Một cuộc đình công quy mô lớn yêu cầu tăng lương tại Đức bắt đầu vào ngày 27/3, làm tê liệt hệ thống giao thông công cộng và sân bay. Đây là một trong những cuộc đình công lớn nhất suốt nhiều thập kỷ, diễn ra khi nền kinh tế lớn nhất châu Âu đang quay cuồng do lạm phát.

dinh cong duc
Đình công quy mô lớn trong bối cảnh lạm phát tăng vọt (Ảnh chụp màn hình video)

Vài giờ trước cuộc đình công, hai bên đều không nhượng bộ. Người đứng đầu các công đoàn khẳng định tăng lương là “vấn đề sống còn” với hàng nghìn người lao động. Trong khi đó, giới quản lý chỉ trích yêu cầu tăng lương cùng cuộc đình công là “vô cùng thái quá”.

Các cuộc đình công, ​​​​chủ yếu bắt đầu ngay sau nửa đêm ngày 27/2 đã ảnh hưởng đến giao thông cả đường bộ, đường sắt, đường thủy và đường không. 

Tất cả dịch vụ tàu hỏa đường dài của nhà điều hành đường sắt quốc gia Đức, Deutsche Bahn, sẽ bị đình chỉ hoàn toàn vì cuộc đình công. Dịch vụ đường sắt khu vực sẽ bị cắt giảm đáng kể, trong khi các chuyến tàu ngắn chạy trong thành phố – được gọi là S-Bahn ở Đức – cũng sẽ không hoạt động.

Theo Tạp chí Stern của Đức, tại bảy bang của Đức bao gồm Baden-Württemberg, Hesse, Lower Saxony, North Rhine-Westphalia, Sachsen, Rhineland-Palatinate và một phần của Bavaria, các công nhân vận tải địa phương tham gia đình công, do đó tất cả phương tiện giao thông bằng xe buýt, xe lửa và xe điện đều có khả năng bị đình trệ.

Tại sân bay Munich, trong hai ngày 26 – 27/3 không có chuyến chở khách hay chở hàng nào cất/hạ cánh. Sân bay Frankfurt, Hamburg, Stuttgart cũng chịu ảnh hưởng. Hiệp hội sân bay Đức ADV ước tính, khoảng 380.000 du khách sẽ không thể bay trong ngày 27/3 vì cuộc đình công.

Đức vốn phụ thuộc nhiều vào khí đốt của Nga trước cuộc chiến ở Ukraine, đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi lạm phát cao hơn khi nước này tranh giành các nguồn năng lượng mới. Tỷ lệ lạm phát đã vượt quá mức trung bình của khu vực đồng euro trong những tháng gần đây.

Giá tiêu dùng của Đức tăng hơn dự đoán trong tháng Hai – tăng 9,3% so với một năm trước đó. Số liệu này phần nào phản ánh áp lực chi phí dai dẳng mà Ngân hàng Trung ương châu Âu đang cố gắng chế ngự bằng một loạt các đợt tăng lãi suất vẫn chưa hề giảm bớt.

Tình trạng này ảnh hưởng đến hàng triệu công nhân trên cả nước, khi chi phí của hầu hết mặt hàng, từ bơ sữa cho đến tiền thuê nhà đều tăng sau nhiều năm giá cả khá ổn định.

Ông Frank Werneke, người đứng đầu liên đoàn lao động Verdi, nói với Bild am Sonntag, việc tăng lương ở mức đáng kể là “vấn đề sống còn đối với hàng nghìn người lao động”.

Cuộc đình công là kết quả của yêu cầu tăng lương do một số công đoàn lớn đưa ra. Công đoàn dịch vụ công Verdi tìm cách tăng lương 10,5%, nhưng không dưới 500 euro cho khoảng 2,5 triệu công chức. Công đoàn đường sắt và vận tải EVG yêu cầu tăng lương 12% nhưng không dưới 650 euro cho khoảng 230.000 nhân viên tại công ty đường sắt Deutsche Bahn (DBNULan) và công ty xe buýt. Các công đoàn đổ lỗi cho lạm phát và giá cả hàng hóa tăng cao gây ra cuộc khủng hoảng.

Nhà điều hành đường sắt Deutsche Bahn hôm 26/3 lại chỉ trích cuộc đình công là “hoàn toàn quá mức, vô căn cứ và không cần thiết”.

Người sử dụng lao động cũng cảnh báo, tăng lương cao hơn cho công nhân vận tải sẽ dẫn đến việc phải tăng giá vé và thuế cao hơn.

Minh Ngọc (Theo Reuters)