Truyền thông Nhật Bản đưa tin, lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong-un đã yêu cầu lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình giúp đỡ để sớm chấm dứt lệnh trừng phạt kinh tế đối với Bắc Triều Tiên, và ông Tập Cận Bình đã nhận lời. Mặt khác, truyền thông Mỹ cho biết Bình Nhưỡng vẫn đang tăng cường sản xuất urani làm giàu tại các địa điểm bí mật. Có nhận định đây là hai lá bài mà Kim Jong-un muốn nắm giữ.

kim jong-un
Lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong-un (Ảnh từ Getty Images)

Ngừng hoạt động cơ sở hạt nhân nhưng vẫn nắm giữ kỹ thuật cơ bản

Chỉ một tuần sau Hội đàm Trump – Kim (12/6), lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong-un đã có chuyến thăm thứ ba tới Trung Quốc trong năm nay. Theo tờ Yomiuri Shimbun của Nhật Bản đưa tin hôm 01/7, thời điểm ông Kim Jong-un gặp ông Tập Cận Bình vào ngày 19 và 20/6 đã cho biết “phải chịu đựng đau đớn vì trừng phạt kinh tế, Hội nghị thượng đỉnh Mỹ – Triều đã kết thúc thành công, xin hãy giúp đẩy nhanh chấm dứt các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Bắc Triều Tiên”. Ông Tập Cận Bình cho biết “sẽ làm hết sức mình”.

Mặt khác, vào ngày 1/7, Đà NBC (Mỹ) đã trích dẫn ý kiến của 5 quan chức tình báo Mỹ nói rằng trong những tháng gần đây Bình Nhưỡng đã tăng cường sản xuất urani làm giàu tại các địa điểm bí mật. Và không chỉ nằm tại một vị trí bí mật. Hôm thứ Tư trên trang web “Giới tuyến 38” (38 North) của Mỹ đã công bố hình ảnh vệ tinh cho thấy ở huyện Nyongbyon-gun tỉnh Bắc Pyongan của Bắc Triều Tiên đang nhanh chóng cải tạo căn cứ nghiên cứu hạt nhân. Washington Post cũng trích dẫn ý kiến của 4 quan chức tiết lộ thông tin.

Một mặt, Bắc Triều Tiên muốn được giảm bớt các lệnh trừng phạt, mặt khác lại có vẻ như đã không có ý định từ bỏ chương trình hạt nhân. Tiến sĩ luật Tằng Kiến Nguyên (Ceng Jianyuan) thuộc Viện Nghiên cứu Phát triển quốc gia Đài Loan cho biết, “Nước cờ đầu tiên là giữ ủng hộ của Trung Quốc. Trong vấn đề này thì Bắc Triều Tiên sẽ tỏ lòng thành với Trung Quốc, vì vị thế địa chính trị cũng như mối quan hệ hữu nghị trong quá khứ nên Trung Quốc sẽ ra tay hỗ trợ Bắc Triều Tiên. Trong lá bài này Kim Jong-un không thể hoàn toàn hướng theo Mỹ, phải làm sao giữ thăng bằng giữa hai bên. Còn lá bài thứ hai của Kim Jong-un chính là duy trì công nghệ hạt nhân hiện nay.”

Tằng Kiến Nguyên nói: “Ông ta cam kết từ bỏ chương trình hạt nhân, nhưng đây là một quá trình, ông ta không từ bỏ hạt nhân vô điều kiện mà mục đích để tranh thủ giành được hỗ trợ thêm của Mỹ. Đối với cơ sở hạt nhân chính thì Bắc Triều Tiên sẽ cho chấm dứt hoạt động, nhưng đồng thời vẫn duy trì kỹ thuật cơ bản đã có, vừa là một quân cờ lại vừa mang lại cảm giác an toàn về tâm lý.”

Tờ Yomiuri Shimbun chỉ ra, trong lần hội đàm tại Bắc Kinh, ông Kim Jong-un cho biết, sau khi Bắc Triều Tiên xúc tiến giải trừ chương trình hạt nhân và đi được bước đầu thì Mỹ phải có động thái đáp trả bù đắp tương ứng, và Trung Quốc cũng đồng quan điểm trong vấn đề này.

Ông Tằng Kiến Nguyên: “Đối với Trung Quốc (Cộng sản Trung Quốc) mà nói, họ không muốn Bắc Triều Tiên nhanh chóng thay đổi, chỉ muốn Bắc Triều Tiên cứ giữ trạng thái đó hoặc tiến chậm chạm, sau đó khi cần thiết thì Trung Quốc sẽ ra tay hỗ trợ. Trong quá trình này, Trung Quốc sẽ ủng hộ trò đàm phán của Bắc Triều Tiên và giá trị của Kim Jong-un”.

Hồ sơ thuyết phục Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc không thành công

Ngày 28/6, Trung Quốc và Nga đã cố gắng thuyết phục Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc thông qua một hồ sơ liên quan đến Bắc Triều Tiên, mở đường cho việc dỡ bỏ dần biện pháp trừng phạt chống lại Bắc Triều Tiên, tờ Yomiuri Shimbun nhận định rằng hành động này có thể là thực hiện theo yêu cầu của ông Kim Jong-un. Tuy nhiên, do sự phản đối từ Mỹ mà hồ sơ không được thông qua.

Vào ngày 1/7, trong một cuộc phỏng vấn của trang tin Fox, Tổng thống Trump cho biết đã đạt được thỏa thuận hạt nhân với ông Kim Jong-un, nhưng ông Kim Jong-un “có thể còn những toan tính khác”. Ngày 1/7, cố vấn An ninh Quốc gia Nhà Trắng Bolton cũng cho biết rằng Mỹ đã phát triển một dự án để tháo dỡ các dự án tên lửa đạn đạo và hạt nhân của Bắc Triều Tiên trong vòng một năm, nhưng với điều kiện Bắc Triều Tiên sẵn sàng hợp tác.

Lan Thuật (Lan Shu), bình luận viên thời sự hiện sống tại Mỹ nói: “Có thể tất cả các cam kết hiện tại của ông Kim Jong-un là thủ đoạn dối trá, chỉ để ứng phó với lệnh trừng phạt chống lại ông ta. Nhưng chỉ sau khi ông Kim Jong-un tháo bỏ triệt để các cơ sở hạt nhân thì các biện pháp trừng phạt mới có khả năng dừng lại. Đây là nước đi quan trọng nhất mà Tổng thống Trump hoặc toàn bộ thế giới tự do có thể chủ động hành xử.”

Bolton cũng cho biết, kế hoạch “nhanh chóng dỡ bỏ” phù hợp lợi ích của Bắc Triều Tiên, bởi vì sau đó Hàn Quốc, Nhật Bản và các nước khác có thể bắt đầu dỡ bỏ lệnh trừng phạt chống Bắc Triều Tiên.

Huệ Anh

Xem thêm: