Những chế tài Mỹ tái áp đặt lên Iran sẽ chính thức có hiệu lực vào 00:01 ngày thứ Ba, 7/8 (giờ Mỹ). Các biện pháp trừng phạt sẽ tập trung vào cấm vận Iran giao dịch tiền tệ, giao thương khoáng sản và ngành ôtô.

Tong thong Trump
Tổng thống Donald Trump ký lệnh hành pháp chế tài Iran tại Phòng Xanh, CLB Gold Quốc gia Trump, tại Bedminster Township, New Jersey. (Ảnh Shealah Craighead/ Nhà Trắng)

Bộ Tài chính Mỹ tái áp đặt chế tài Iran theo sau việc Tổng thống Donald Trump đã chính thức rút nước Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran 2015 vào tháng trước.

Chính phủ Trump khẳng định rằng việc áp đặt các biện pháp trừng phạt này chỉ để gây áp lực lên chế độ Tehran chứ không nhằm mục đích khiến chính quyền Cộng hòa Hồi giáo sụp đổ.

Trả lời phỏng vấn trên Fox News gần đây, cố vấn an ninh quốc gia Mỹ John Bolton cho hay: “Chính sách của chúng tôi không nhằm thay đổi, nhưng chúng tôi muốn đặt áp lực chưa có tiền lệ lên chính quyền Iran để họ phải thay đổi cách hành xử. Cho tới nay họ chưa cho thấy dấu hiệu rằng họ đã chuẩn bị để làm điều đó”.

Fox News, dẫn lời một quan chức cao cấp chính phủ Trump, cho biết các chế tài khôi phục lần này được thiết kế nhằm siết lại dòng doanh thu của Iran mà họ sử dụng để tài trợ “các phần tử khủng bố, các nhà độc tài, các quân đội ủy nhiệm và những thế lực thân hữu với chế độ cầm quyền”.

Các chế tài nhắm mục tiêu vào các thương vụ của Iran giao dịch bằng USD, tiền tệ của chế độ này lưu giữ tại nước ngoài và hoạt động kinh doanh về kim loại quý, nhôm, thép, than đá và ngành ôtô. Vào tháng Mười Một tới, chính phủ Trump nói rằng họ sẽ khôi phục các chế tài về dầu thô, khí đốt và ngành ngân hàng.

Trong một tuyên bố hôm thứ Hai (6/8), Tổng thống Trump đã nhắc lại quan điểm của ông rằng thỏa thuận quốc tế 2015 nhằm đóng băng chương trình hạt nhân Iran, đổi lại cho dỡ bỏ chế tài là “thỏa thuận một chiều, tồi tệ”. Ông Trump nói rằng thỏa thuận đó đã giúp chính phủ Iran có nhiều tiền mặt để sử dụng vào việc kích hoạt các xung đột tại Trung Đông.

Trong khi đó, Tổng thống Iran Hassan Rouhani cho biết những chế tài này đã khiến đề xuất gặp gỡ của ông Trump trở nên vô nghĩa.

Ông Rouhani nói: “Chúng tôi sẵn sàng cho các cuộc thảo luận để xem họ sẽ bồi thường và trả lại cho chúng tôi như thế nào. Mỹ nợ đất nước Iran vì có nhiều can thiệp vào đây. Họ vừa nên xin lỗi chúng tôi vừa phải bồi thường cho những hành xử trong quá khứ. Nếu họ làm vậy, chúng tôi luôn sẵn sàng đối thoại”.

Một quan chức Nhà Trắng nói rằng Mỹ sẽ thực thi quyết liệt những chế tài này, các doanh nghiệp của các nước đồng minh với Mỹ cũng có thể bị trừng phạt.

Các cá nhân và tổ chức không giảm hoạt động với Iran sẽ có nguy cơ gặp hậu quả nghiêm trọng”, ông Trump nói hôm 6/8.

Tổng thống Trump nói thêm: “Tôi hài lòng khi nhiều công ty quốc tế đã thông báo về ý định rời thị trường Iran và nhiều quốc gia đã cho thấy rằng họ sẽ giảm hoặc chấm dứt nhập khẩu dầu thô của Iran”.

Chúng tôi kêu gọi tất cả các nước thực hiện các bước như vậy để làm rõ rằng chế độ Iran phải đối mặt với một lựa chọn: hoặc là họ phải thay đổi các đe dọa, hành xử gây bất ổn của mình và tái tích hợp vào nền kinh tế toàn cầu, hoặc là họ tiếp tục lao xuống con đường bị cô lập kinh tế”, ông Trump nhấn mạnh.

Tuy nhiên, Anh, Pháp và Đức vẫn đang làm việc với Iran, cùng cả Trung Quốc và Nga để nỗ lực cứu thỏa thuận hạt nhân 2015.

Một tuyên bố chung của Anh, Pháp, Đức và Liên minh Châu Âu mới đây cho hay: “Chúng tôi quyết tâm bảo vệ các nhà hoạt động kinh tế Châu Âu đã tham gia kinh doanh với Iran hợp pháp… bảo hộ và duy trì các kênh tài chính hiệu quả với Iran, và tiếp tục giữ hoạt động xuất khẩu dầu và khí đốt của Iran”.

Fox News dẫn thông tin từ một quan chức Nhà Trắng giấu tên cho biết trước thời hạn các chế tài áp lên Iran có hiệu lực, Washington đã cử quan chức công du hơn 20 nước để vận động các chính phủ và doanh nghiệp tuân thủ chế tài và cảnh báo họ về các hậu quả khi giao thương với Iran. Có lẽ chỉ thời gian ngắn sau khi chế tài lên Iran có hiệu lực, chính phủ Trump sẽ biết rõ hơn liệu quốc tế có tuân thủ những biện pháp của Washington hay không.

Các chế tài Iran có hiệu lực vào ngày 7/8:

– Cấm chính quyền Iran mua và mua lại tiền USD

– Cấm Iran giao thương vàng và các kim loại quý hiếm

– Cấm giao thương than chì, nhôm, thép, than đá và phần mềm sử dụng trong quy trình công nghiệp

– Cấm giao dịch liên quan tới đồng Rial của Iran

– Các các hoạt động liên quan tới bảo hiểm bảo lãnh nợ của Iran

– Các các giao thương về ngành ôtô Iran

Các chế tài Iran có hiệu lực vào ngày 5/11:

– Các hoạt động cảng biển, năng lượng, vận chuyển biển và ngành đóng tàu

– Các giao dịch liên quan tới xăng dầu của Iran

– Các giao dịch của thực thể tài chính nước ngoài với Ngân hàng Trung ương Iran

Yên Sơn (T/h)

Xem thêm: