Cuộc gặp thượng đỉnh giữa Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump và Chủ tịch Bắc Hàn Kim Jong-un hôm 12/6 đã được các nhân vật chính công bố là một bước đột phá sẽ mang lại thay đổi lớn, nhưng cũng để lại cho những bên liên quan khác phải tự hỏi: Điều gì sẽ diễn ra tiếp theo?

Trump-Kim
Ông Kim Jong-un chính thức xác lập tính hợp pháp trên vũ đài thế giới sau cuộc gặp bình đẳng với ông Donald Trump.

Sau hàng thập kỷ bị cô lập vì chương trình hạt nhân và tên lửa, chế độ nhà họ Kim – vốn bị phỉ báng lạm dụng nhân quyền trong nước và là mối đe dọa chiến tranh thế giới – đã nhận được sự đón nhận nồng ấm từ tổng thống Mỹ. Ông Trump hoan nghênh thỏa thuận “phi hạt nhân hóa hoàn toàn” bán đảo Triều Tiên, cho dù các nhà phê bình đánh giá văn kiện này thiếu chi tiết.

Vượt trên những ồn ào của thượng đỉnh Singapore, cuộc gặp gỡ chưa từng có tiền lệ này đã để lại nhiều câu hỏi chưa có lời giải và một số đồng minh của Mỹ trong khu vực đang phải đối mặt với một tương lai không chắc chắn.

Dưới đây là cái nhìn về việc các bên liên quan đang ở đâu trong bức tranh toàn cảnh bán đảo Triều Tiên và điều chờ đợi họ ở phía trước là gì:

Chủ tịch Tập của Trung Quốc đang thành công

Bất cứ một sự giảm thiểu căng thẳng nào ở đất nước ngay sát vách mình, Trung Quốc đều hoan nghênh. Bắc Kinh hiện đang là đồng minh thân thiết nhất của Bắc Hàn, chiếm tới 90% ngoại thương của chế độ Bình Nhưỡng. Do đó, Bắc Kinh không mất nhiều thời gian để phát đi tuyên bố rằng thượng đỉnh Singapore đã định hình một “trang sử mới”.

Thông báo gây sốc của ông Trump về việc dừng các cuộc tập trận với Hàn Quốc là phần thưởng bổ sung thêm cho Trung Quốc khi nước này luôn thận trọng dõi theo các cuộc diễn tập quân sự ở sân sau của mình.

Tuyên bố dừng tập trận chung Mỹ – Hàn có thể coi là chiến thắng chính trị cho ông Tập vì động thái đó của ông Trump chính là ngầm chấp nhận đề xuất “cùng đóng băng” của Bắc Kinh – Mỹ, Hàn Quốc dừng tập trận chung và Bắc Hàn dừng thử tên lửa.

Trước khi gặp ông Trump, ông Kim đã hai lần sang Trung Quốc tiếp kiến ông Tập và thậm chí Bắc Kinh đã cho ông Kim thuê chuyên cơ để bay tới Singapore dự thượng đỉnh. Sức ảnh hưởng của Trung Quốc lên Bắc Hàn là rất rõ ràng.

Ngay sau thượng đỉnh, Trung Quốc lập tức ám chỉ rằng Liên Hiệp Quốc có thể xem xét dỡ bỏ các chế tài đang áp đặt lên Bắc Hàn – những biện pháp mà ông Trump cho rằng đã góp phần đưa ông Kim tới bàn đàm phán.

Tổng thống Moon tăng cường độ ngoại giao với miền Bắc

Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã đóng vai trò quan trọng trong việc mang về thượng đỉnh Singapore. Ông chính là người đã vá lại những rạn nứt của mối quan hệ Mỹ – Bắc Hàn sau khi có phát sinh trở lại các cuộc khẩu chiến giữa hai bên vào thời điểm chỉ còn chưa đầy một tháng là tới ngày diễn ra thượng đỉnh theo dự kiến.

Seoul và Bình Nhưỡng cũng đã hứa hẹn sẽ tổ chức các cuộc gặp gỡ thường xuyên hơn và việc ông Kim đã được hợp thức hóa trên vũ đài quốc tế sau thượng đỉnh Singapore làm cho chuyến đi của ông Moon đến Bình Nhưỡng có nhiều khả năng hơn.

Bắc và Nam Hàn có thể cũng sẽ làm mới lại việc thúc đẩy hướng tới kết thúc chính thức cuộc chiến tranh Triều Tiên 1950-1953, trận chiến mới chỉ tạm dừng bằng thỏa thuận ngừng bắn và các bên chưa ký kết hiệp định hòa bình.

Tuy vậy, các quan chức quân đội Hàn Quốc cũng như những lãnh đạo khác của miền Nam có thể đã bị bất ngờ trước tuyên bố đơn phương của ông Trump về việc dừng tập trận chung Mỹ – Hàn. Điều này có có khả năng khuyến khích những chính trị gia theo quan điểm bảo thủ kêu gọi Hàn Quốc phát triển vũ khí hạt nhân của riêng mình.

Nhật Bản phản ứng thận trọng

Do phải chịu mối đe dọa trực tiếp từ Bắc Hàn và đang phụ thuộc vào Mỹ để bảo vệ an ninh, nên sự chào đón của Nhật Bản đối với thượng đỉnh Trump-Kim dường như ít nổi bật hơn so với các nước khác.

Việc hủy các cuộc tập trận chung Mỹ – Hàn trên bán đảo Triều Tiên có vẻ cũng đã khiến Tokyo có nhiều băn khoăn, thể hiện bằng việc Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Itsunori Onodera nhấn mạnh các cuộc tập trận này là “quan trọng” cho an ninh khu vực.

Thủ tướng Shinzo Abe đã hoan nghênh việc ông Trump đưa vấn đề công dân Nhật Bản bị Bắc Hàn bắt cóc và giam giữ nhiều thập kỷ nay lên bàn đàm phán với ông Kim, nhưng có vẻ như vấn đề mà công chúng Nhật rất quan tâm này không có bất kỳ tiến triển rõ ràng nào tại Singapore.

Giới chức Tokyo được cho là đang tìm cách thiết lập thượng đỉnh Abe-Kim để giải quyết vấn đề đối đầu Nhật – Bắc Hàn và trọng điểm là đàm phán giải cứu con tin Nhật Bản.

Quan hệ Mỹ – Bắc Hàn: Tương lai khó khăn phía trước

Với phạm vi rộng của tuyên bố chung Trump-Kim, mà các nhà phê bình cho rằng nó có ít tiến bộ thực tế đối với việc phi hạt nhân hóa, các quan chức từ Hoa Kỳ và Bắc Hàn sẽ phải đối mặt với một con đường đàm phán dài và nhiều cản trở.

Ông Trump đã nói rằng các quan chức cấp cao của Mỹ, trong đó có Cố vấn An ninh Quốc gia John Bolton – một nhân vật hiếu chiến – vào tuần tới sẽ “xem xét các chi tiết để hoàn thành công việc này”.

Ông Trump và ông Kim cũng sẽ còn phải có nhiều cuộc gặp gỡ trực tiếp hơn nữa. Theo thông tấn xã Bắc Hàn (KCNA), hai nhà lãnh đạo đã chấp nhận lời mời đến thăm đất nước nhau, hứa hẹn nhiều hội nghị thượng đỉnh “lịch sử” nữa tiếp diễn.

Thanh Long (Theo AFP)

Xem thêm: