Bộ trưởng ngoại giao Đức Sigmar Gabriel hôm thứ Bảy (14/10) đã phát đi tuyên bố nói rằng nếu Hoa Kỳ kết thúc thỏa thuận hạt nhân Iran hoặc tái áp đặt chế tài lên Tehran, điều đó có thể dẫn tới việc nước cộng hòa Hồi giáo sẽ lại phát triển vũ khí hạt nhân và gia tăng nguy cơ về một cuộc chiến tranh gần Châu Âu.

Embed from Getty Images

Bộ trưởng Ngoại giao Đức Sigmar Gabriel phát biểu trong một buổi họp báo tại Berlin, Đức hôm 9/10/2017.

Reuters dẫn lời Bộ trưởng Ngoại giao Đức Sigmar Gabriel nói trên kênh phát thanh Deutschlandfunk rằng ông Trump đã gửi đi “một dấu hiệu khó khăn và nguy hiểm” khi lúc này chính quyền Mỹ vẫn đang phải giải quyết vấn đề khủng hoảng hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên.

Mối quan ngại lớn của tôi là những gì đang xảy ra ở Iran hoặc với Iran theo quan điểm của Mỹ, sẽ không phải là vấn đề của chỉ riêng Iran, mà còn nhiều nước khác trên thế giới sẽ cân nhắc liệu họ có nên trang bị vũ khí hạt nhân hay không vì những thỏa thuận dạng như vậy đang bị phá hủy”, Reuters dẫn lời ông Gabriel.

Ngoại trưởng Đức nhấn mạnh thêm rằng: “Và sau đó con cái và cháu chắt của chúng ta sẽ lớn lên trong một thế giới rất nguy hiểm”.

Ông Gabriel cho biết nếu Hoa Kỳ kết thúc thỏa thuận hoặc tái áp đặt chế tài lên Tehran, điều đó sẽ cho phép những người Iran cứng rắn, luôn chống lại các cuộc đàm phán với phương Tây ở thế cửa trên.

Sau đó [Tehran] có thể nối lại việc phát triển các vũ khí hạt nhân”, ông Gabriel cảnh báo và nói thêm rằng viễn cảnh đó xảy ra, Israel sẽ không dung thứ, và dẫn tới việc “chúng ta sẽ lại quay trở về thời điểm của 10, 12 năm trước với nguy cơ cuộc chiến tranh khá gần Châu Âu”.

Nhìn chung, Bộ trưởng Ngoại giao Đức rất lo lắng về động thái mới nhất của Mỹ với Iran và thúc giục Hoa Kỳ không nên gây nguy hiểm cho an ninh của các đồng minh và nhân dân của chính đất nước mình vì các lý do chính sách trong nước.

Những cảnh báo của ông Gabriel được đưa ra chỉ một ngày sau khi Tổng thống Donald Trump hôm thứ Sáu (13/10) đã chính thức từ chối phê duyệt việc Iran đang tuân thủ Thỏa thuận hạt nhân 2015, bất chập các giám sát viên quốc tế nói rằng Tehran vẫn đang thực thi tốt thỏa thuận.

Với động thái này, ông Trump đã “đá quả bóng” Iran sang Quốc hội giải quyết. Cơ quan lập pháp Hoa Kỳ sẽ có 60 ngày để quyết định xem liệu có nên tái áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế với Iran, những chế tài vừa được Mỹ dở bỏ năm 2016 theo thỏa thuận 2015.

Thỏa thuận hạt nhân 2015 được cựu Tổng thống Barack Obama rất hoan nghênh và cho rằng đó là chìa khóa để ngăn chặn Iran phát triển bom hạt nhân. Đây là thỏa thuận đa phương với sự tham gia của Iran, Hoa Kỳ, Trung Quốc, Pháp, Nga, Anh, Đức và Liên minh Châu Âu.

Các đồng minh châu Âu của Mỹ đều không đồng tình với quyết định của ông Trump và đưa ra cảnh báo rằng Washington đang tự đặt mình xa lánh các đồng minh và làm suy giảm uy tín của chính họ trên trường quốc tế.

Yên Sơn

Xem thêm: