Lực lượng chức năng Hàn Quốc mới đây đã bắt giữ hai tàu biển nghi cung cấp dầu lậu cho Bắc Hàn vi phạm chế tài quốc tế, theo Reuters.

Embed from Getty Images

Khi dầu lậu vẫn còn được tuồn sang Bắc Hàn, chế độ Kim Jong-un sẽ vẫn tiếp tục theo đuổi tham vọng hạt nhân, tên lửa.

Reuters, dẫn nguồn từ các quan chức Hàn Quốc, cho hay một trong hai tàu bị bắt giữ là tàu Koti, treo cờ Panama. Tàu này bị giữ lại ở một cảng biển gần thành phố miền tây Pyeongtaek, tỉnh Gyeonggi, Hàn Quốc.

Chiếc tàu còn lại cũng bị tạm giữ đăng ký tại Hồng Kông, nghi ngờ tuồn lậu khoảng 600 tấn dầu mỏ tinh chế cho một tàu buôn Bắc Hàn.

Hãng tin Yonhap (Hàn Quốc) cho biết làm việc trên chiếc tàu của Hồng Kông vừa bị bắt này chủ yếu là các thủy thủ người Trung Quốc và Myanmar, và đang chở khoảng 5.100 tấn dầu.

Theo Reuters, giới chức Hàn Quốc cuối tuần trước nói rằng họ đang tạm giữ tàu Lighthouse Winmore của Hồng Kông.

Chiếc tàu này cập cảng Yeosu, Hàn Quốc vào ngày 11/10 để lấy dầu mỏ tinh chế và dự kiến lộ trình sẽ tới Đài Loan vào 4 ngày sau đó.

Tuy nhiên, thay vì tới Đài Loan, tàu Lighthouse Winmore đã chuyển dầu cho một tàu Bắc Hàn và ba tàu buôn khác tại vùng biển quốc tế vào ngày 19/10, theo các quan chức Hàn Quốc.

Tàu Lighthouse Winmore đã bị bắt khi nó quay trở lại cảng Yeosu vào tháng 11 và vẫn đang bị giữ tại Hàn Quốc.

Tuần trước, Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump cũng đổ lỗi Trung Quốc đã cho phép các tàu buôn chở dầu bất hợp pháp tới Bắc Hàn.

Trên Twitter, ông Trump nói rằng Trung Quốc đã bị “bắt quả tang” tuồn dầu lậu cho Bắc Hàn và ông thất vọng về điều đó.

Tổng thống Mỹ nói thêm rằng sẽ không có “giải pháp thân thiện” cho cuộc khủng hoảng Bắc Hàn nếu dầu lậu vẫn được phép xuất tới Bình Nhưỡng.

>>Ông Trump tố cáo Trung Quốc ngầm bán dầu cho Bắc Hàn

Phía Trung Quốc đã lên tiếng phủ nhận điều này. Bắc Kinh khẳng định họ thực hiện đầy đủ nghị quyết của Liên Hiệp Quốc và không để cho cá nhân và công ty Trung Quốc vi phạm các nghị quyết này.

Cũng trong tuần trước, Reuters dẫn theo hai nguồn tin an ninh Tây Âu cho biết Nga cũng đã chuyển dầu lậu cho tàu Bắc Hàn trên vùng biển quốc tế gần bán đảo Triều Tiên khoảng 3 lần trong vài tháng gần đây.

Những động thái nêu trên của Trung Quốc và Nga nếu được xác minh là chính xác, đã vi phạm nghiêm trọng các nghị quyết của Liên Hiệp Quốc. Trong đó, nghị quyết mới nhất do Hoa Kỳ soạn thảo và đã được Hội đồng Bảo an thông qua vào tháng 11 hạn chế tới 90% nguồn cung dầu mỏ tinh chế cho Bắc Hàn và cấm các tàu chuyển dầu mỏ và bất kỳ hàng hóa nào cho tàu Bắc Hàn trên vùng biển quốc tế.

Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Nhật Bản đang nỗ lực thúc giục cộng đồng quốc tế tuân thủ nghiêm ngặt chế tài của Liên Hiệp Quốc áp đặt lên Bắc Hàn, nhưng dường như vẫn có những lỗ hổng nghiêm trọng mà các bên rất khó kiểm soát. Đó có thể là một phần nguyên nhân khiến Bắc Hàn vẫn phát triển chương trình hạt nhân, tên lửa bình thường bất chấp chế tài quốc tế ngày càng thắt chặt hơn.

Yên Sơn

Xem thêm: