Sau hai nhiệm kỳ của tổng thống Barack Obama, vị thế số một của nước Mỹ ngày càng có dấu hiệu bị lu mờ trong khi thế giới nhiều cực nổi lên và các quốc gia khác ngày càng muốn khẳng định tiếng nói của mình.

Vị thế của Mỹ trước và sau nhiệm kỳ của 2 đời tổng thống có thay đổi mạnh mẽ trên trường quốc tế
Vị thế của Mỹ trước và sau nhiệm kỳ của 2 đời tổng thống có thay đổi mạnh mẽ trên trường quốc tế

Tuy nhiên, sự thay đổi này mang đến một đe dọa lớn lao cho thế giới tự do và những người mong muốn sống trong thế giới này.

Vị thế ‘lãnh đạo’ của Mỹ đang lung lay

Tạp chí Nga Rossia Globalnoi Politike (chính trị toàn cầu) hôm 15/8 nhận định chính sách ngoại giao của Mỹ chuẩn bị có bước ngoặt quan trọng kể từ 70 năm nay. Washington không còn giữ được vị trí “thủ lĩnh” toàn cầu trong bối cảnh thế giới đa cực.

Từ khi chiến tranh lạnh kết thúc, Hoa Kỳ tự nhận là bên thắng cuộc, đã ra sức kiến tạo một thế giới theo mô hình và giá trị của nước Mỹ. Tuy nhiên, thế giới ngày nay đang tồn nhiều xung đột hơn, khó kiểm soát hơn và nghi kị phương Tây hơn.

Hoa Kỳ, với vị thế thủ lĩnh thế giới, đang tỏ ra bất lực trước những nguy cơ xung đột mới xuất phát từ sự cạnh tranh với các cường quốc khác. Vai trò “cảnh sát thế giới” của Washington không phát huy được tác dụng, khi mà các đối trọng của Mỹ nổi lên càng nhiều và ngày càng dám thách thức sức mạnh độc tôn của Lầu Năm Góc.

Thí dụ nổi bật nhất là tình hình biển Đông, Trung Quốc đã không còn chịu lép vế trước bất kỳ tuyên ngôn “tự do hàng hải” nào của Mỹ và dường như sẵn sàng theo đuổi cả những biện pháp vũ lực để hiện thực hóa yêu sách của mình. Trên chiến trường Trung Đông, Mỹ cũng bất lực trước việc Nga chen chân vào làm xoay chuyển thế cục cuộc chiến Syria và khẳng định quyền lợi của họ. Trên các bàn đàm phán quốc tế, Nga, Trung Quốc, Iran … những quốc gia thách thức giá trị dân chủ và tự do mà Mỹ tích cực cổ súy trong hàng chục năm qua ngày càng dám đối đầu trực diện với Mỹ về những nguyên tắc này.

Tại Trung Đông, Washington cũng chưa tìm ra được giải pháp cho cuộc xung đột Israel-Palestin. Trái với cuộc chiến vùng Vịnh năm 2003, dưới thời tổng thống Obama, Hoa Kỳ không còn can thiệp sâu vào thế giới Ả Rập, từ Libya đến Thổ Nhĩ Kỳ, từ Syria đến Iraq. Chính tổng thống Barack Obama đóng vai trò chủ đạo trong chiến lược xoay trục, bỏ Trung Đông sang Châu Á-Thái Bình Dương. Còn nhật báo Al-Hayat (London) lại cho rằng Mỹ rút khỏi thế giới Ả Rập do khu vực này không chấp nhận những giá trị của phương Tây.

Riêng châu Phi vẫn không phải là một vấn đề trọng tâm trong chiến dịch tranh cử tổng thống Mỹ đang diễn ra. Còn tại châu Âu, sự kiện Anh rút khỏi Liên Hiệp Châu Âu là một thiệt hại lớn cho Washington. Hoa Kỳ mất đi đồng minh thân cận nhất trong khối EU này và buộc phải xích lại gần Đức và Pháp hơn.

Ngay trong nội bộ nước Mỹ, một bộ phận lớn dân chúng cũng không hài lòng với vị thế “thủ lĩnh thế giới” hao tiền tốn của mà Hoa Kỳ tự đeo vào mình. Mỹ luôn là quốc gia có đóng góp nhiều nhất mỗi khi thế giới xảy ra bất cứ biến cố gì. Tuy nhiên với tình hình kinh tế không còn khả quan như trước, việc duy trì các khoản viện trợ hậu hĩnh để đổi lấy hậu thuẫn ngoại giao trong khi người dân Mỹ không kiếm được việc làm và trần nợ công dâng cao kỷ lục khiến dân Mỹ không còn thiết tha cái danh hiệu số một này.

Trước sức ép khó kiểm soát của tiến trình toàn cầu hóa và một thế giới ngày càng bất ổn hơn. Nhiều người Mỹ e ngại, không chấp nhận làn sóng nhập cư, cho rằng hiện tượng này sẽ trở thành một thách thức xã hội và có thể thay đổi bản sắc của nước Mỹ cũng như phương Tây nói chung.

Cũng nhận định như trên, tờ Global Times (Trung Quốc) đánh giá Mỹ là “một thủ lĩnh quốc tế đang bị lu mờ” và khó lòng bảo vệ được danh hiệu này.

Thế giới nguy hiểm hơn khi Mỹ “không còn là thủ lĩnh”

Dù muốn hay không, mọi sự sắp đặt trong xã hội nếu muốn duy trì không gian an toàn và ổn định, cần phải có một trật tự nào đó. Khi các giá trị tự do, dân chủ, thượng tôn pháp luật mà Mỹ và phương Tây là biểu tượng bị lu mờ, thất thế trước các giá trị khác, thì đón chờ chúng ta là một thế giới nguy hiểm, hỗn loạn hơn. Với phần lớn những người mong muốn thế giới ngày càng tự do, dân chủ và nhân quyền hơn, thì sự mờ nhạt của nước Mỹ trước các quốc gia khác như Trung Quốc, Nga và Iran là một bước lùi nguy hiểm.

Nga-Trung đang sát lại cùng nhau trên biển Đông, Iran và Nga là đồng minh từ lâu tại chiến trường Trung Đông, sự trỗi dậy của họ cũng là một phần giải thích cho việc suy giảm ảnh hưởng của Mỹ. Tuy nhiên lý do chính vẫn là nội tại của nước Mỹ. Mức thuế đánh vào kinh doanh quá cao, bộ máy chính phủ ngày càng cồng kềnh và quân đội thì không đủ mạnh.

Mặc dù Hoa Kỳ vẫn là “siêu cường duy nhất trên thế giới” như nhận định thẳng thắn của tổng thống Nga Vladimir Putin, nhưng để duy trì trật tự đang bị đe dọa này, Mỹ cần có một cuộc vặn mình, tháo gỡ những vấn đề căn bản, nội tại đã tồn tại trong gần chục năm Đảng Dân chủ nắm quyền, để bảo đảm cho các giá trị mà Mỹ và phương Tây bảo vệ vẫn nắm vị thế chủ đạo trên thế giới. Điều này không chỉ có lợi cho Mỹ và phương Tây mà còn tốt đẹp cho người dân thế giới chúng ta.

Trọng Đức