Cùng với Venezuela, Pakistan, Eritrea và Qatar, đại diện của Trung Quốc sẽ làm việc 1 năm trong nhóm 5 người có quyền lựa chọn các nhà điều tra nhân quyền của Liên Hiệp Quốc. Điều này đã vấp phải sự phản đối của cộng đồng quốc tế, và nhiều tổ chức đã lên tiếng yêu cầu Liên Hiệp Quốc hủy bỏ lệnh bổ nhiệm.

Vào ngày 1/4/2020, ông Jiang Duan, Tham tán công sứ của Phái đoàn thường trực Cộng hòa Nhân Dân Trung Hoa, đã được bổ nhiệm vào nhóm tư vấn Hội đồng Nhân Quyền. Nhiệm kỳ của ông này sẽ kéo dài đến ngày 31/3/2021 với vai trò quan trọng trong việc lựa chọn các nhà điều tra nhân quyền từ các tổ chức trực thuộc Liên Hiệp Quốc. Bốn thành viên còn lại đến từ Venezuela, Pakistan, Eritrea, và Qatar.

Với vai trò mới nêu trên, Trung Quốc sẽ đóng vai trò chính trong việc chọn lựa ít nhất 17 nhà giám sát & điều tra nhân quyền về các vấn đề tự do ngôn luận, mất tích, giam giữ tùy tiện v.v. Trớ trêu khi đây là tất cả những điều mà chế độ Đảng Cộng sản Trung Quốc được cho là đã và đang vi phạm nghiêm trọng.

Hồ sơ tệ hại về nhân quyền của Trung Quốc và sự che đậy thông tin có hệ thống về đại dịch COVID-19 đã khiến 82 tổ chức và hiệp hội, chủ yếu đến từ Trung Âu và Đông Âu, đệ đơn yêu cầu hủy bỏ lệnh bổ nhiệm. Họ đã gửi thư đến Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres, Chủ tịch Ủy ban thứ ba của Đại hội đồng Christian Braun, Chủ tịch Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc Elisabeth Tichy-Fisslberger, Cao ủy Liên Hiệp Quốc vì quyền con người Michelle Bachelet, cũng như đến từng quốc gia trong số 55 quốc gia thành viên của nhóm khu vực châu Á – Thái Bình Dương, vốn đã đề cử Trung Quốc vào Nhóm Tư vấn Hội đồng Nhân quyền.

U.N. Watch, cơ quan giám sát Liên Hiệp Quốc có trụ sở tại Geneva, cũng có phản ứng dữ dội với việc bổ nhiệm này. Cơ quan này cho rằng đó là một điều vô lý và vô đạo đức khi Liên Hiệp Quốc cho phép chính quyền Trung Quốc đóng vai trò quan trọng trong việc lựa chọn các quan chức nhân quyền.

“Cho phép Trung Quốc, một chế độ áp bức và vô nhân đạo, được chọn lựa các nhà điều tra trên thế giới về quyền tự do ngôn luận, giam giữ tùy tiện và mất tích… giống như đưa một người mắc chứng cuồng phóng hỏa vào làm chỉ huy chữa cháy vậy,” ông Hillel Neuer, Giám đốc điều hành của U.N. Watch cho biết.

Bản kiến nghị khẳng định việc đề cử đại diện của Trung Quốc vào Nhóm Tư vấn Hội đồng Nhân quyền làm “nản lòng những người bảo vệ Nhân quyền ở Trung Quốc, người Duy Ngô Nhĩ, Nam Mông Cổ và người ủng hộ dân chủ Hồng Kông, những người đang hy sinh quyền lợi của bản thân vì quyền lợi cơ bản của người dân, chống lại sự độc tài chuyên chế của Chính quyền Đảng Cộng sản Trung Quốc.”

Đơn kiến nghị thứ hai được vận động bởi Hiệp hội Tự do Tôn giáo Quốc tế hiện đã khởi động, và sẽ được gửi đến cho Chủ tịch Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc Tichy-Fishberger vào cuối tháng 4 này. Hai đơn kiến nghị đã được hơn 100 đại diện các tổ chức ký tên.

Theo tạp chí nhân quyền Ý Bitter Winter
Minh Nhật tổng hợp