Chính phủ Hoa Kỳ hôm 10/2 đã thông báo loại Việt Nam, Trung Quốc và hơn 20 quốc gia khác ra khỏi danh sách riêng các quốc gia được hưởng quy chế các nước đang phát triển. Động thái này của chính quyền Trump là nhằm giúp Washington dễ dàng hơn trong việc mở các cuộc điều tra và trừng phạt các nước gia tăng trợ cấp hàng hóa xuất khẩu, gây tổn hại cho thương mại Hoa Kỳ.

Embed from Getty Images

Đại diện Thương mại Hoa Kỳ (USTR) hôm 10/2 đã phát đi thông báo cho biết chính phủ nước này đã thu hẹp danh sách riêng các quốc gia đang phát triển và kém phát triển để giảm ngưỡng kích hoạt một cuộc điều tra của Hoa Kỳ xem liệu các quốc gia có đang gây tổn hại cho nền công nghiệp Mỹ bằng xuất khẩu được trợ cấp không công bằng hay không.

Ngoài ra, động thái này cũng khiến chính quyền Trump thuận lợi hơn trong việc gây sức ép về các điều kiện môi trường, lao động, nhân quyền… đối với các nước không còn nằm trong danh sách nước đang phát triển.

Các nước bị Hoa Kỳ loại khỏi danh sách các nước đang phát triển gồm: Albania; Argentina; Armenia; Brazil; Bulgaria; Trung Quốc; Colombia; Costa Rica; Georgia; Ấn Độ; Indonesia; Kazakhstan; Cộng hòa Kyrgyz; Malaysia; Moldova; Montenegro; Bắc Macedonia; Romania; Singapore; Nam Phi; Hàn Quốc; Thái Lan; Ukraine; và Việt Nam. Hồng Kông – hòn đảo bán tự trị thuộc chủ quyền của Trung Quốc cũng không còn được Hoa Kỳ xếp là nền kinh tế đang phát triển.

USTR cho biết việc họ quyết định điều chỉnh phương thức phân loại các nước đang phát triển là cần thiết vì hướng dẫn trước đây của Hoa Kỳ, ban hành từ năm 1998 giờ đã lỗi thời.

Để cập nhật danh sách nội bộ của mình, USTR nói rằng họ đã đưa vào xem xét một số yếu tố kinh tế và thương mại, chẳng hạn như mức độ phát triển kinh tế của một quốc gia và phần lợi ích mà một quốc gia được hưởng trong thương mại toàn cầu.

Chẳng hạn, USTR đánh giá các nước chiếm 0,5% thị phần thương mại thế giới là các nước “đã phát triển”. Trong khi đó, theo quy định năm 1998, ngưỡng này là 2% trở lên.

USTR cũng không còn coi “các chỉ số phát triển xã hội như tỷ lệ trẻ sơ sinh tử vong, tỷ lệ người lớn mù chữ và tuổi thọ trung bình” làm căn cứ cho việc thay đổi định về xếp loại quốc gia phát triển hay đang phát triển.

Việc thay đổi chính sách này của Hoa kỳ đánh dấu một sự khởi đầu đáng chú ý về chính sách thương mại của nước này trong hai thập kỷ qua đối với các quốc gia đang phát triển. Điều này có thể dẫn đến Washington sẽ áp đặt các chế tài nghiêm ngặt lên một số quốc gia xuất khẩu hàng đầu thế giới, đặc biệt là Trung Quốc.

Động thái của USTR cũng phản ánh sự thất vọng của Tổng thống Donald Trump đối với việc các nền kinh tế lớn như Trung Quốc và Ấn Độ vẫn đang được phép nhận những lợi ích thương mại ưu đãi tại Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) với tư cách là các nước đang phát triển.

Tổng thống Trump nói trong Diễn đàn Kinh tế Thế giới tổ chức tại Davos, Thụy Sĩ vào tháng trước rằng WTO đã không đối xử với Hoa Kỳ một cách công bằng.

