Hôm 17/10, Ủy Ban Châu Âu nhất trí đệ trình lên Hội đồng Châu Âu Hiệp định Tự do Mậu dịch Liên minh Châu Âu – Việt Nam (EVFTA), đây là thỏa thuận thị trường mở đầu tiên của khối này với Việt Nam, theo Reuters.

Theo dự trù, Hiệp định tự do mậu dịch EU – Việt Nam sẽ xóa bỏ 99% thuế quan hàng hóa giữa hai bên, thúc đẩy hơn nữa trao đổi mậu dịch, hiện ở mức 50 tỷ euro mỗi năm. Tuy nhiên, một số mức thuế được sẽ được duy trì trong một khoảng thời gian sau khi kí hiệp định và một số sản phẩm, đặc biệt là các sản phẩm nông nghiệp, sẽ bị giới hạn bởi hạn ngạch.

Cùng ngày Ủy Ban Châu Âu cũng đã đề nghị việc ký kết Hiệp định Bảo hộ Đầu tư Liên minh Châu Âu – Việt Nam (IPA), theo RFI.

Embed from Getty Images

Bà Cecilia Malmstrom, người phụ trách thương mại của EU

Theo tiến trình cụ thể, EVFTA sẽ được đệ trình lên Hội Đồng Châu Âu để đề nghị Hội Đồng chấp thuận cho ký kết chính thức, dự kiến vào cuối năm 2018. Bước tiếp theo, hiệp định này sẽ được trình lên Nghị Viện Châu Âu xem xét, dự kiến vào đầu năm 2019. Nếu tiếp tục được phê chuẩn, EVFTA sẽ được đưa vào thực thi.

Theo đó, hiệp định tự do thương mại với Việt Nam sẽ cần sự chấp thuận của 28 thành viên EU và của Nghị viện Châu Âu. Theo AFP, các bên đã nhất trí về một thỏa thuận liên quan để thúc đẩy dân chủ và nhân quyền, bao gồm các cam kết, đối thoại và quy chế chế tài. Trưởng phụ trách thương mại EU Cecilia Malmstrom nói không ai phủ nhận có những vấn đề nhân quyền ở Việt Nam.

“Chúng tôi đang bàn về chuyện này một công khai với những người đương nhiệm phía Việt Nam. Thỏa thuận thương mại sẽ không làm cho Việt Nam bỗng chốc trở thành một nền dân chủ. Nó là một công cụ trong hộp công cụ mà chúng tôi có trong quan hệ với Việt Nam và các nước khác,” bà Malmstrom nói trong một cuộc họp báo được AFP dẫn lời.

Đây là hiệp định tự do mậu dịch đầu tiên mà Liên minh Châu Âu ký với một nước đang phát triển ở châu Á. Hôm nay, 18/10, EU sẽ ký một hiệp định tự do mậu dịch với Singapore, và khối này cũng đang thương lượng một hiệp định thương mại tự do tương tự với Indonesia.

Vấn đề là theo hãng tin Reuters, không chắc là các nghị sĩ châu Âu, dự kiến sẽ tranh luận và biểu quyết về thỏa thuận với Singapore cũng như thỏa thuận thương mại tự do EU-Nhật Bản, sẽ có đủ thời gian để thông qua thỏa thuận với Việt Nam trước cuộc bầu cử EU vào tháng 5.

Đức Trí (T/h)

Xem thêm: