Hàng chục ngàn người đã xuống đường biểu tình tại thành phố Hamburg, Đức trước khi Hội nghị thượng định G20 diễn ra trong hai ngày 7 và 8/7. Đụng độ đã xảy ra giữa cảnh sát và người biểu tình khiến hơn 70 cảnh sát và nhiều người dân bị thương.

BBC, dẫn tin từ giới chức địa phương, cho biết 3 trong số hơn 70 cảnh sát bị thương đã được đưa tới bệnh viện cấp cứu.

Cuộc đụng độ bắt đầu khi cảnh sát tiến hành bắt giữ những người biểu tình đeo mặt nạ tại một cuộc diễu hành có mang tên “Chào mừng tới địa ngục” với sự tham gia của khoảng 12.000 người.

Đụng độ đã xảy ra giữa cảnh sát và người biểu tình tại Hamburg, Đức 

Một khung cảnh hỗn loạn xảy ra khi phía cảnh sát phụt nước và xịt hơi cay để giải tán đám đông, trong khi người biểu tình đáp trả bằng chai lọ, gạch đá và pháo sáng.

Các nhà tổ chức đã hủy bỏ cuộc tuần hành nơi cuộc đụng độ đầu tiên diễn ra, tuy nhiên những người biểu tình vẫn bám trụ trên đường phố. Cảnh sát Hamburg cho hay bao lực đã lan rộng ra nhiều khu vực khác của thành phố.

Các nhà chức trách nói rằng những người biểu tình đã tự dựng lên các hàng rào chắn tạm thời, đốt lửa, phá hủy các cửa hàng và liên tục chiếu tia la-ze vào trực thăng của cảnh sát để làm lóa mắt phi công.

BBC cho biết nhiều người trong đó có cả cảnh sát và người biểu tình đã phải sơ cứu tại chỗ. Ít nhất một người dường như đã bị thương nặng và phải cuốn bằng một chiếc khăn mỏng và đưa đi cấp cứu.

Trước khi cuộc tuần hành bắt đầu, cảnh sát cũng đã cảnh báo về khả năng có thể xảy ra bạo loạn và họ đã tịch thu được một số vũ khí tự chế.

Giới chức Đức đã điều động khoảng 20.000 cảnh sát tham gia bảo vệ Hội nghị thượng đỉnh G20 tại Hamburg. Cảnh sát đã phong tỏa không cho người biểu tình tới địa điểm diễn ra hội nghị. Dự báo trong hai ngày thứ Sáu và thứ Bảy sẽ có khoảng 100.000 xuống đường biểu tình.

Còn nhiều khác biệt giữa các thành viên G20

BBC cho hay chương trình nghị sự của Hội nghị G20 lần này sẽ bao gồm các cuộc thảo luận về biến đổi khí hậu, thương mại và những vấn đề chính khác mà các bên cùng quan tâm.

Tuy nhiên, các lãnh đạo G20 sẽ phải đối mặt với nhiều bất đồng rất khó dung hòa, trong đó trọng điểm là khác biệt trong quan điểm về biến đổi khí hậu và thương mại.

Tuần trước, Thủ tướng Đức Merkel đã nói rằng G20 sẽ tập trung vào thỏa thuận khí hậu Paris, hiệp định mà Hoa Kỳ đã tuyên bố rút khỏi. Với tư cánh là chủ nhà Hội nghị lần này, bà Merkel nói rằng bà sẽ làm việc để tìm kiếm thỏa hiệp với Mỹ.

Phát ngôn viên của chính phủ Đức cho biết, Tổng thống Trump đã gặp bà Merkel vào thứ Năm (6/7) và hai nhà lãnh đạo đã có 1 giờ hội đàm về các vấn đề Bắc Triều Tiên, Trung Đông, xung đột ở Ukraine và một số vấn đề khác của G20.

Cuộc gặp Trump – Putin gây chú ý nhiều hơn

Hội nghị G20 lần này cũng sẽ là nơi lần đầu tiên Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump gặp trực tiếp Tổng thống Nga Vladimir Putin. Theo truyền thông Nga, cuộc gặp rất được chờ đợi này dự kiến sẽ diễn ra vào khảng 13:45 (giờ GMT) ngày thứ Sáu (7/7) và kéo dài khoảng 1 giờ.

Trước đó, trong một phát biểu tại thủ đô Vác-sa-va, Ba Lan, Tổng thống Trump đã kêu gọi Nga dừng việc “gây mất ổn định” tại Ukraine và một số nước khác. Phía Kremlin từ chối bình luận về các phát biểu mới nhất của Tổng thống Mỹ.

Tổng thống Putin và chính quyền Nga vẫn đặt kỳ vọng vào việc Tổng thống Trump có thể giải cứu quan hệ Nga – Mỹ vốn đã rơi xuống hố sâu từ khi Moscow sát nhập lãnh thổ Crimea của Ukraine vào Nga. Dù vậy, trong suốt 6 tháng qua từ khi ông Trump chính thức bước vào Nhà Trắng viễn cảnh cải thiện quan hệ Nga – Mỹ khá bi quan.

Tuy nhiên, Kremlin đang kêu gọi cuộc gặp của ông Trump với ông Putin hôm thứ Sáu sẽ là cơ hội quan trọng để hai nhà lãnh đạo làm quen. Nhiều người đang kỳ vọng rằng động lực cá nhân sẽ giúp các bên vượt qua những khác biệt về chính sách, giống như những gì diễn ra  sau cuộc gặp giữa Tổng thống Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Florida, Hoa Kỳ hồi đầu tháng Tư.

Các quan chức Nga cũng nhấn mạnh rằng chính “nỗi ám ảnh Nga” ở Mỹ đã ngăn cản Tổng thống Trump “sát cánh cùng” Moscow như những gì ông mong muốn.

Yên Sơn

Xem thêm: