Theo các luật sư điều tra độc lập người Canada là David Matas và David Kilgour, tại Trung Quốc Đại Lục, để đáp ứng đủ số ca ghép tạng từ 60.000 đến 100.000 trường hợp mỗi năm thì ước tính mỗi ngày có khoảng 250 người bị buộc thu hoạch nội tạng.  

Từ phải qua trái: Luật sư Carlos Iglesias đại diện của DAFOH, luật sư nhân quyền Canada David Matas, nhà điều tra độc lập David Kilgour và nạn nhân Chris Zhao cùng nhau đến Madrid Tây Ban Nha ngày 20/2/2017 (Ảnh: Epoch Times)
Từ phải qua trái: Luật sư Carlos Iglesias đại diện của DAFOH, luật sư nhân quyền Canada David Matas, nhà điều tra độc lập David Kilgour và nạn nhân Chris Zhao cùng nhau đến Madrid Tây Ban Nha ngày 20/2/2017 (Ảnh: Epoch Times)

Ngày 20/2 (thứ Hai), các điều tra viên độc lập gồm hai luật sư David Kilgour và David Matas đã cùng luật sư Carlos Iglesias thuộc Hiệp hội Bác sĩ Chống Mổ cướp Nội tạng (DAFOH) gửi 251.000 chữ ký “chống mổ cướp nội tạng” đến Hạ viện Quốc hội Tây Ban Nha, kêu gọi Chính phủ Tây Ban Nha có hành động nhằm ngăn chặn tội ác mổ cướp nội tạng tại Trung Quốc Đại Lục.

Hối thúc Chính phủ Tây Ban Nha thực hiện Nghị quyết Nghị viện châu Âu năm 2013 về chống mổ cướp nội tạng.

Tại buổi họp báo sau đó, hai điều tra viên Kilgour và Matas cùng luật sư Iglesias đã trả lời các câu hỏi của phóng viên.

Hối thúc Quốc hội Tây Ban Nha thực thi Nghị quyết của Nghị viện châu Âu

Luật sư Iglesias đại diện cho DAFOH phát biểu tại buổi họp báo: “Hôm nay, tôi đại diện cho 251.000 người kêu gọi người dân Tây Ban Nha hãy hối thúc Quốc hội Tây Ban Nha thực thi Nghị quyết được Nghị viện châu Âu thông qua tháng 12/2013, công khai lên án tội ác mổ cướp nội tạng những người theo Pháp Luân Công tại Trung Quốc Đại Lục”.

“Tình hình hiện nay là Nghị quyết này không được thực thi, vì thế 251.000 chữ ký này nhằm kêu gọi người dân Tây Ban Nha hối thúc Quốc hội của mình phải có ý thức mạnh mẽ hơn về tội ác này”.

Tổ chức DAFOH gồm các chuyên gia thuộc các khu vực khác nhau trên thế giới, mục đích của tổ chức nhằm bảo vệ và thúc đẩy đạo đức trong lĩnh vực y tế, DAFOH từng được đề cử cho giải Nobel Hòa bình vào năm 2016.

Hai điều tra viên Kilgour và Matas của DAFOH cũng là người khởi xướng “Liên minh quốc tế chống mổ cướp nội tạng”, vào năm 2010 họ được đề cử Giải Nobel Hòa bình vì những nỗ lực trong điều tra độc lập “mổ cướp nội tạng”.

Hai điều tra viên Kilgour và Matas được đề cử Giải Nobel Hòa bình năm 2010.
Hai điều tra viên Kilgour và Matas được đề cử Giải Nobel Hòa bình năm 2010.

Kilgour: “Mổ cướp nội tạng” tại Trung Quốc Đại Lục đã công nghiệp hóa

Kilgour cho biết, từ năm 2006 ông bắt đầu thực hiện điều tra độc lập về mổ cướp nội tạng, khi đó ông Matas nhờ ông hỗ trợ trong việc điều tra về một cáo buộc những người tập Pháp Luân Đại Pháp (còn gọi là Pháp Luân Công) bị cho là đối tượng của tội ác mổ cướp nội tạng. Qua điều tra, ông đã phát hiện nhiều cán bộ lãnh đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc trong toàn bộ cỗ máy quốc gia liên quan đến tội ác này.

Ông chỉ ra, qua 32 điều tra thực hiện theo những cách khác nhau, trong đó bao gồm gọi điện thoại trực tiếp, ông phát hiện 15 tổ chức y tế liên quan đến tội ác mổ cướp nội tạng những người theo tập Pháp Luân Công.

Qua quá trình điều tra gian khổ, cuối cùng ông kết luận: có khoảng 41.500 người tập Pháp Luân Công đã bị mổ cướp nội tạng.

Ông Kilgour và Matas là hai điều tra viên quốc tế độc lập đầu tiên thực hiện điều tra về tội ác mổ cướp nội tạng những người theo tập Pháp Luân Công.

Phát biểu tại cuộc họp báo, ông Kilgour cho biết, chính quyền Trung Quốc đã hứa ngừng sử dụng nội tạng phạm nhân tử hình trong năm 2015.

Để xác thực tình hình, từ 2015 – 2016 họ đã thực hiện cuộc điều tra mới. Theo kết quả cuộc điều tra này, từ 2000 – 2015, mỗi năm Trung Quốc thực hiện từ 60.000 – 100.000 ca cấy ghép nội tạng, nhưng chính quyền Trung Quốc lại chỉ công bố có 10.000 ca.

Theo báo cáo mới, tội ác mổ cướp nội tạng vẫn đang diễn ra trên quy mô lớn tại Trung Quốc Đại Lục mà Chính quyền Trung Quốc chưa có biện pháp ngăn chặn.

Ông Kilgour nhớ lại trong sách “Đại thảm sát”, tác giả Ethan Gutmann đã chỉ ra, các nạn nhân của tội ác chống lại nhân loại này bao gồm cả người Uighur, Tây Tạng và tín đồ Cơ Đốc.

“Trên thân thể nạn nhân không để lại bất kỳ dấu vết nào của thủ phạm, bởi vì một khi bị mổ cướp nội tạng thì họ sẽ bị tiêu hủy thi thể”. Ông cũng chỉ ra rằng ở Trung Quốc có 350 trại cưỡng bức lao động, vô số người tập Pháp Luân Công bị đưa vào và bị mổ cắp nội tạng, chỉ cần một chữ ký của cảnh sát là có thể đưa họ vào trại mà không có bất kỳ quy trình pháp lý gì.

Hiện nay, các nước như Israel, Đài Loan, Tây Ban Nha đã cấm du lịch ghép tạng bất hợp pháp. Ông Matas nhấn mạnh trong bài phát biểu: “Tuy chúng ta không thể ngăn chặn tội ác này ở Trung Quốc, nhưng chúng ta có thể hành động để tránh trở thành kẻ đồng lõa của họ”.

Điều tra viên độc lập Ethan Gutmann, tác giả sách «Đại thảm sát» và « Mất Trung Quốc mới».
Điều tra viên độc lập Ethan Gutmann, tác giả sách «Đại thảm sát» và « Mất Trung Quốc mới».

Theo ông Matas, số lượng các ca cấy ghép do chính quyền Trung Quốc công bố khác xa tình hình thực tế. Ông giải thích rằng ở Trung Quốc hầu hết mọi người không muốn hiến tặng nội tạng, trong văn hóa của họ, hiến tặng cơ thể là điều cấm kỵ.

Kể từ thập niên 80 của thế kỷ trước đến đầu thế kỷ 21, chính quyền Trung Quốc đã luôn tuyên bố nội tạng cấy ghép tại Trung Quốc chủ yếu đến từ người hiến tặng tự nguyện. Nhưng ông Matas cho rằng ở Trung Quốc không có hệ thống phân phối và hiến tặng nội tạng tự nguyện, trong văn hóa Trung Quốc cũng rất kiêng kỵ việc này.

Ông cũng nói chính quyền Trung Quốc đã thay đổi cách nói vào năm 2006 khi cho rằng hầu hết nội tạng được lấy từ các tử tù, nhưng ông không thấy có hồ sơ về các vụ hành quyết liên quan. Ngoài ra, tỷ lệ cao về bệnh viêm gan B ở tử tù khiến đa số nội tạng của họ không thể phù hợp cho việc cấy ghép.

“Vì vậy, chúng tôi đã đi đến kết luận tương tự như kết luật của Ethan, từ 2006 – 2009, hầu hết các nội tạng cấy ghép đến từ các tù nhân lương tâm, chủ yếu là những người tập Pháp Luân Công”, ông Matas nói.

Ông Matas cũng cho biết dù chính quyền Trung Quốc thông báo từ ngày 1/1/2015 sẽ ngừng sử dụng nội tạng phạm nhân tử hình, nhưng không thấy họ ban hành luật nào mới liên quan, tất cả chỉ là quảng bá trên các phương tiện truyền thông.

Như ông Kilgour đã đề cập trước đó, báo cáo cập nhật mới cho thấy có gần 700 trang với 2.400 chú thích, kết luận đưa ra là:

“Không có gì đã thay đổi”. “Ở Trung Quốc, số lượng các ca cấy ghép không thuyên giảm, ngành công nghiệp cấy ghép vẫn tiếp tục phát triển ở mức báo động”, ông nói.

Ông cũng cho biết, Tổ chức Y tế Thế giới (OMS) đã xây dựng bộ quy tắc nhằm đảm bảo tính minh bạch trong điều tiết cấy ghép nội tạng và yêu cầu  áp dụng ở tất cả các nước, nhưng chính quyền Trung Quốc không bao giờ tuân theo những nguyên tắc này.

Vào tháng Hai năm nay, Vatican tổ chức hội nghị liên quan đến cấy ghép nội tạng, một số đại diện của chính phủ Trung Quốc thậm chí đã muốn lợi dụng cơ hội để chứng tỏ Trung Quốc hoàn toàn trong sạch trong vấn đề này.

Iglesias: Tây Ban Nha không thể trở thành đồng lõa

Luật sư Iglesias cũng nói: “Các tín đồ Cơ Đốc, người Tây Tạng, Uighur, người tập Pháp Luân Công bị giam cầm trong các trại cưỡng bức lao động là nạn nhân chính của tội ác mổ cắp nội tạng”.

“Các cơ quan nội tạng của bạn có thể bị lấy đi trên bàn phẫu thuật, bao gồm gan, thận, tim, giác mạc…, kẻ trả tiền sẽ nhận được nó… ngành công nghiệp ghép tạng khổng lồ hình thành trên tội ác”, ông nói thêm.

Luật sư Tây Ban Nha còn cho biết, chính quyền Trung Quốc giả vờ thiết lập “hệ thống ghép tạng tốt đẹp”, thậm chí còn tuyên truyền muốn học theo hệ thống cấy ghép nội tạng Tây Ban Nha, bởi vì hệ thống minh bạch của Tây Ban Nha được thế giới khen ngợi.

“Nhưng theo báo cáo của các nhà điều tra quốc tế độc lập, chính quyền Trung Quốc chưa có một chút thay đổi nào”.

Luật sư Iglesias nói: “Một cơ quan có thể bán được 130.000 USD, họ có thể dễ dàng kiếm được hàng triệu đô la từ tội ác này”.

Iglesia cho biết: “Tại Trung Quốc không có nền chính trị tốt đẹp nhằm bảo đảm nhân quyền, tôn trọng nhân phẩm con người và bảo vệ mạng sống cho con người. Chúng tôi đến đây để thực thi những giá trị này”.

“Có người hỏi, điều này quan hệ gì với Tây Ban Nha? Bạn có nghĩ rằng điều này xa lạ với chúng ta không? Câu trả lời của tôi là, sự lây lan của cái ác chính là khi những người tốt lại chỉ biết giữ im lặng, nhưng Tây Ban Nha không thể là đồng lõa”, luật sư Iglesias kết luận.

>> Mổ cướp nội tạng ở Trung Quốc liên quan gì đến người Việt?

Nạn nhân Chris Zhao

Tại buổi họp báo, cô Chris Zhao đến từ Đại Liên – Trung Quốc kể lại quá trình cô bị bắt và bức hại vì tập luyện Pháp Luân Đại Pháp. Tháng 3/2003, vì cô Zhao tuyệt thực trong trại giam nên bị bức thực.

“Chúng cho một cái ống xuyên từ mũi của tôi vào dạ dày, máu từ mũi và miệng của tôi chảy ra. Thực phẩm cũng trào ra khỏi miệng”, cô nói.

“Cuối cùng, tôi đã ngừng tuyệt thực, nhưng dạ dày của tôi đã bị tổn thương nghiêm trọng. Tôi không thể ăn được nữa, đến một hôm tôi bị bất tỉnh ở trong tù”.

Cô Zhao nói: “Cảnh sát đã đưa tôi đến bệnh viện bên ngoài nhà tù để kiểm tra máu. Sau đó, tôi bị bắt trở lại trại giam, và họ đã điều trị cho tôi trong ba tháng tiếp theo, nhưng tôi không biết họ trị cho tôi bệnh gì”.

Cuối cùng cô bị kết án phải làm việc trong trại cải tạo lao động ba năm, sau khi cơ thể đã bị nguy kịch mới được thả ra. Đến năm 2006, cô đã xin tị nạn chính trị tại Tây Ban Nha.

Cô Zhao chỉ ra, ở Trung Quốc, những người tập Pháp Luân Công có thể sẽ trở thành nạn nhân của tội ác mổ cắp nội tạng bất cứ lúc nào, bởi vì họ đã bị tước đoạt nhân quyền căn bản, trong đó có quyền được hỗ trợ pháp luật.

Tuyết Mai

Xem thêm: