Truyền thông Mỹ đưa tin, hôm 4/4 đã có đụng độ xảy ra tại thủ đô Venezuela giữa những người biểu tình chống chính phủ và lực lượng an ninh của Tổng thống Nicolas Maduro.

Sự kiện này diễn ra do có áp lực cả trong và ngoài nước buộc Tổng thống Nicolas Maduro nhanh chóng khôi phục các quy chuẩn dân chủ và làm dịu đi  cuộc khủng hoảng chính trị và nhân đạo vốn đã kéo dài nhiều năm qua.

Những người biểu tình, được khuyến khích bởi nghị quyết mới nhất của Tổ chức các nước châu Mỹ (OAS) đưa ra đêm thứ Hai yêu cầu Venezuela cải cách chính phủ, đã tuần hành hướng tới Tòa nhà Quốc Hội tại thủ đô Caracas. Họ đã gặp phải sự ngăn cản của lực lượng cảnh sát chống bạo động sử dụng hơi cay, khí gas và vòi rồng phun nước. Các nhân chứng nói với hãng tin Reuters rằng lãnh đạo Quốc Hội Julio Borges và Lilian Tintori – vợ của tù nhân chính trị nổi tiếng Leopoldo Lopez cũng nằm trong đám đông bị xịt hơi cay.

Những người biểu tình đã xuống đường để bầy tỏ sự ủng hộ cho phiên thảo luận đã được Quốc Hội do phe đối lập kiểm soát lên lịch diễn ra vào thứ Ba bàn về việc cách chức các thẩm phán của Tòa án tối cao.  Vào đêm thứ Tư tuần trước, các thẩm phán này đã thông báo họ đã quyết định vô hiệu hóa Quốc hội– một phán quyết mà một số nhà phê bình mô tả chẳng khác nào cấp giấy phép cho chế độ độc tài Maduro. Các chính phủ Hoa Kỳ, Brazil, Argentina, Colombia và Peru đều phản đối phán quyết này.

Sau đó vào hôm thứ Bảy, tòa án Venezuela đã hủy bỏ quyết định đó – tuy nhiên, theo Reuters cho biết, nó đã giữ nguyên quyền mới cho phép tổng thống được đàm phán các thỏa thuận dầu mỏ mà không cần sự chấp thuận của Quốc hội.

Ngày giận giữ

Những người biểu tình, gồm cả ủng hộ lẫn chống chính phủ, đều đã kéo xuống đường phố Caracas kể từ sau quyết định của Tòa án Tối cao thứ Bảy tuần trước.

Theo tin từ Reuters, những người ủng hộ Maduro sống trong một khu dự án nhà ở chính phủ cấp đã ném rác vào những người biểu tình diễu hành dọc theo đại lộ Caracas. Hãng tin này cũng trích dẫn lời của một người biểu tình ủng hộ phe đối lập, Bernardo Sanchez nói rằng các băng nhóm ủng hộ chính phủ có mang theo súng và “bắt đầu bắn chỉ thiên đe dọa”. Sanchez nói anh đã bị bắn vào đùi.

Cuộc đụng độ vào sáng thứ Ba xảy ra chỉ vài giờ sau khi OAS, tại phiên họp khẩn cấp tại Washington đêm thứ Hai, thông qua một nghị quyết lên án quyết định của Toà án Tối cao Venezuela là vi hiến và “không phù hợp với hoạt động dân chủ”.

Nghị quyết của Hội đồng Thường trực OAS kêu gọi chính phủ do đảng Xã hội chủ nghĩa của Maduro lãnh đạo cần hợp tác trong các cuộc đàm phán trong khu vực và tôn trọng phân chia quyền lực. Nó kêu gọi phục hồi các chuẩn mực dân chủ, lên kế hoạch cho các cuộc bầu cử địa phương đã bị trì hoãn trong thời gian dài, thả tù nhân chính trị và cho phép viện trợ nhân đạo. Đặc biệt là kể từ khi giá dầu mỏ bắt đầu hạ xuống thấp cách đây hai năm, quốc gia giàu dầu mỏ này chìm trọng tội phạm, khủng hoảng thiếu lương thực và các nhu yếu phẩm cơ bản.

Trong số 34 quốc gia thành viên của OAS, có 21 đại diện tham dự cuộc họp đêm thứ Hai. Mười bảy nước ủng hộ tuyên bố và bốn nước bỏ phiếu trắng gồm: Bahamas, Belize, Cộng hòa Dominican và El Salvador. Venezuela đã lên án nghị quyết này của OAS.

Trong một thông điệp phát sóng trên truyền hình Venezuela vào tối thứ Hai, Maduro đã phản đối OAS, nói rằng tổ chức này “dự định sẽ trở thành một tòa án điều tra, can thiệp vào tình hình nội bộ của Venezuela.”

Chúng tôi bác bỏ và khước từ tuân thủ nghị quyết vô lý của OAS.” Maduro nói thêm. Vị tổng thống Venezuela đương nhiệm này, người đã được bầu giữ chức vụ này sau cái chết của Hugo Chavez đầu năm 2013, đã buộc tội “đế quốc” Mỹ cấu kết với các đảng đối lập hòng lật đổ ông.

Có thể đưa vụ việc này ra tòa án hình sự quốc tế Hague?

Hôm thứ Ba, một nhà lập pháp phe đối lập nói rằng nếu Maduro không nhanh chóng đáp ứng nghị quyết của OAS, các nhà phê bình ông sẽ đưa vấn đề này ra Toà án Hình sự Quốc tế có trụ sở ở The Hague (Hà Lan).

Williams Dávila Barrio, một thành viên của Quốc Hội nói trong một cuộc phỏng vấn tại Đài tiếng nói Hoa Kỳ (VOA) có trụ sở tại Washington, rằng: “Chính Maduro là người năm giữ chìa khoá để mở nút thắt và giải quyết vấn đề, trong đó có các biện pháp như kêu gọi tổ chức bầu cử, thả tù nhân chính trị, thiết lập một kênh cứu trợ nhân đạo.”

Dávila cho biết đây là điều “rất quan trọng” khi lần đầu tiên OAS đưa ra nghị quyết giải quyết xung đột ở một nước thành viên và tổ chức này kỳ vọng Maduro và chính phủ của ông sẽ làm việc cùng với mình trong việc giải quyết các vấn đề cấp bách hiện nay tại Venezuela.

Nếu không, “bạn phải đưa ông ta ra tòa” – Toà án Quốc tế tại Hague, ông Dávila nói như vậy về tổng thống Venezuela. Ông nói thêm rằng các đối thủ đang chuẩn bị hồ sơ chống lại Maduro, với “nhiều hồ sơ, nhiều tố cáo, nhiều cáo buộc. Tôi tin rằng tất cả điều đó đủ để buộc tội ông ấy vi phạm luật hình sự quốc tế, luật nhân đạo quốc tế”.

“Cột mốc” lịch sử của Venezuela

Giống như OAS, khối thương mại tự do khu vực Nam Mỹ Mercosur hôm thứ Bảy cũng đưa ra một tuyên bố kêu gọi Venezuela phải thực hiện “các biện pháp ngay lập tức” để khôi phục lại sự phân tách quyền lực của chính phủ.

María Corina Machado, một nhà lãnh đạo phe đối lập và cựu thành viên của Quốc Hội, mô tả các sự kiện đang diễn ra là “vô cùng quan trọng.”

Phát biểu tại Caracas, bà nói rằng: “Những gì đã xảy ra trong tuần này tại Mercosur, những gì đã xảy ra hôm qua tại OAS là một cột mốc quan trọng trong lịch sử Venezuela, trong cuộc chiến chống độc tài.”

Tuần trước, thành viên Quốc Hội thân chính phủ, Eustoquio Contreras thừa nhận trong một cuộc phỏng vấn với VOA phiên bản tiếng Tây Ban Nha rằng Venezuela phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng. Nhưng, ông đổ lỗi một phần  nguyên nhân là do sự không khoan dung chính trị.

Ông Maduro là một người đàn ông có thiện chí đang cố gắng hết sức để giải quyết các vấn đề.” Eustoquio lập luận.

Tân Bình

Xem thêm: