Ngày 7/2 vừa qua là ngày đầu diễn ra Hội nghị thượng đỉnh toàn cầu chống buôn bán nội tạng Vatican, nhiều chuyên gia tham gia Hội nghị yêu cầu chính quyền Trung Quốc cho phép điều tra độc lập và kiểm tra giám sát hoạt động cấy ghép nội tạng để đảm bảo không xảy ra tình trạng tái phạm dùng nội tạng tử tù.

Vatican - Nơi diễn ra Hội nghị thượng đỉnh toàn cầu chống buôn bán nội tạng khai mạc ngày 7/2. (Ảnh: maxpixel)
Vatican – Nơi diễn ra Hội nghị thượng đỉnh toàn cầu chống buôn bán nội tạng khai mạc ngày 7/2. (Ảnh: maxpixel)

Hãng tin AP đưa tin, buổi chiều ngày khai mạc Hội nghị (7/2), đại diện của Trung Quốc là ông Hoàng Khiết Phu – cựu Thứ trưởng Bộ Y tế Trung Quốc đã lên tiếng, sau khi Trung Quốc tuyên bố ngừng sử dụng nội tạng tử tù vào năm 2015 thì hoạt động cấy ghép nội tạng đã không ngừng được cải thiện. Phát biểu của ông Hoàng Khiết Phu đã gây bàn luận sôi nổi tại Hội nghị.

Trung Quốc đề nghị cử phái đoàn đến Trung Quốc

Theo thông tin, năm 2005 ông Hoàng Khiết Phu thừa nhận Trung Quốc có sử dụng nội tạng phạm nhân tử hình, sau đó ông cũng cho biết 90% nội tạng người chết được dùng trong phẫu thuật cấy ghép là lấy từ tù nhân thi hành án tử hình. Nhưng năm 2015, quan chức Trung Quốc này tuyên bố Trung Quốc đã ngừng sử dụng nội tạng của phạm nhân tử hình.

Nhưng cộng đồng quốc tế chưa bao giờ hết thái độ nghi ngờ đối với bảo đảm của chuyên gia Trung Quốc, vì hoạt động cấy ghép nội tạng Trung Quốc có nhiều biểu hiện không rõ ràng, nguồn hiến tặng thiếu thốn nhưng số ca cấy ghép thành công quá nhiều, và đã tồn tại thị trường đen nội tạng từ lâu…

Ông Hoàng Khiết Phu cho biết, ông hiểu cộng đồng quốc tế lo lắng về hoạt động cấy ghép nội tạng ở Trung Quốc: “Tôi hoàn toàn hiểu cộng đồng quốc tế có nhiều chỉ trích đối với việc tôi tham gia Hội nghị thượng đỉnh này”.

Tuy nhiên, trước những phê bình tại Hội nghị thượng đỉnh, dường như chuyên gia Trung Quốc vẫn chưa đưa ra được chứng cứ giúp mọi người tin phục, vì người ta chỉ thấy số liệu tăng trưởng nội tạng hiến tặng trong gần hai năm qua và hoạt động của chính quyền Trung Quốc trong việc xử lý thị trường đen nội tạng qua máy chiếu.

Ông Vương Hải Ba, người phụ trách hệ thống cung ứng nội tạng cơ thể người tại Trung Quốc cùng đi tham dự Hội nghị cho biết, Trung Quốc có 1 triệu trung tâm y liệu và 3 triệu bác sĩ làm việc, vì thế không thể bao quát hết được. Cuối cùng phía Trung Quốc đề nghị Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) thành lập tổ công tác đặc biệt giúp ngăn chặn tình trạng buôn bán nội tạng bất hợp pháp.

Đáp lại, Chủ tịch Hiệp hội cấy ghép nội tạng Israel là ông Jacob Lavee cho biết, cần cho phép tổ công tác đặc biệt này kiểm tra mà không báo trước, cho phép phỏng vấn lấy tin của thân nhân người hiến tặng. Ông cho biết, trong quá trình tranh luận gay gắt ông không thấy đối phương tỏ ra có thiện chí trách nhiệm, không thể bảo đảm tình hình thay đổi gì.

Bác sĩ Gabriel Danovitch thuộc Trung tâm y tế chi nhánh Los Angeles của Đại học California cũng yêu cầu đại diện của Trung Quốc phải thẳng thắn cho biết có thực sự Trung Quốc không còn sử dụng nội tạng phạm nhân tử hình hay không.

Nghi vấn về hiệu quả làm việc của WHO

Hãng tin AP đặt nghi vấn về vai trò của tổ công tác đặc biệt của WHO, vì số liệu và thông tin của WHO chỉ dựa vào các nước thành viên chủ động cung cấp nên không thể hoàn toàn tin cậy.

Trung Quốc là nước thường xuyên bị lên án vì thiếu rõ ràng trong phương diện sức khỏe cộng đồng. Ví dụ khi dịch bệnh SARS bùng nổ tại Trung Quốc hơn 10 năm trước, phản ứng đầu tiên của Trung Quốc là che giấu thông tin. Lúc không còn che giấu được nữa thì tình hình dịch bệnh đã tràn lan khắp châu Á và Bắc Mỹ.

Gần đây Trung Quốc tiếp tục bị lên án vì đã không công bố chi tiết về tình hình dịch cúm gia cầm. Tổng Giám đốc Trần Phùng Phú Trân (Margaret Chan) của WHO hiện nay rất hạn chế quan tâm về tình hình Trung Quốc, còn bày tỏ ủng hộ chương trình cải cách cấy ghép nội tạng của Trung Quốc.

Nhưng không chỉ đối với Trung Quốc, WHO rất ít phê bình những nước thành viên khác. Trong năm 2014 khi dịch Ebola bùng phát, chính vì tổ chức này trì hoãn kéo dài trong vài tháng mới khiến tình hình bệnh dịch trở nên khẩn cấp trên toàn cầu. Năm ngoái, khi Brazil từ chối chia sẻ thông tin về mẫu virus Zika, WHO cũng đã không công khai lên án.

Tòa thánh biện hộ việc mời Trung Quốc tham dự

Vì “Tổ chức Thế giới Điều tra về Đàn áp Pháp Luân Công” gửi thư cho Đức Giáo Hoàng Phanxicô để nhắc nhở cần thận trọng đoàn đại biểu Trung Quốc có thể lợi dụng Tòa Thánh để chứng minh tính hợp pháp của các hoạt động cấy ghép nội tạng tại Trung Quốc, nên vấn đề đã gây tranh luận tại Hội nghị.

Giới quan sát cho rằng Trung Quốc vẫn dùng nội tạng của tử tù trong hoạt động cấy ghép, vì thế việc Vatican mời Trung Quốc tham dự và chia sẻ “Chương trình Trung Quốc” có thể vô tình thừa nhận tính hợp pháp trong hoạt động ghép tạng tại Trung Quốc. Chủ tịch Viện Khoa học Giáo hoàng Marcelo Sanchez Sorondo bào chữa rằng, việc này không liên quan gì đến quan điểm chính trị gây tranh cãi hiện nay.

Theo hãng AP đưa tin, Vatican thậm chí không cho quay phim về phát biểu của phía Trung Quốc.

Phải thẩm tra chứng cứ về cấy ghép nội tạng tại Trung Quốc

Việc Vatican mời phái đoàn Trung Quốc tham gia Hội nghị thượng đỉnh toàn cầu về buôn bán nội tạng trở thành đề tài tranh luận nóng bỏng tại Hội nghị. Giới đạo đức học cảnh báo, đây là cơ hội để chính quyền Trung Quốc thuyết phục thế giới tin hệ thống cấy ghép nội tạng của họ đã được cải cách.

Có 11 chuyên gia về đạo đức học đã gửi thư cho Viện Khoa học Giáo hoàng Vatincan nói rằng: “Chúng tôi lo lắng hoạt động cấy ghép nội tạng tại Trung Quốc liên quan đến tình trạng buôn lậu nội tạng tử tù Trung Quốc”.

Trung Quốc đã thừa nhận từng có một thời gian dài lấy nội tạng của tử tù. Giới phê bình cho rằng việc này vi phạm nghiêm trọng quyền lợi của tử tù. Cho dù quan chức Trung Quốc khẳng định từ ngày 1/1/2015 họ không còn dùng nội tạng tử tù, nhưng đây vẫn là câu hỏi lớn.

Theo hãng AP đưa tin, cựu Thứ trưởng Bộ Y tế Trung Quốc Hoàng Khiết Phu thừa nhận tại Hội nghị rằng, việc dùng nội tạng tử tù cho hoạt động cấy ghép có thể vẫn tồn tại. Ông Hoàng Khiết Phu nói: “Trung Quốc có 1,3 tỷ dân, vì thế khó tránh vẫn tồn tại những hành vi phi pháp”.

Tuy nhiên Trung Quốc phủ nhận vấn đề lấy nội tạng của những phạm nhân lương tâm là người tập Pháp Luân Công.

Trong thư kiến nghị, 11 chuyên gia cho rằng tòa thánh Vatincan nên cảnh giác việc bị cỗ máy tuyên truyền Trung Quốc lợi dụng.

Trong thư nêu rõ: “Nếu Viện Khoa học Giáo hoàng không thẩm tra chứng cứ về cấy ghép nội tạng tại Trung Quốc thì không khác gì đồng lõa với tội phạm”.

Giáo sư Rogers thuộc Đại học Macquarie (Úc) chia sẻ với hãng tin AFP rằng, việc Vatican tiếp nhận quan điểm “Trung Quốc ngừng sử dụng nội tạng tử tù” mà không chịu kiểm tra chứng cứ “khiến người ta cảm thấy sốc”.

Trong thư kiến nghị, 11 chuyên gia còn chia sẻ: “Chúng tôi kêu gọi Hội nghị thượng đỉnh hãy xem xét hoàn cảnh khốn cùng của tù nhân Trung Quốc, họ bị xem như ngân hàng nội tạng người”.

Những người ký tên chung thư kiến nghị gồm những tên tuổi như giáo sư Wendy Rogers, giáo sư Arthur Kaplan thuộc Đại học New York, luật sư nhân quyền Canada David Matas và David Kilgour, cựu bác sĩ phẫu thuật Tân Cương Anwar Totti.

Mộc Vệ (T/H)

Xem thêm: