hồ, cách làm này đã xâm phạm đến quyền lợi của bà Mạnh được quy định trong hiến pháp.

Theo yêu cầu của phía Mỹ, ngày 1/12/2018, Canada đã bắt giữ và bà Mạnh Vãn Châu, chính phủ Mỹ đã đưa ra nhiều cáo buộc đối với bà Mạnh và công ty Huawei, nói Huawei là mối đe dọa đối với anh ninh quốc gia của Mỹ. Bà Mạnh Vãn Châu bị cáo buộc lừa đảo ngân hàng và lừa đảo chuyển khoản, vi phạm lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Iran.

Từ lâu, Washington luôn cho rằng sản phẩm của Huawei tồn tại vấn đề về an ninh, đồng thời nói công ty này có quan hệ mật thiết với chính phủ Trung Quốc, Mỹ cũng nói rằng thiết bị của Huawei có thể bị Trung Quốc dùng để giám sát các nước khác và các công ty khác. Đây cũng là nguyên nhân mà điện thoại thông minh của Huawei rất khó tiến sâu vào thị trường Mỹ, mặc dù công ty này là nhà sản xuất điện thoại thông minh đứng thứ 2 trên thế giới.

Cạnh tranh về lĩnh vực thiết bị mạng cũng có lo lắng tương tự, nhất là các nước phương Tây lo lắng năng lực cạnh tranh về giá cả của Huawei có thể sẽ khiến cho các đối thủ cạnh tranh (không phải công ty Trung Quốc) rút khỏi thị trường. Nếu xảy ra tình huống này, Trung Quốc có thể hưởng thụ sự lũng đoạn thị trường. Các nước phương Tây thuộc Liên minh 5 mắt (Five Eyes) lo lắng, các cơ sở hạ tầng quan trọng của quốc gia sẽ do thế lực nước ngoài xây dựng, duy trì và cuối cùng sẽ bị kiểm soát.

Chiều ngày 4/3, trang mạng The Register đã liên hệ với Huawei, nhưng Huawei từ chối bình luận về việc khởi kiện. The Register đặt vấn đề việc chính phủ Anh thực thi lệnh cấm tương tự đối với việc sử dụng thiết bị của Huawei trong mạng internet của nước này, liệu Huawei có dự định khởi kiện chính phủ Anh hay không, nhưng Huawei không trả lời.

Ngày 26/2, 11 Thượng nghị sĩ Quốc hội Mỹ đã gửi thư kêu gọi chính phủ Mỹ cấm Mỹ sử dụng thiết bị năng lượng mặt trời do Huawei sản xuất. Họ cho biết, sản phẩm mạng lưới điện năng lượng mặt trời “thông minh”, có thể liên kết đến hệ thống kiểm soát biến tần trong mạng lưới điện rộng hơn, được gọi là “bộ não” của trạm điện pin mặt trời, nó cũng trực tiếp liên quan đến tính bảo mật và độ tin cậy của “hệ thống phát điện và cơ sở hạ tầng quan trọng của Mỹ”.

Huawei phủ nhận cáo buộc hình sự tại Mỹ vì đánh cắp bí mật thương mại liên quan đến thử nghiệm điện thoại thông minh trên cánh tay robot.

Huệ Anh

Xem thêm: