Các nhà lãnh đạo Liên minh Châu Âu (EU) hôm thứ Năm (12/12) đã họp tại Brussels đồng ý gia hạn các chế tài kinh tế chính áp đặt lên Nga thêm sáu tháng, kết thúc vào tháng 7/2020, theo Reuters đưa tin.

Embed from Getty Images

Quyết định nêu trên của EU đến sau khi lãnh đạo cấp cao Nga và Ukraine họp tại Paris để tìm giải pháp kết thúc xung đột tại đông Ukraine.

Được biết, các biện pháp trừng phạt mà EU vừa gia hạn đã được khối này áp đặt lên Nga từ năm 2014 sau khi Moscow xâm lược bán đảo Crimea của Ukraine và hậu thuẫn cuộc nổi dậy của các phần tử ly khai tại đông Ukraine. Các chế tài này sẽ hết hạn vào tháng 1/2020 và bây giờ sẽ được EU gia hạn tới tháng 7/2020.

Các nhà lãnh đạo EU đã thông qua việc kéo dài các lệnh trừng phạt Nga,” Barend Leyts, phát ngôn viên của Chủ tịch Hội đồng Châu Âu Charles Michel viết trên Twitter.

Các chế tài của EU đang áp lên Nga nhắm vào các ngành kinh tế trọng yếu của nước này như năng lượng, tài chính và vũ khí. EU đã từng tuyên bố rằng các biện pháp chế tài sẽ chỉ được nới lỏng nếu hiệp định ngừng bắn Minsk mà Moscow và Kyiv ký năm 2015 được thực thi đầy đủ.

Hiệp định ngừng bắn Minsk 2015 kêu gọi các bên rút pháo hạng nặng khỏi tiền tuyến, Ukraine kiểm soát biên giới của họ, mở rộng quyền tự trị và tổ chức các cuộc bầu cử địa phương tại khu vực Donbass, miền đông Ukraine.

Theo Reuters, Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Ukraine Volodymyr Zelensky đã gặp mặt trực tiếp tại hội nghị thượng đỉnh Nga – Ukraine tổ chức tại Paris vào đầu tuần này.

Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đóng vai trò trung gian hòa giải trong cuộc gặp Putin-Zelensky tại Paris lần này. Đây là cuộc họp thượng đỉnh cấp cao Nga – Ukraine về xung đột Ukraine lần đầu tiên trong vòng ba năm qua và là một phần nỗ lực của hai nước láng giềng nhằm khôi phục lại thỏa thuận Minsk.

Hai nhà lãnh đạo đã đồng ý thực thi ngừng bắn hoàn toàn và trao đổi tất cả tù binh bắt giữ trong cuộc xung đột đông Ukraine vào cuối năm nay. Tuy nhiên, ông Putin và ông Zelensky chưa giải quyết các vấn đề quan trọng khác, vẫn để lại những câu hỏi hóc búa về tình trạng khu vực này cho các cuộc đàm phán trong tương lai.

Xuân Thành

Xem thêm: