Tình hình biển Đông đang nóng lên ngay đầu tháng 9 với hàng loạt những động thái khiêu khích từ phía Trung Quốc. Chế độ Bắc Kinh đang tập trận tại cửa Vịnh Bắc bộ (Việt Nam) từ 29/8, đồng thời họ cũng vừa dỡ bỏ lệnh cấm đánh bắt cá đơn phương tại biển Đông. Theo đó, hàng chục ngàn tàu cá Trung Quốc lại từ đảo Hải Nam tràn vào biển Đông xâm lấn ngư trường của Việt Nam.

Tàu cá Trung Quốc ở biển Đông luôn có tàu hải cảnh đi theo bảo vệ.

Theo tờ Hoa Nam Buổi Sáng (SCMP), chính quyền Trung Quốc đã dỡ bỏ lệnh cấm bắt hải sản ở biển Hoa Đông vào ngày 1/8 và biển Đông từ hôm 16/8. Hôm 1/9, lệnh cấm đánh bắt ở biển Hoàng Hải và Bột Hải, gần với Hàn Quốc cũng được chế độ Bắc Kinh dỡ bỏ.

Tờ Hoàn Cầu Thời Báo, cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc, dẫn lời giới chức tỉnh Hải Nam cho biết khoảng 18.000 tàu đánh cá Trung Quốc của tỉnh này đã tràn xuống biển Đông ngay sau khi kết thúc 108 ngày chính quyền trung ương Trung Quốc cấm khai thác hải sản tại vùng biển này.

Ngư dân Trung Quốc “tự tin ra khơi”

Anh Bao, một ngư dân Trung Quốc của tỉnh Hải Ham, trao đổi với báo giới rằng ngay sau khi lệnh cấm đánh bắt được dỡ bỏ vào ngày 16/8,  các ngư thuyền của tỉnh Hải Nam lập tức rời cảng tràn xuống biển Đông.

Anh Bao nói: “Chúng tôi đã ở đó nhiều năm rồi và không có lý do gì mà chúng tôi không nên đi”.

Ngư dân rất tự tin ra khơi và lý giải rằng: “Không có gì phải lo lắng về các xung đột với các quốc gia khác cả vì chúng tôi đã có các tàu của chính phủ bảo vệ”. Tàu của chính phủ mà anh Bao đề cập chính là các đội tàu Cảnh sát biển của Trung Quốc luôn theo sát để bảo vệ ngư dân của họ ở các ngư trường có tranh chấp với nước ngoài.

Tờ SCMP đánh giá rằng thực chất Trung Quốc vẫn luôn dùng ngư dân là mũi tiên phong trong việc gây hấn với các quốc gia láng giếng như Việt Nam hay Phillippines trên biển Đông để giành quyền kiểm soát các rạn san hô và bãi đá trên tuyến hàng hải chiến lược này.

Tàu Trung Quốc xua đuổi ngư dân Philippines

Cùng với thời điểm Trung Quốc dỡ bỏ lệnh cấm đánh bắt hải sản trên biển Đông, Nghị sĩ Philippines, ông  Alejano đã cáo buộc rằng một tàu đánh cá của ngư dân nước này ở gần đảo Thị Tứ, thuộc quần đảo Trường Sa đã bị một tàu của Trung Quốc ép phải rời khu vực này. Philippines là nước đang kiểm soát đảo Thị Tứ, trong khi Việt Nam và Đài Loan cũng tuyên bố chủ quyền tại hòn đảo này.

Trích dẫn nguồn tin từ quân đội Philippines, ông Alejano nói các tàu đánh cá của Trung Quốc và một tàu hải cảnh, cùng hai tàu của Hải quân Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc đã và đang hoạt động ở vùng biển này trong nhiều ngày. Ông Alejano cho rằng đây là động thái “rất đáng báo động”.

Ông Alejano nói: “Trung Quốc có lịch sử chiếm đóng trái phép các đảo và quấy nhiễu ngư dân Philippines”.

Hình ảnh vệ tinh từ cơ quan Sáng kiến Minh bạch Hàng hải Châu Á thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế ở Washington cho thấy có 9 tàu đánh cá của Trung Quốc và hai tàu hải cảnh của nước này ở gần đảo Thị Tứ vào ngày 13/8.

Nhật Bản tăng cường tuần tra biển

Trước thông tin Trung Quốc dỡ bỏ lệnh cấm đánh bắt hải sản trên biển Đông từ 16/8, theo đó mở đường cho hàng vạn tàu cá Trung Quốc xâm nhập ngư trường truyền thống của ngư dân Việt Nam, Bộ Ngoại giao Việt Nam hiện tại vẫn chưa có bất kỳ phát ngôn chính thức nào.

Trên website chính thức của Bộ Ngoại giao Việt Nam, phần thông tin cho báo chí mới chỉ có phát ngôn gần nhất của bà Lê Thị Thu Hằng hôm 31/8 nêu “quan ngại” về việc Trung Quốc tập trận ở cửa Vịnh Bắc bộ từ 29/8 tới 4/9.

Trong khi đó, Nhật Bản cũng đang phải đối mặt với hàng trăm tàu cá Trung Quốc tràn từ tỉnh Chiết Giang xuống biển Hoa Đông từ 1/8.

Chính phủ Nhật Bản đã yêu cầu các tàu cảnh sát biển tăng cường tuần tra để theo dõi sát động thái của các tàu đánh cá và tàu tuần tra của Trung Quốc gần đảo Senkakus ngay sau khi lệnh cấm đánh bắt được chính quyền Trung Quốc dỡ bỏ.

Năm ngoái, khoảng 200-300 tàu cá Trung Quốc, được hộ tống bởi tàu hải cảnh, đã đi vào khu vực 12 hải lý xung quanh đảo Senkakus. Chính quyền Tokyo đã cho triệu tập đại sứ Trung Quốc để phản đối hành động này.

Xuân Thành

Xem thêm: