Hôm 28/7, Liên minh châu Âu đã quyết định hạn chế xuất khẩu thiết bị có thể được dùng để đàn áp tại Hồng Kông, gần một tháng sau khi chính phủ Trung Quốc áp đặt Luật An ninh quốc gia hà khắc lên vùng đất thuộc địa cũ của Anh.

Người biểu tình Hồng Kông mang theo cờ Anh Quốc.
Người biểu tình Hồng Kông mang theo cờ Anh Quốc. (Ảnh: Fred Marie/ShutterStock)

Các ngoại trưởng EU đã bày tỏ “sự quan ngại nghiêm trọng” đối với Luật An ninh quốc gia và thể hiện tình đoàn kết với người dân Hồng Kông.

Luật An ninh quốc gia mà Trung Quốc áp đặt lên Hồng Kông cho phép hình sự hóa các cá nhân vì các hành vi lật đổ, ly khai, và thông đồng với các lực lượng nước ngoài chống lại chế độ ĐCSTQ, với mức án tối đa là tù chung thân.

“Các hành động của Trung Quốc và Luật An ninh mới không phù hợp với các cam kết quốc tế của Trung Quốc theo Tuyên bố chung Trung-Anh năm 1984 hoặc theo Luật Cơ bản của Hồng Kông,” các Bộ trưởng cho biết trong một tuyên bố.

“Những hành động này làm dấy lên nghi ngại về việc Trung Quốc có tuân thủ các cam kết quốc tế của họ hay không, cũng như phá hoại sự tin tưởng và ảnh hưởng đến mối quan hệ EU-Trung Quốc,” các Bộ trưởng nói thêm.

Nhằm đáp trả Luật An ninh, EU cho biết sẽ hạn chế thêm việc xuất khẩu các thiết bị và công nghệ nhạy cảm để sử dụng tại Hồng Kông, đặc biệt có các cơ sở để nghi ngờ việc sử dụng chúng theo cách không mong muốn liên quan đến đàn áp nội bộ, ngăn chặn thông tin liên lạc nội bộ hoặc giám sát mạng.

EU cũng sẽ xem xét nới lỏng các quy định thị thực cho cư dân Hồng Kông, đánh giá lại các thủ tục dẫn độ của các quốc gia thành viên, và tăng cường sự tham gia vào xã hội dân sự tại Hồng Kông, tuyên bố cho biết.

EU lên kế hoạch phản ứng “toàn diện” với Luật An ninh Hồng Kông

Bình luận về tuyên bố của các ngoại trưởng EU, ông Josep Borrell Fontelles, cao ủy phụ trách đối ngoại EU, đã viết trên Twitter: “Một thông điệp rõ ràng thể hiện tình đoàn kết với người dân Hồng Kông và sự ủng hộ đối với quyền tự trị của họ theo nguyên tắc ‘Một quốc gia, hai chế độ’”.

Bộ trưởng Ngoại giao Đức Heiko Maas, hiện đang chủ trì các cuộc họp thường kỳ của các ngoại trưởng EU, cũng hoan nghênh các biện pháp mới này.

“Chúng tôi đã bắt đầu thực hiện những bước đi đầu tiên ngay khi Đức quan ngại,” ông nói trong một tuyên bố.

Ngoài việc dừng xuất khẩu thiết bị quân sự và “các hàng hóa sử dụng kép” cho Hồng Kông, Đức cũng sẽ “đối xử với Hồng Kông giống như phần còn lại của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa.”

Phản ứng của EU đối với tình hình tại Hồng Kông cho đến nay vẫn được cho là nhẹ hơn nhiều so với Hoa Kỳ, Anh, và Úc.

Hôm 30/6, chính quyền TT Trump đã chấm dứt tình trạng giao thương đặc biệt của Hồng Kông và dừng xuất khẩu thiết bị quốc phòng cho Hồng Kông.

Ngày 14/7, Tổng thống Trump đã ký thành luật dự luật áp đặt các lệnh trừng phạt đối với các quan chức và các thực thể Trung Quốc chịu trách nhiệm về việc phá hủy các quyền tự do của Hồng Kông, cũng như các ngân hàng làm ăn với họ.

Hôm 1/7, Anh thông báo họ sẽ mở rộng quyền nhập cư cho khoảng 3 triệu cư dân Hồng Kông đang có hộ chiếu ở nước ngoài của Anh. Úc cũng đang xem xét cấp thị thực nhân đạo chuyên biệt dành cho cư dân Hồng Kông.

Canada, Úc, Hoa Kỳ, Anh và New Zealand đã đình chỉ các hiệp ước dẫn độ của họ với Hồng Kông để phản ứng Luật An ninh này.

Các ngoại trưởng EU cho biết khối này sẽ xem xét lại ảnh hưởng của gói phản ứng của họ trước cuối năm nay.

Alexander Zhang (theo The Epoch Times)

Ngân Hà biên dịch

Xem thêm: