Chỉ trong 12 ngày đầu tiên từ khi ông Trump chính thức nắm vị trí tổng thống, đã có một con số đáng kể các bài đăng trên mạng xã hội nhắc tới việc ám sát tổng thống mới.

Sở mật vụ chịu trách nhiệm bảo vệ văn phòng của tổng thống, dù là trong một buổi diễu hành hay online (ảnh: Shutterstock)
Sở mật vụ chịu trách nhiệm bảo vệ văn phòng của tổng thống, dù là trong một buổi diễu hành hay online (ảnh: Shutterstock)

Những bài đăng này thường thì khá đơn giản, và nhiều người chỉ đùa hay châm biếm nói quá – nhưng có rất nhiều những từ ngữ như vậy. Công ty phần mềm Dataminr đã dò tìm các bài đăng Twitter chứa cụm từ “ám sát Trump” (assassinate Trump) kể từ ngày ông nhậm chức, kết quả thu được là 12.000 tweet.

Tuy nhiên, Sở mật vụ Hoa Kỳ, hay ngay cả Twitter và Facebook cũng không đoái hoài tới đa số những post này. Khi trang Mashable hỏi một vài người dùng về những bài đăng “ám sát Trump” của họ, tất cả đều nói rằng chẳng có ai liên lạc và các bài post đều vẫn còn ở đó.

Nhưng có 1 số báo cáo cho thấy các đặc vụ đã gõ cửa một vài người dùng mạng xã hội. Một phụ nữ bang Kentucky đã đăng rằng, “Nếu ai đó độc ác tới mức ám sát MLK, có lẽ ai đó cũng tốt tới mức ám sát Trump.” Hiện người này đang bị điều tra bởi Sở mật vụ, theo AP đưa tin.

Một người đàn ông Ohio đã đăng vài thông điệp trên Twitter về việc ám sát Trump vào đêm diễn ra bầu cử, theo NBC News. Sở mật vụ đã thẩm vấn ông ngày hôm sau và ông đã bị buộc tội đe dọa người sau này là tổng thống tân cử.

“Nếu người đó thực sự có ý định gây hại thì Sở mật vụ sẽ bận tâm về điều đó,” cựu đặc vụ Tim Franklin, giáo sư ngành tội phạm học và chống khủng bố tại ĐH bang Arizona cho biết.

Vì vậy, những người chỉ đăng vu vơ 1 mẩu tin hay không có tiền sự về gửi tin nhắn đe dọa sẽ dễ dàng được bỏ qua. GS. Tim nói rằng Sở mật vụ chú ý tìm xu hướng và hành vi thường xuyên, ví dụ như người lặp lại nhiều lần ý định giết tổng thống trong một khoảng thời gian. Nếu ai đó đã từng đe dọa trong quá khứ, người đó sẽ dễ bị điều tra nếu họ đăng bài viết với ý định xấu.

“Họ (Sở mật vụ) sẽ không đập cửa của tất cả mọi người đăng bình luận tiêu cực trên Twitter,” GS. Tim nói, điều này quả là nhẹ lòng đối với bất cứ ai đã từng lỡ đăng tải  nhưng không nghiêm túc về việc mong muốn tổng thống mới “ra đi.”

Nhưng những ai dùng những từ nhất định và nói chi tiết về tổng thống, địa điểm và cách thức ám sát, Sở mật vụ sẽ dễ dàng nhận ra.

Tổng thống Trump được các mật vụ bao quanh trong lễ diễu hành nhậm chức (ảnh: Barry Bahler(
Tổng thống Trump được các mật vụ bao quanh trong lễ diễu hành nhậm chức (Ảnh: Barry Bahler)

Mặt khác, Facebook và Twitter cũng có chính sách riêng để loại bỏ những bài post mang tính đe dọa. Twitter cho biết, “Các nguyên tắc của Twitter nghiêm cấm đe dọa bạo lực, và chúng tôi sẽ tạm đóng tài khoản vi phạm điều này.” Facebook cũng có chính sách tương tự, loại bỏ các bài post mang ý định ám sát tổng thống.

Nhưng hàng ngàn bài đăng với từ “giết” và “ám sát” vẫn còn xuất hiện, mà mục tiêu là tổng thống chứ không phải ai khác. Các mạng xã hội này dường như không thể theo kịp làn sóng tràn lan các ngôn từ đe dọa và không tuân thủ nghiêm ngặt chính sách của mình.

Khi ông Trump còn là ứng cử viên tổng thống, Sở mật vụ đã phải chăm chú theo dõi và điều tra các mối đe dọa nhắm vào ông và bà Clinton. Giờ ông đã thành tổng thống, văn phòng của ông còn được bảo vệ hơn nữa. Các mối đe dọa nhắm vào ông và phó tổng thống Mike Pence có thể bị phạt tiền hoặc phạt tù lên tới 5 năm.

Vì ông Trump tận dụng mạng xã hội để nói về các chính sách và ý tưởng gây tranh cãi, ông trở thành mục tiêu trên Twitter nhiều hơn so với ông Obama và George W. Bush khi họ còn tại chức, ít ra thì trong những ngày đầu tiên. Nhưng cũng không nên quên rằng ông Obama và Bush cũng chịu ác cảm trên mạng từ một bộ phận công chúng nhất định.

Dù sao đi nữa, GS. Tim nhận định: “Công dân Mỹ có quyền bày tỏ những ý kiến đó.” Nhưng nên từ tốn một chút với những ngôn từ bạo lực tràn lan đó, và hãy chắc rằng đừng để cho những lý luận đi tới việc bàn bạc về gây thương tích, sát hại hay thậm chí bắt cóc – có một ranh giới, và nếu bạn bước qua, có người sẽ tới gõ cửa nhà bạn.

Theo Mashable,
Sơn Vũ lược dịch

Xem thêm: