Trong hai tháng Bảy và Tám của mùa nắng nóng 2018, chính phủ Hàn Quốc đã yêu cầu công ty điện lực nhà nước phải điều chỉnh giá điện để giảm gánh nặng tiền điện cho các hộ gia đình, theo Korea Times đưa tin.

Embed from Getty Images

Bộ trưởng Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng Hàn Quốc Paik Un-gyu (Ảnh: THOMAS SAMSON/AFP/Getty Images)

Trong một cuộc họp Nội các hôm 6/8/2018, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã chỉ đạo phải điều chỉnh hệ thống giá điện lũy tiến cho hộ gia đình trong tháng Bảy và tháng Tám, đồng thời mở rộng phạm vi giảm giá chi phí điện cho các hộ gia đình thu nhập thấp và các cơ sở phúc lợi xã hội.

Chỉ đạo của Tổng thống Hàn Quốc xuất phát từ việc đất nước này phải hứng chịu đợt nắng nóng kỷ lục trên toàn quốc với nhiệt độ trung bình khoảng 40 độ C. Mặc dù nắng nóng gay gắt là vậy, nhưng nhiều hộ gia đình thu nhập thấp vẫn phải kiềm chế sử dụng điện vì họ lo sợ cái gọi là “quả bom hóa đơn tiền điện.”

Ngay sau chỉ đạo của Tổng thống Moon, Bộ Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng Hàn Quốc đã quyết định cho điều chỉnh tăng trần hai mức đầu tiên của biểu giá điện lũy tiến áp dụng cho điện dân dụng. Theo Korea Times, điều chỉnh này đã tiết kiệm cho người dân khoảng 276,1 tỷ won (245,2 triệu USD), tương đương khoảng 20% tổng chi phí năng lượng cho mùa hè cao điểm.

Phát biểu trước báo giới trong buổi họp báo vào thời điểm đưa ra quyết định nêu trên, Bộ trưởng Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng Hàn Quốc Paik Un-gyu đã nói: “Với tư cách là bộ trưởng phụ trách chính sách năng lượng, tôi cảm thấy trách nhiệm lớn lao của mình khi để nhiều người dân cảm thấy không thoải mái với việc sử dụng điều hòa vì lo ngại về hóa đơn tiền điện tăng cao. Chính phủ sẽ tạm thời giảm giá điện lũy tiến và tìm cách giúp các cộng đồng yếu thế vẫn được mát.”

Tổng công ty Điện lực Hàn Quốc (KEPCO) – doanh nghiệp nhà nước đã thực hiện giảm giá điện lũy tiến cho người dân và họ thực hiện áp dụng hồi tố ngay hóa đơn tiền điện tháng Bảy, mặc dù khi đó chỉ còn một tuần là công ty điện gửi hóa đơn điện tháng Bảy cho người dân.

Công ty KEPCO áp dụng biểu giá điện lũy tiến ba mức cho điện dân dụng. Đơn giá cho người sử dụng dưới 200 kWh/tháng là 93,3 won/1kWh (khoảng 1.870 vnđ), và giá điện tăng lên 187,9 won/1kWh (khoảng 3.767 vnđ) cho mức sử dụng 201 – 400 kWh và tăng lên 280,6 won/1kWh (khoảng 5.625 vnđ) cho mức sử dụng trên 400 kWh.

Theo biện pháp hỗ trợ tạm thời trong tháng Bảy và tháng Tám, trần của mức 1 sẽ tăng lên 300 kWh và trần của mức 2 sẽ tăng lên 500 kWh.

Chính phủ Hàn Quốc cũng mở rộng giảm giá điện cho các gia đình thu nhập thấp và các hộ gia đình có trẻ nhỏ để giúp họ an toàn trong thời tiết nắng nóng kỷ lục.

Các hộ gia đình có trẻ nhỏ dưới 1 tuổi vẫn đang nhận được giảm giá 30% hóa đơn tiền điện mỗi năm và trong hai tháng Bảy và Tám, quy định giảm giá này sẽ mở rộng cho các gia đình nuôi trẻ dưới 3 tuổi.

Ngoài biện pháp tạm thời nêu trên, chính phủ Hàn Quốc thời điểm đó đã hứa sẽ lấy ý kiến của người dân và tham vấn Quốc hội để cải thiện hệ thống giá điện để tính giá khác nhau theo mùa và theo thời gian.

Bộ trưởng Paik Un-gyu cho biết: “Những biện pháp hỗ trợ tạm thời này chỉ là cứu trợ khẩn cấp nhằm giải quyết tình trạng nắng nóng thảm họa, và những biện pháp này không giải quyết được tất cả vấn đề. Chính phủ sẽ tìm cách đưa ra các biện pháp cơ bản để điều chỉnh hệ thống giá điện sau khi tập hợp ý kiến của người dân và tham vấn Quốc hội.”

Hệ thống biểu giá điện lũy tiến 6 mức cho điện dân dụng được áp dụng tại Hàn Quốc từ những năm 1970 để khuyến khích các công ty công nghiệp sử dụng nhiều điện hơn các hộ gia đình nhằm công nghiệp hóa đất nước một cách nhanh chóng.

Vào năm 2016, chính phủ Hàn Quốc đã phải tạm thời cắt giảm hóa đơn tiền điện trong ba tháng mùa hè do người dân phản đối quyết liệt về tiền điện quá cao tính theo hệ thống lũy tiến 6 mức. Hệ thống giá điện lỹ tiến 6 mức này khiến cho chênh lệnh giá tối đa 11,6 lần. Sau đó, Hàn Quốc áp dụng biểu giá điện lũy tiến 3 mức cho điện dân dụng như nêu trên.

Theo hãng tin Yonhap, tại Hàn Quốc, tiêu dùng điện công nghiệp chiếm 57% tổng tiêu thụ điện năng, trong khi tiêu dùng điện dân dụng chỉ chiếm 13%. Phần còn lại là tiêu dùng điện tại các trường học, nông nghiệp và các cơ sở kinh doanh thương mại.

Xuân Thành