Trung Quốc được coi là quốc gia đang phát triển. Ấn Độ được coi là quốc gia đang phát triển. Chúng tôi không được coi là quốc gia đang phát triển. Theo tôi biết, chúng tôi cũng là một quốc gia đang phát triển”, ông Trump nói.

Theo luật WTO, các chính phủ được yêu cầu hủy các cuộc điều tra nghĩa vụ đối kháng nếu khoản trợ cấp nước ngoài là nhỏ hơn quy định, thường được WTO xác định là dưới 1% giá trị thương mại.

Tuy nhiên, WTO lại có tiêu chuẩn riêng cho các nước đang phát triển, theo đó khoản trợ cấp dưới 2% giá trị thương mại sẽ không bị điều tra nghĩa vụ đối kháng.

Chính quyền Trump đã đang tìm cách chấm dứt các ưu đãi đặc biệt này đối với các quốc gia đang là thành viên của G20, OECD hoặc nằm trong danh sách các nước thu nhập cao theo phân loại của Ngân hàng Thế giới (WB).

Tháng Bảy năm ngoái, Tổng thống Trump đã ban hành chỉ thị hành pháp yêu cầu Đại diện Thương mại Hoa Kỳ Robert Lighthizer phải xác định xem đã có “tiến bộ đáng kể” nào đối với việc hạn chế số lượng các nước được coi là quốc gia đang phát triển hay không. Ông Trump khi đó nhấn mạnh nếu không có tiến triển, Hoa Kỳ sẽ hành động đơn phương. Quyết định của USTR hôm 10/2 chính là hiện thực hóa tuyên bố của ông Trump hồi tháng 7/2019.

Một số nước vừa bị Hoa Kỳ loại khỏi danh sách các nước đang phát triển, bao gồm Brazil, Singapore và Hàn Quốc trước đó đã đồng ý chủ động từ bỏ quyền lợi nước đang phát triển trong các cuộc đàm phán thương mại trương lai.

Trong khi đó, Trung Quốc đã lên tiếng chỉ trích hành động của Hoa Kỳ là đơn phương, gây tổn hại cho các cơ chế đa phương.

China Daily dẫn lời ông Xue Rongjiu – phó giám đốc Trung tâm Trung Quốc về Nghiên cứu WTO, nói rằng thông báo hôm 10/2 của Hoa Kỳ đã làm suy yếu quyền lực của hệ thống thương mại đa phương.

Những hành động đơn phương và bảo hộ như vậy đã đang gây tổn hại cho lợi ích của Trung Quốc và của các thành viên khác trong WTO”, ông Xue Rongjiu nói.

Trung Quốc đã luôn kiên quyết bảo vệ các hệ thống đa phương. Các mối quan hệ thương mại và kinh tế của Trung Quốc với các đối tác của cả các nền kinh tế phát triển và các nước đang phát triển đã chứng minh rằng cơ chế đàm phán đa phương có hiệu quả, và nó đã thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thế giới”, ông Xue Rongjiu nhấn mạnh.

Về phía Việt Nam, tại cuộc họp báo thường kỳ ngày 20/2, trả lời câu hỏi của phóng viên yêu cầu cho biết phản ứng của Việt Nam trước việc Hoa Kỳ loại Việt Nam khỏi danh sách các nước đang phát triển, Phó Phát ngôn Bộ Ngoại giao Đoàn Khắc Việt khẳng định:

Việt Nam sẽ tiếp tục theo dõi đánh giá tác động của việc Mỹ đưa Việt Nam ra khỏi danh sách các nước được hưởng quy chế quốc gia đang phát triển trong luật chống trợ cấp của Mỹ, đồng thời duy trì đối thoại, phối hợp các biện pháp với phía Mỹ nhằm thúc đẩy quan hệ thương mại song phương tiếp tục phát triển theo hướng hài hòa, bền vững, mang lại lợi ích cho cả Việt Nam và Mỹ“.

Hiện Trung Quốc, Việt Nam và các nước vừa bị Hoa Kỳ xếp loại lại vẫn được hưởng quy chế quốc gia đang phát triển trong khuôn khổ WTO.

Như Ngọc

Xem thêm: