Lãnh đạo phe đối lập, tổng thống lâm thời Venezuela Juan Guaido hôm thứ Bảy (11/5) nói rằng ông đã yêu cầu đặc phái viên của mình tại Mỹ gặp các quan chức Bộ Quốc phòng để “hợp tác” về giải pháp cho cuộc khủng hoảng chính trị tại Venezuela.

Juan_Guaido
Ông Juan Guaido và phu nhân trong một buổi tập trung phản đối Maduro. (Ảnh: ShutterStock)

Phát biểu trong một buổi tập trung tại thủ đô Caracas hôm 11/5, ông Juan Guaido nói: “Chúng tôi đã ra lệnh cho đại sứ Carlos Vecchio lập tức gặp Bộ Chỉ huy miền Nam của quân đội Mỹ và đô đốc của đơn vị này để thiết lập mối quan hệ trực tiếp. Chúng tôi đã từng nói ngay từ đầu rằng chúng tôi sẽ sử dụng tất cả các nguồn lực theo ý mình để tạo áp lực.”

Reuters cho biết họ đã liên lạc với đại diện của Bộ Chỉ huy miền Nam và ông Vecchio để yêu cầu cung cấp thêm thông tin sau tuyên bố của ông Guaido, nhưng không nhận được phản hồi.

Trước đó, các quan chức của chính quyền Trump đã nhiều lần nói rằng “tất cả các lựa chọn đều sẵn sàng” để lật đổ ông Maduro.

Hôm thứ Năm (9/5), Bộ Chỉ huy miền Nam viết trên Twitter rằng họ đã chuẩn bị để thảo luận về “cách chúng tôi có thể ủng hộ vai trò tương lai” của lực lượng vũ trang Venezuela, những người lựa chọn “khôi phục trật tự hiến pháp”, nếu được ông Guaido mời hợp tác.

Bộ Thông tin Venezuela đã từ chối yêu cầu bình luận của Reuters. Trong khi Bộ trưởng Quốc phòng Venezuela Vladimir Padrino hôm 11/5 lại loan tin với báo giới một vấn đề khác. Ông Padrino tố cáo tàu Cảnh sát Biển Mỹ đã thâm nhập vào vùng biển thuộc chủ quyền của Venezuela và khẳng định “chúng tôi sẽ không chấp nhận.”

Phát ngôn viên Bộ Chỉ huy miền Nam hôm 10/5 đã nói rằng tàu Cảnh sát Biển Mỹ hôm 9/5 đã thực hiện “nhiệm vụ phát hiện và giám sát ma túy” tại “vùng biển quốc tế” trên Biển Caribê.

Kể từ sau cuộc nổi dậy bên ngoài một căn cứ không quân tại Caracas bất thành hôm 30/4, dường như nỗ lực của ông Guaido và đồng minh trong việc lật đổ ông Maduro đã lắng xuống trong vài tuần gần đây.

Ngoại giới nhận định có thể ông Guaido đang tìm cách khác để tăng áp lực lên chính quyền Maduro và không loại trừ khả năng lãnh đạo đối lập sẽ yêu cầu Mỹ can thiệp quân sự.

Theo Reuters, trong tuần này, ông Guaido đã nói với một tờ nhật báo của Ý rằng ông “có thể” sẽ chấp nhận sự can thiệp quân sự của Mỹ nếu Washington đề xuất giải pháp này.

Hầu hết các nước Mỹ La-tinh, cũng như Châu Âu ủng hộ ông Guaido thay thế ông Maduro, nhưng họ đã bày tỏ phản đối lựa chọn can thiệp quân sự vào Venezuela. Bộ trưởng Ngoại giao Liên minh Châu Âu Federica Mogherini tuần trước đã nói rằng Nhóm liên lạc Quốc tế về Venezuela (gồm các nước Mỹ La-tinh và Châu Âu) đã chuẩn bị để bắt đầu triển khai “một phái đoàn làm việc cấp độ chính trị” tại thủ đô Caracas.

Phát biểu trong buổi tập trung hôm 11/5, ông Guaido tiết lộ rằng ông đã nhận được thư từ Trung Quốc, trong đó nước này bày tỏ mong muốn sẽ gia nhập vào nỗ lực ngoại giao của Nhóm liên lạc Quốc tế về Venezuela để đàm phán chấm dứt khủng hoảng chính trị kéo dài tại quốc gia thành viên OPEC.

Trung Quốc cùng với Nga và Cuba hiện đang là những chính phủ nước ngoài ủng hộ Tổng thống Nicolas Maduro mạnh mẽ nhất. Với sự hậu thuẫn của ba đồng minh này, cùng sự ủng hộ của quân đội, Tòa án Tối cao nên ông Maduro cho tới nay vẫn nắm thực quyền, điều hành tất cả các thể chế nhà nước tại Venezuela.

Như Ngọc