Theo thông tin phát đi từ Nhà Trắng, vào khoảng 7h chiều, thứ Năm, ngày 13/4 (giờ Afghanistan), quân đội Hoa Kỳ đã ném một quả bom khổng lồ – thiết bị phi hạt nhân lớn nhất mà Mỹ từng tung ra trong thực chiến, xuống mạng lưới hang động và đường hầm do phiến quân Hồi giáo cực đoan (IS) chiếm giữ ở tỉnh Nangarhar, phía đông Afghanistan.

Bom MOAB, được mệnh danh là "mẹ của các loại bom", là quả bom phi hạt nhân lớn nhất từng được sử dụng
Bom MOAB, được mệnh danh là “mẹ của các loại bom”, là quả bom phi hạt nhân lớn nhất từng được sử dụng trong thực chiến (Ảnh: wiki)

Trái bom “khổng lồ” này được quân đội Mỹ gọi là GBU-43 hay MOAB (Massive Ordnance Air Blast Bomb) nặng tới gần 10.000 kg, có sức công phá tương đương với 11 tấn thuốc nổ TNT và bán kính vụ nổ của nó được cho là rộng tới một dặm (1,6 km). Theo trang thông tin quân sự Deagel, GBU-43 trị giá khoảng 16 triệu đô la.

Phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Mỹ, Adam Stump cho biết bom GBU-43  được thả từ máy bay MC-130 xuống quận Achin, tỉnh Nangarhar, Aghanistan gần biên giới với Pakistan.

GBU-43 cũng được mạnh danh là “mẹ của tất cả các loại bom”, có dẫn hướng bằng hệ thống định vị toàn cầu (GPS), được thử nghiệm lần đầu vào tháng 3/2003. Nó được đánh giá là có hiệu quả đặc biệt đối với các nhóm mục tiêu trên hoặc ngay bên dưới mặt đất. Các loại bom khác có thể có hiệu quả hơn đối với các đường hầm sâu và kiên cố hơn.

Bộ Quốc phòng Mỹ khi sản xuất loại bom này đã tin rằng GBU-43 có thể được sử dụng như là một phần trong chiến lược “gây sốc và kinh hoàng” của Hoa Kỳ trong chiến dịch lật đổ chế độ Saddam Hussein tại Iraq. Nhưng vũ khí này đã chưa bao giờ được triển khai tại đây.

Sử dụng tại Afghanistan lần này, là lần đầu tiên GBU-43 được quân đội Hoa Kỳ sử dụng trong chiến tranh.

Vụ đánh bom này cùng với cuộc không kích bằng tên lửa vào Syria tuần trước cho thấy Tổng thống Trump muốn minh chứng mình sẽ thực thi chính sách ngoại giao cứng rắn hơn so với 8 năm cầm quyền của cựu Tổng thống Barack Obama.

Ông Trump đã miêu tả vụ đánh bom này là “nhiệm vụ thành công”. Nhưng vẫn chưa có thông tin chính xác về việc nó đã phá hủy được những gì của lực lượng IS.

Với những gì đang thực hiện ở Trung Đông, Ông Trump đã giữ đúng lời hứa của mình trong chiến dịch tranh cử 2016, khi ông nói: “Tôi cũng sẽ nhanh chóng và quyết liệt ném bom tiêu diệt IS.”

Trump nói với các phóng viên tại Nhà Trắng hôm thứ Năm (13/4) rằng: “Nếu bạn nhìn vào những gì đã xảy ra trong tám tuần qua và so sánh với những gì thực tế đã xảy ra trong 8 năm gần đây, bạn sẽ thấy rằng có một sự khác biệt to lớn”.

Tình hình an ninh tại Afghanistan vẫn còn rất bấp bênh với nhiều nhóm phiến quân cố gắng chiếm lãnh thổ này nơi 15 năm trước Hoa Kỳ đã tiến hành cuộc chiến lật đổ chính quyền Taliban. Hiện tại Mỹ vẫn duy trì khoảng 8.400 quân tại đây.

Cuộc chiến tại Afghanistan còn phải kéo dài

Tuần trước, một lính Mỹ trong khi đang làm nhiệm vụ chiến đấu chống IS đã bị giết chết ngay tại chính khu vực mà quân đội Mỹ vừa thả bom GBU-43.

Thư ký báo chí Nhà Trắng, Sean Spicer nói rằng vụ đánh bom “nhắm đến hệ thống các đường hầm và hang động mà các chiến binh IS thường sử dụng để di chuyển tự do, giúp chúng dễ dàng hơn trong việc tấn công các cố vấn quân sự Mỹ và lực lượng Afghanistan trong khu vực”.

Spicer nói rằng quả bom đã được ném vào 7h chiều [13/4], giờ địa phương  và mô tả nó là “một vũ khí lớn, mạnh mẽ, chính xác”. Ông cũng nhấn mạnh rằng lực lượng Mỹ đã thực hiện “tất cả các biện pháp phòng ngừa cần thiết để ngăn chặn thương vong cho dân thường và các thiệt hại không đáng có khác”.

Hiên nay, binh lính và cảnh sát Afghanistan, với sự giúp đỡ của hàng ngàn cố vấn quân sự nước ngoài, vẫn đang phải vật lộn để ngăn chặn các cuộc nổi dậy do Taliban cầm đầu, cũng như các nhóm khác điển hành là IS.

Số liệu hồi đầu năm nay của cơ quan giám sát hàng đầu của chính phủ Hoa Kỳ về Afghanistan cho thấy chính phủ nước này mới chỉ kiểm soát được dưới 60% diện tích đất nước.

Như vậy, việc Hoa Kỳ thực hiện vụ ném bom vừa qua cũng là thể hiện sự gắn bó mạnh mẽ hơn với chính quyền Kabul. Như Thượng nghị sĩ Hoa Kỳ Jim Inhofe, thành viên của Ủy ban Nhiệm vụ Vũ trang của Thượng viện, đã nói rằng việc sử dụng bom GBU-43 là một dấu hiệu cho thấy Hoa Kỳ đã “cam kết với Afghanistan”.

Tuy nhiên, những động thái quân sự mạnh mẽ như vậy của chính quyền Trump vẫn vấp phải sự phản đối từ đảng Dân chủ.  Nữ Nghị sĩ Dân chủ Barbara Lee, người duy nhất bỏ phiếu “không” cho phép sử dụng quân đội ở Afghanistan vào năm 2001, cho biết động thái [đánh bom] này là chưa từng có và yêu cầu [ông Trump] giải thích.

Tổng thống Trump nợ người dân Mỹ một lời giải thích về việc ông ta leo thang lực lượng quân đội ở Afghanistan và chiến lược lâu dài của ông ta để đánh bại IS”, bà nói trong một tuyên bố gần đây.

Bất chấp những chỉ trích từ phe Dân chủ, chắc chắn ông Trump và đội ngũ của mình vẫn sẽ tăng cường chính sách ngoại giao cứng rắn, tấn công vào các lực lượng như IS vẫn được chính quyền Trump coi là biện pháp bảo vệ an toàn cho nước Mỹ, cho người Mỹ và hoàn toàn phù hợp với chiến lược “nước Mỹ trên hết” (America First) mà chính quyền Trump đang nỗ lực thực hiện.

Thực tế là trên thực địa, Mỹ đang rất cần tăng thêm quân để bình ổn Afghanistan. Tư lệnh hàng đầu của Hoa Kỳ ở Afghanistan gần đây cho biết rằng ông cần thêm vài ngàn quân quốc tế để phá vỡ thế bế tắc trong cuộc chiến lâu dài với quân nổi dậy Taliban và tiêu diệt IS.

Các quan chức Mỹ nói rằng thông tin tình báo cho thấy IS chủ yếu đóng quân ở Nangarhar và tỉnh Kunar lân cận.

Con số ước tính về sức mạnh của IS ở Afghanistan đang khác nhau. Các quan chức Mỹ cho biết họ tin rằng tổ chức hồi giáo cực đoan này chỉ có 700 chiến binh nhưng các quan chức Afghanistan ước tính nó có khoảng 1.500 chiến binh đang hoạt động tại Afghanistan.

Tình hình tại Afghanistan là khá phức tạp khi quân chính phủ dưới sự hỗ trợ của Mỹ và đồng minh phải chiến đấu với nhiều phiến quân cùng lúc, trong đó mạnh nhất là Taliban và IS. Bên cạnh đó, chính các lực lượng phiến quân (Taliban và IS) cũng gây hấn với nhau để mở rộng lãnh thổ chiếm đóng.

Xuân Thành

Xem thêm: