Trong luật ngân sách 1,3 ngàn tỷ USD mà Quốc hội và Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump vừa thông qua tuần trước, có duyệt chi tổng cộng 17 triệu USD viện trợ cho người Tây Tạng cả ở trong và ngoài Trung Quốc. Động thái này của Mỹ khiến Trung Quốc tức giận và cáo buộc chính phủ Mỹ đang can thiệp vào công việc chính trị nội bộ Trung Quốc.

Embed from Getty Images

Đức Đạt Lai Lạt Ma là lãnh đạo của ‘chính phủ lưu vong’ Tây Tạng từ cuối những năm 1950 sau khi nước Tây Tạng bị quân đội Trung Quốc dùng vũ lực xâm chiếm. 

Tờ Tibetan Journal, dẫn theo nội dung của Luật ngân sách vừa được Quốc hội Mỹ thông qua, giải thích rõ 17 triệu USD được chi cho từng khoản cụ thể như sau:

– 8 triệu USD viện trợ cho các tổ chức phi chính phủ để hỗ trợ các hoạt động bảo tồn truyền thống văn hóa và thúc đẩy phát triển bền vững, giáo dục và bảo vệ môi trường tại các cộng đồng người Tây Tạng ở trong Khu Tự trị Tây Tạng và các cộng đồng người Tây Tạng khác trên khắp đất nước Trung Quốc.

– 6 triệu USD sẽ chi cho các chương trình nhằm thúc đẩy và bảo tồn văn hóa, sự phát triển của Tây Tạng và phục hưng các cộng đồng người Tây Tạng tại Ấn Độ và Nepal, và để hỗ trợ giáo dục và phát triển thế hệ các nhà lãnh đạo Tây Tạng tiếp theo cho các cộng đồng người Tây Tạng khắp nơi.

– 3 triệu USD sẽ chi cho các chương trình nhằm tăng cường năng lực của các thể chế và quản trị của người Tây Tạng.

Tất cả các khoản chi này, trong Luật ngân sách mới nhất của Mỹ đều ghi dưới tên “Quỹ Hỗ trợ Kinh tế”, tờ Tibetan Journal cho biết.

Tibetan Journal nhận định nguồn viện trợ tài chính từ các thực thể nước ngoài đã và đang giúp người Tây Tạng khôi phục các giá trị truyền thống ở viễn xứ sau khi quân đội Trung Quốc dùng vũ lực sáp nhập Tây Tạng vào Đại lục vào cuối những năm 1950.

Giới chức Trung Quốc chưa phát đi phản ứng chính thức về việc chính phủ Mỹ viện trợ cho người Tây Tạng, nhưng tờ Hoàn cầu Thời báo – cơ quan của nhà nước Trung Quốc – hôm Chủ Nhật (25/3) đã đăng tin dẫn ý kiến chuyên gia Trung Quốc phản đối mạnh mẽ động thái của chính phủ Trump.

Hoàn cầu Thời báo cho rằng động thái của Mỹ là đang can thiệp vào công việc chính trị nội bộ của Trung Quốc, gây áp lực lên chính quyền Bắc Kinh.

Ngoài chiến tranh thương mại Đạo luật Di trú Đài Loan, thì việc hỗ trợ tài chính cho lực lượng ly khai Tây Tạng là động thái mới nhất mà một số lực lượng chính trị tại Mỹ muốn gây áp lực với Trung Quốc khi họ không muốn nhìn thấy sự phát triển thuận lợi của Bắc Kinh và mối quan hệ tiến triển Trung – Mỹ”, Hoàn cầu Thời báo dẫn phát biểu của ông Zhu Weiqun – Chủ tịch Ủy ban Dân tộc và Tôn giáo, thuộc Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc.

Ông Zhu Weiqun cáo buộc rằng người Tây Tạng sẽ sử dụng tiền viện trở của chính phủ Mỹ để gây ra sự mất ổn định tại Khu Tự trị Tây Tạng đang nằm dưới sự kiểm soát của chính quyền trung ương Trung Quốc.

Ông Zhu khẳng định rằng: “Những người ủng hộ Đạt Lai Lạt Ma và mong muốn sử dụng khoản tiền viện trợ này để gây rối loạn tại Khu Tự trị Tây Tạng của Trung Quốc sẽ phải thất vọng vì họ sẽ không bao giờ có cơ hội để gây ảnh hưởng tới sự ổn định của khu vực này”.

Hoàn cầu Thời báo cũng dẫn ý kiến một chuyên gia khác để chỉ trích Mỹ. Ông Lian Xiangmin – chuyên gia của Trung tâm Nghiên cứu người Tây Tạng Trung Quốc cho hay: “Không có gì lạ khi Mỹ thông qua luật chi ngân sách này vì Washington đã trở thành bên hậu thuẫn chính cho ‘chính phủ lưu vong’ Tây Tạng từ những năm 1950. Và Cục Tình báo Trung Ương Mỹ (CIA) đã từng tham gia huấn luyện điệp viên Tây Tạng”.

Những kẻ ly khai trong ‘chính phủ lưu vong’ tỏ ra biết ơn chính phủ Mỹ về khoản hỗ trợ tài chính, điều đó chỉ cho thế giới thấy rằng họ là công cụ chính trị và là những con chó được Mỹ nuôi để gây rắc rối cho Trung Quốc”, Hoàn cầu Thời báo dẫn lời ông Liam miệt thị những người Tây Tạng muốn ly khai.

Được biết, chính phủ Mỹ từ lâu đã ủng hộ người Tây Tạng giành lại đất nước bị Trung Quốc dùng vũ lực xâm lược. Chính phủ Mỹ đã ủng hộ tài chính cho ‘chính phủ lưu vong’ của người Tây Tạng từ những năm 1980 và cựu Tổng thống George W. Bush đã từng ký Đạo luật Chính sách Tây Tạng vào năm 2002.

Hùng Cường (T/h)

Xem thêm: