Hôm thứ Hai (1/10), Tòa Thánh Vatican phát đi thông báo cho biết trong tuần này Trung Quốc sẽ lần đầu có hai giám mục tới Rome dự đại hội công giáo. Đây được cho là tín hiệu cụ thể đầu tiên của việc hòa giải giữa Tòa Thánh và chế độ Bắc Kinh sau một thỏa thuận mang tính bước ngoặt giữa Vatican và Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ).

Embed from Getty Images

Trong cuộc họp báo hôm 1/10, Đức Hồng Y Lorenzo Baldisseri cho biết: “Sẽ có hai giám mục từ Trung Quốc Đại Lục. Họ đã nhận được lời mời của Giáo Hoàng. Tôi nghĩ họ đang trên đường tới Rome rồi”.

Đức Hồng Y Baldisseri nói rằng đây là lần đầu tiên chính quyền ĐCSTQ cho phép các linh mục xuất ngoại tới tham dự một đại hội công giáo Vatican – một cuộc họp diễn ra vài năm một lần với các chủ đề mỗi lần là khác nhau.

Theo Reuters, một trong hai giám mục Trung Quốc là Joseph Guo Jincai. Vị này do Giáo hội được chính quyền ĐCSTQ hậu thuẫn thụ phong mà không được sự cho phép của Giáo Hoàng và Vatican đã khai trừ giáo dân này (trong Công giáo gọi là thông công). Nhưng khi thỏa thuận giữa Vatican và Bắc Kinh được ký hôm 22/9, giám mục Joseph Guo Jincai đã được Giáo Hoàng gỡ bỏ thông công và đã được công nhận tính hợp pháp.

Cùng tới Vatican với linh mục Jincai là linh mục John Baptist Yang Xiaoting. Vị linh mục này được thụ phong với sự cho phép của Giáo Hoàng và đã được Vatican công nhận rồi.

Hai vị linh mục Trung Quốc sẽ ở lại Vatican khoảng một tháng để tham dự đại hội công giáo bắt đầu từ thứ Tư (3/10), thảo luận về vai trò của người trẻ trong cộng đồng Giáo hội Công giáo thế giới với khoảng 1,2 tỷ giáo dân.

Đức Hồng Y Baldisseri cho biết: “Trước đây Tòa Thánh đã mời các linh mục từ Trung Quốc Đại Lục, nhưng họ chưa bao giờ có thể tới tham dự”.

Ông Baldisseri cho rằng việc linh mục Trung Quốc được tới Vatican lần này là kết quả của mối quan hệ đã được cải thiện giữa Tòa Thánh và chính quyền ĐCSTQ sau thỏa thuận bước ngoặt hôm 22/9.

Vào này 22/9, Tòa Thánh Vatican đã ký một thỏa thuận với chính quyền cộng sản Trung Quốc, cho phép Vatican phê duyệt giám mục tại Trung Quốc nhưng lại để ĐCSTQ tham gia vào quá trình đề cử nhân sự.

Vatican cho rằng nếu không có thỏa thuận nêu trên, tình trạng chia rẽ trong cộng đồng Công giáo Trung Quốc rất khó có thể hàn gắn. Tuy nhiên, các nhà phê bình nhận định thỏa thuận này là ‘thương vụ’ Tòa Thánh ‘bán đứng’ tín đồ trung thành với họ tại Trung Quốc cho ĐCSTQ.

Hiện nay, khoảng 12 triệu tín đồ Công giáo Trung Quốc đã bị chia rẽ giữa một bên là Giáo hội ngầm thề trung thành với Vatican, không chấp nhận sự kiểm soát của ĐCSTQ và một bên là Hiệp hội Công giáo Yêu nước do chính quyền ĐCSTQ dựng lên và kiểm soát.

Trả lời phỏng vấn Reuters hôm thứ Năm (20/9), Đức Hồng Y Joseph Zen, 76 tuổi, cựu Tổng giám mục Hồng Kông cho biết: “Họ [Vatican] đang đưa những con chiên vào miệng sói. Đó là một sự phản bội đáng kinh ngạc. Những hậu quả sẽ là bi kịch và kéo dài, không chỉ đối với Giáo hội Trung Quốc mà còn với toàn Giáo hội Công giáo [thế giới] vì [thỏa thuận đó] hủy hoại niềm tin”.

Bất chấp những tín hiệu hòa giải giữa Vatican và Bắc Kinh, nhiều người vẫn quan ngại về việc ĐCSTQ không ngừng đàn áp tôn giáo, trong đó có cộng đồng Công giáo, đặc biệt là những tín đồ không quy phục chính quyền.

Theo Reuters, hiện nay chính quyền ĐCSTQ vẫn giam giữ khoảng 12 linh mục và giám mục và chưa biết số phận của họ sẽ ra sao.

Theo AP, hồi đầu tháng Chín vừa qua, Trung Quốc cũng đã cho đóng cửa một nhà thờ lớn tại Bắc Kinh và Hà Nam.

Hôm 10/9, linh mục Ezra Jin Mingri của nhà thờ Zion tại Bắc Kinh đã thông tin với báo giới quốc tế rằng nhà thờ lớn nhất Bắc Kinh này đã bị chính quyền ĐCSTQ cưỡng chế đóng cửa vào ngày 9/9. Linh mục Ezra Jin Mingri cho biết vào khoảng 4:30 chiều ngày 9/9, khoảng 60 nhân viên chính quyền ĐCSTQ đã đến nhà thờ Zion cùng với xe buýt, xe ôtô cảnh sát, xe cứu hỏa.

Theo ông Jin Mingri, giới chức ĐCSTQ tuyên bố những buổi tụ họp tại nhà thờ Zion là bất hợp pháp và đã dán niêm phong tài sản của nhà thờ. Trước đó, nhà chức trách Bắc Kinh cũng đã phong tỏa tài sản cá nhân của linh mục Jin Mingri để ép ông phải tuân theo yêu cầu của họ.

Trước đó, một linh mục của một nhà thờ Công giáo tại thành phố Hà Nam nói với AP rằng nhà cầm quyền ĐCSTQ đã bố ráp nhà thờ của ông hôm 5/9 và đốt nhiều thập tự giá, kinh sách và đồ dùng.

Trong những năm gần đây, tín đồ tôn giáo tại Trung Quốc đang nhận thấy quyền tự do của họ bị suy giảm đáng kể. Ông Bob Fu – thành viên nhóm Cứu trợ Trung Quốc có trụ sở tại Mỹ cung cấp cho AP đoạn video cho thấy hình ảnh về các chồng kinh thánh bị đốt, cũng như hình ảnh về một loạt các giấy tờ tuyên bố rằng những người ký tên trong đó đã từ bỏ đức tin Công giáo của họ.

Ông Bob Fu cho rằng đây là lần đầu tiên kể từ Cánh Mạng Văn Hóa (1966-1976) thời Mao Trạch Đông, những người Công giáo mới phải bị ép tuyên bố từ bỏ đức tin của mình và có nguy cơ bị đuổi khỏi trường học và mất phúc lợi xã hội nếu không ký cam kết.

Yên Sơn

Xem thêm: