Hôm thứ Ba (6/2), Tòa Phúc thẩm Hồng Kông đã ra phán quyết thả tự do cho Hoàng Chi Phòng cùng hai nhà lãnh đạo phong trào dân chủ trẻ tuổi khác. Lãnh đạo của Phong trào Ô dù ủng hộ dân chủ năm 2014 cho rằng phán quyết của Tòa chỉ là “hình phạt khắc nghiệt bọc đường”.

Embed from Getty Images

Phóng viên vây quanh Hoàng Chi Phong, La Quán Thông và Châu Vĩnh Khang sau phiên tòa phúc thẩm hôm 6/2. 

Tờ Hoa Nam Buổi Sáng (Hồng Kông) cho hay hôm thứ Ba (6/2), Tòa Phúc thẩm cấp cao Hồng Kông đã bãi bỏ án tù đối với Hoàng Chi Phong và hai cộng sự của anh do tòa phúc thẩm cấp thấp hơn tuyên phạt vào ngày 17 tháng 8 năm ngoái.

Năm thẩm phán của Tòa Phúc thẩm cấp cao nói rằng mặc dù họ đồng ý với các nguyên tắc kết án chặt chẽ hơn của tòa án cấp dưới cho các cuộc biểu tình bất hợp pháp, nhưng không áp dụng đối với bộ ba Hoàng Chi Phong (21 tuổi), La Quán Thông (24 tuổi) và Châu Vĩnh Khang (27 tuổi), những người lãnh đạo cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ năm 2014.

Phản ứng trước phán quyết mới nhất của Tòa Phúc thẩm, Hoàng Chi Phong đã gọi phán quyết cho anh tự do chỉ là “hình phạt khắc nghiệt bọc đường” và nói thêm rằng không có điều gì đáng để vui mừng cả.

Theo tờ Hoa Nam Buổi Sáng, các chuyên gia pháp lý nhận định rằng phán quyết mới của tòa án có nghĩa rằng những người khác đã bị kết án hoặc đang đợi xét xử về hành vi bất tuân dân sự trong cuộc biểu tình năm 2014 sẽ vẫn phải tuân theo nguyên tắc hình phạt cũ.  Trong khi, những người biểu tình trong tương lai sẽ bị buộc tội vì tụ tập bất hợp pháp liên quan tới bạo lực, thậm chí vẫn sẽ bị bỏ tù với những hành vi “gây rối” ở mức độ thấp.

Cố vấn cấp cao của Đặc khu Trưởng Hồng Kông Lâm Trịnh Nguyệt Nga (Carrie Lam), Ronny Tong – nguyên Chủ tịch Hiệp hội Luật sư Hồng Kông từ năm 1999 đến năm 2001, cho hay: “[Nó cho thấy rõ ràng] khi những người thực hiện quyền tự do sử dụng bạo lực, bất kể ý định cao quý của họ, điều đó không còn là một yếu tố giảm nhẹ [khi luận án] nữa”.

Giáo sư Michael Davis, từng làm việc tại Khoa Luật thuộc Đại học Hồng Kông, nói rằng phán quyết của Tòa Phúc thẩm về mặt nguyên tắc không có ảnh hưởng tiêu cực đến các cuộc biểu tình bất bạo động tại Hồng Kông, nhưng nó có thể vô tình gây “ớn lạnh” cho những người muốn tham gia biểu tình.

 “Nó rõ ràng gửi một tín hiệu cảnh giác cho những người quan tâm đến hành vi bất tuân dân sự, và chắc chắn sẽ xóa đi kỳ vọng về một bản án nhẹ sẽ được thực hiện do động cơ biểu tình chính đáng”, ông Davis nói.

Ông Wong Kai-yeung, thành viên chính của Law Lay Dream – một nhóm các nhà bình luận pháp lý đang phát triển bao gồm các luật sư, học giả và sinh viên – lập luận rằng sự xác nhận của tòa về các nguyên tắc kết án chặt chẽ hơn là không phù hợp với thông lệ quốc tế.

Tại Anh và xứ Wales, cũng như tại Toà án Nhân quyền Châu Âu, bạo lực – đặc biệt nếu nó không nhắm vào người dân mà chỉ là một phần ngẫu nhiên của cuộc biểu tình – thì đó là nhân tố bị loại bỏ trong quá trình kết án. Ranh giới được vạch ra [trong luật Anh và xứ Wales] không phải là liệu bạo lực đã được sử dụng hay không, mà là liệu bạn có muốn gây tổn thương cho người dân bằng bạo lực đó hay không”, ông Wong Kai-yeung lý giải như vậy và nói thêm rằng động cơ cao cả của người vi phạm sau hành vi phạm tội sẽ khiến tòa án phải đình chỉ bản án.

Quan điểm của ông Wong nhận được sự đồng tình của ông Choy Ki – lãnh đạo một nhóm Luật sư cấp tiến ở Hồng Kông. Ông Choy lo ngại rằng phán quyết mới nhất của Tòa Phúc thẩm đối với Hoàng Chi Phong và cộng sự sẽ hạn chế hơn nữa quyền của người dân trong tụ tập, biểu tình hòa bình, đã được bảo đảm theo Công ước Quốc tế về Nhân quyền mà Hồng Kông là một bên ký kết tham gia.

Xuân Thành

Xem thêm: