Chính phủ Hoa Kỳ hôm thứ Hai (31/7) đã áp đặt lệnh trừng phạt trực tiếp lên cá nhân Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro. Đây là bước đi mạnh mẽ nhất của chính quyền Trump từ trước tới nay nhằm phản ứng lại cuộc bầu cử Hội đồng Lập hiến mà chế độ Caracas tổ chức hôm 30/7. Washington tố cáo đó là cuộc bỏ phiếu “giả dối”.

Reuters dẫn các nguồn tin từ quốc hội và một cá nhân gần gũi với các cuộc thảo luận của Nhà Trắng về vấn đề này cho hay các biện pháp liên quan đến dầu mỏ không có trong thông báo trừng phạt mới nhất của chính phủ Trump.

Văn phòng Kiểm soát Tài sản Nước ngoài của Bộ Tài chính nói rằng với các biện pháp trừng phạt vừa được ban hành, tất cả các tài sản của ông Maduro thuộc thẩm quyền của Hoa Kỳ đều sẽ bị đóng băng. Các công dân Mỹ cũng bị cấm giao thương với cá nhân Tổng thống Venezuela.

Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin phát biểu trong một tuyên bố hôm thứ Hai (31/7) rằng: “Bằng việc trừng phạt ông Maduro, Hoa Kỳ đã làm rõ sự phản đối của chúng tôi đối với chính sách của chế độ của ông ta và sự ủng hộ của chúng tôi đối với người dân Venezuela muốn tìm cách đưa đất nước mình trở lại nền dân chủ đầy đủ và thịnh vượng”.

>>Venezuela: Dân chủ hay là chết

Ông Mnuchin nói thêm rằng bất cứ ai tham gia vào Hội đồng Lập hiến mới, tiếp tay cho việc làm xói mòn nền dân chủ tại Venezuela cũng sẽ bị trừng phạt.

Theo các nguồn tin từ Nhà Trắng, tiếp theo các biện pháp trừng phạt lên ông Maduro, chính quyền Trump có thể sẽ nhắm tới các quan chức cao cấp khác của chính quyền Caracas, cũng như hướng tới ngành dầu mỏ trong một “tiến trình leo thang” hơn tùy thuộc vào việc chính phủ Venezuela triển khai cơ quan lập pháp mới sau cuộc bầu cử hôm Chủ Nhật thế nào.

Một số quan chức Mỹ nói với Reuters rằng chính phủ của Tổng thống Trump cũng đã cân nhắc các biện pháp trừng phạt có thể đối với Bộ trưởng Quốc phòng Venezuela, ông Vladimir Padrino và nhân vật quyền lực số 2 của đảng Xã Hội Chủ Nghĩa (XHCN), ông Diosdado Cabello.

Tuy nhiên, các chuyên gia đánh giá những lệnh trừng phạt cá nhân cho dù có mang tính biểu tượng mạnh mẽ, nhưng thực tế có ít hoặc không ảnh hưởng tới các chính sách của ông Maduro. Những biện pháp trừng phạt ngành dầu mỏ và tài chính có thể là cách duy nhất để khiến cho chính phủ Venezuela cảm thấy bị tổn hại về kinh tế.

Trước đó, tại Thủ đô Caracas hôm thứ Hai (31/7), Tổng thống Maduro đã chúc mừng cuộc bầu cử siêu cơ quan lập pháp mới, thể chế được dự báo thâu tóm thêm quyền lực cho đảng XHCN cầm quyền.

Theo Reuters, đã có ít nhất 10 người bị thiệt mạng trong các cuộc biểu tình phản đối cuộc bầu cử hôm Chủ Nhật (30/7), đưa tổng số người chết trong những vụ đụng độ giữa cảnh sát và người tình trong 4 tháng qua lên có số hơn 120 người.

Các quốc gia châu Mỹ Latinh từ Argentina đến Mexico, những nước trước nay vẫn luôn cảnh giác với Washington trong các vụ tranh chấp ở tây bán cầu, cũng đã mạnh mẽ lên án cuộc bỏ phiếu bầu Hội đồng Lập hiến và cho rằng điều này sẽ khiến Venezuela bước trên con đường trở thành một đất nước bị cô lập.

Liên minh Châu Âu cho biết Hội đồng Lập hiến không thể là một phần của giải pháp đàm phán cho cuộc khủng hoảng tại Venezuela vì siêu cơ quan lập pháp này được bầu trong hoàn cảnh không rõ ràng và thường xuyên bạo lực.

Yên Sơn

Xem thêm: