Reuters, dẫn theo báo cáo của một tổ chức phi chính phủ về nghiên cứu môi trường, mới đây cho biết thủ đô Hà Nội, Việt Nam trong năm 2017 chỉ có 38 ngày có không khí sạch. Mức ô nhiễm tại Hà Nội cũng tăng lên ngang với Bắc Kinh – thành phố của Trung Quốc được ví là thủ đô khói bụi.

Embed from Getty Images

Người dân ngoại thành đốt rơm rạ cũng là một trong các nguyên nhân dẫn tới ô nhiễm không khí tại Hà Nội.

Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh (GreenID), một tổ chức phi chính phủ của Mỹ, có đặt văn phòng tại Hà Nội là đơn vị thực hiện các nghiên cứu môi trường Hà Nội dựa trên các dữ liệu thu thập từ vị trí Đại sứ Quán Mỹ. Báo cáo của GreenID sẽ được chính thức phát hành vào cuối tháng 2/2018. Reuters đã tiếp cận được các thông tin ban đầu của báo cáo này và đưa ra cảnh báo trước cho người dân Việt Nam về tình trạng không khí tệ hại của thủ đô Hà Nội trong năm ngoái.

>>Hà Nội ô nhiễm không khí ở mức báo động: Bạn có thể làm gì?

Theo GreenID, mức độ ô nhiễm trung bình năm của Hà Nội trong năm 2017 đã tăng cao hơn 4 lần so với mức khuyến cáo chất lượng không khí có thể chấp nhận được của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). GreenID cho biết tình huống này đang có chiều hướng còn tồi tệ hơn nữa trong năm 2018 và các năm sắp tới.

Ông Lars Blume, tư vấn kỹ thuật tại GreenID nói với Reuters rằng: “Chỉ khoảng hơn một tháng [trong năm 2017 tại Hà Nội] là những ngày có chất lượng không khí tốt”.

Điều đó nằm ngoài khả năng kiểm soát của người dân – họ vẫn phải đi ra ngoài, đi làm – và trong nhiều trường hợp người dân khó có thể thực sự cảm nhận được liệu không khí có trong lành hay không”, Ông Blume nhấn mạnh.

Theo chuyên gia của GreenID, ô nhiễm không khí của Hà Nội là do nhiều yếu tố khác nhau, trong đó có sự gia tăng các công trường xây dựng, tăng mật độ sử dụng ô tô và xe máy, và nông dân ngoại thành đốt phế phẩm nông nghiệp.

Ngoài ra, nghiên cứu của GreenID cũng cho rằng các nhà máy công nghiệp nặng như sản xuất thép, xi măng và nhiệt điện than trong các khu vực lân cận cũng góp phần gây ô nhiễm cho thủ đô Hà Nội.

Báo cáo chỉ ra rằng mức độ ô nhiễm không khí tại Hà Nội hiện nay đã tồi tệ hơn thủ đô Jakarta của Indonesia và mọi thứ dường như khó có thể sớm cải thiện khi Việt Nam đang đẩy mạnh kế hoạch xây dựng thêm nhiều nhà máy điện than.

Theo khuyến cáo của WHO, việc phải tiếp xúc với mức độ ô nhiễm không khí cao, đặc biệt là trong thời gian dài, có thể ảnh hưởng đến các hệ thống hô hấp và đề kháng của con người, và cũng có thể dẫn đến bệnh tim và ung thư.

Giới chức Việt Nam đã nhận thức được vấn đề này, trong giữa năm 2016, chính quyền Việt Nam đã đưa ra một kế hoạch hành động quốc gia nhằm tìm cách kiểm soát và giám sát khí thải và cải thiện chất lượng không khí. Hà Nội đang có kế hoạch lắp đặt khoảng 70 trạm quan trắc không khí.

Tuy nhiên, trong báo cáo của GreenID, tổ chức phi chính phủ này cũng đã chỉ trích Việt Nam đang thiếu các quy định pháp lý về chất lượng không khí, cộng đồng dân cư thiếu nhận thức về vấn đề môi trường này và cũng thiếu các biện pháp hiệu quả để giảm thiểu các ảnh hưởng từ ô nhiễm không khí như việc sử dụng các máy lọc không khí tại nhà.

Chuyên gia Blume cho rằng chính phủ Việt Nam phải lắp đặt nhiều hơn nữa các trạm quan trắc ô nhiễm không khí trên toàn quốc và công khai các số liệu này cho công chúng.

Báo cáo của GreenID cũng đưa ra lời khuyên rằng Việt Nam cần phải cải thiện quy hoạch đô thị và tăng cường đầu tư vào năng lượng tái tạo và hệ thống giao thông công cộng.

Một chuyên gia nghiên cứu người Việt tại GreenID nói với Reuters rằng các khảo sát về ô nhiễm không khí của tổ chức này thực hiện trước đây tại Việt Nam đã cho thấy mối quan tâm ngày càng tăng của người dân về vấn đề chất lượng không khí và sự gia tăng các vấn đề hô hấp ở trẻ em.

Yên Sơn

Xem thêm: