Sau khi Bộ Công thương yêu cầu Thương vụ Việt Nam tại Chile giải trình, báo cáo về phản ánh “vây cá mập phơi trên mái nhà Thương vụ Việt Nam”, ĐSQ Việt Nam tại Chile đã cho biết cán bộ thương vụ mua vây cá mập ở chợ dân sinh để sử dụng trong gia đình.

Trước đó, ngày 19/1, tờ báo Elmostrador của Chile đã đăng tải nhiều hình ảnh về hơn 100 vây cá mập được phơi trên mái nhà một văn phòng thương mại ở địa chỉ Avenida Eliodoro Yáñez 2897, Providencia, thành phố Santiago de Chile. Đây là địa chỉ của Văn phòng Thương mại, ĐSQ Việt Nam.

vay ca map chile
Vây cá mập được phát hiện trên nóc nhà Đại sứ quán VN ở Chile (Ảnh: Elmostrador)

Sự việc đã gây phẫn nộ trong cộng đồng khoa học tại Chile, đặc biệt khi được phát hiện đúng vào lúc một hội nghị khoa học đang diễn ra tại Nam Mỹ, thảo luận về hiểm hoạ diệt chủng của cá mập.

Trước câu hỏi của dư luận và phóng viên báo chí, Đại sứ quán Việt Nam tại Chile cho biết: “Văn phòng Thương vụ Việt Nam báo cáo số vây cá mập trên được thân nhân của một cán bộ thuộc văn phòng mua tại chợ dân sinh ở trung tâm thủ đô Santiago de Chile để sử dụng trong gia đình”.

Tuy nhiên, Chile đã ra luật cấm đánh bắt cá mập để chặt lấy vây từ năm 2011. Do đó, việc mua được vây cá mập trưởng thành còn tươi với số lượng lớn như vậy ngay tại chợ dân sinh ở giữa thủ đô đã đặt ra  nghi vấn về nguồn gốc xuất xứ và còn cần được làm rõ.

Đây không phải là lần đầu tiên sự việc bê bối liên quan đến các viên chức ngoại giao Việt Nam ở nước ngoài được công bố.

Năm 1994, báo chí Mỹ loan tin ông Lê Văn Bàng, Đại sứ Việt Nam tại LHQ bắt sò trái phép ở New York. Năm 2006, ông Nguyễn Khánh Toàn, Tuỳ viên thương mại của ĐSQ Việt Nam ở Nam Phi đã bị bắt quả tang khi tìm cách đưa 9kg sừng tê giác ra khỏi Nam Phi. Hai năm sau, vào cuối năm 2008, báo chí Nam Phi cũng đã công bố loạt bài điều tra về bà Vũ Mộc Anh – Bí thư thứ nhất, ĐSQ Việt Nam ở Nam Phi liên quan đến việc buôn lậu sừng tê giác.

Luật Cơ quan đại diện nước CHXHCN Việt Nam ở nước ngoài (2009) quy định:

Điều 21. Trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan đại diện

1. Chỉ đạo, tổ chức thực hiện chức năng, nhiệm vụ của cơ quan đại diện và chịu trách nhiệm trước Chủ tịch nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao về việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ đó; chỉ đạo xây dựng và thực hiện chương trình, kế hoạch công tác của cơ quan đại diện.

2. Phân công, bố trí công việc của thành viên cơ quan đại diện phù hợp với quyết định bổ nhiệm của Bộ trưởng Bộ Ngoại giao và yêu cầu công tác của cơ quan đại diện; phối hợp với cơ quan hữu quan chỉ đạo công tác đối với cán bộ biệt phái; tổ chức thực hiện và kiểm tra việc thực hiện chế độ, chính sách đối với thành viên cơ quan đại diện; quản lý kỷ luật lao động và đánh giá thành viên cơ quan đại diện; khen thưởng, kỷ luật theo thẩm quyền hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền khen thưởng, kỷ luật; giải quyết khiếu nại, tố cáo theo quy định của pháp luật.

3. Tham gia tổ chức hoạt động của đoàn cấp cao Việt Nam sang thăm và làm việc tại quốc gia, tổ chức quốc tế tiếp nhận.

4. Chịu trách nhiệm về việc quản lý, sử dụng hợp lý, tiết kiệm kinh phí và cơ sở vật chất của cơ quan đại diện theo quy định của pháp luật.

5. Tổ chức sơ kết, tổng kết và trực tiếp báo cáo với cơ quan có thẩm quyền về hoạt động của cơ quan đại diện; kiến nghị Bộ trưởng Bộ Ngoại giao biện pháp hoàn thiện tổ chức bộ máy, biên chế và chế độ, chính sách đối với cơ quan đại diện.

6. Trong trường hợp khẩn cấp, có quyền quyết định biện pháp cần thiết để bảo vệ tính mạng, sức khỏe, tài sản của thành viên cơ quan đại diện và gia đình, tài liệu và tài sản của cơ quan đại diện, đồng thời báo cáo ngay Bộ trưởng Bộ Ngoại giao.

7. Trong trường hợp đặc biệt, quyết định đưa về nước thành viên cơ quan đại diện không hoàn thành nhiệm vụ hoặc có hành vi gây hậu quả nghiêm trọng đến an ninh quốc gia, quan hệ với quốc gia, tổ chức quốc tế tiếp nhận, đồng thời báo cáo ngay Bộ trưởng Bộ Ngoại giao.

8. Thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn khác theo quy định của pháp luật.

Điều 24. Trách nhiệm của thành viên cơ quan đại diện

1. Tuân thủ pháp luật Việt Nam, thực hiện các quy định của Bộ Ngoại giao và của cơ quan đại diện; bảo vệ và đề cao hình ảnh, uy tín, danh dự và lợi ích của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tại quốc gia, tổ chức quốc tế tiếp nhận.

2. Tôn trọng pháp luật và phong tục tập quán của quốc gia tiếp nhận; tích cực góp phần tăng cường quan hệ hữu nghị hợp tác giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và quốc gia, tổ chức quốc tế tiếp nhận.

3. Chấp hành sự chỉ đạo và điều hành của người đứng đầu cơ quan đại diện; báo cáo và chịu trách nhiệm trước người đứng đầu cơ quan đại diện về việc thực hiện nhiệm vụ được giao.

4. Bảo vệ bí mật nhà nước.

5. Không được lạm dụng quyền ưu đãi, miễn trừ vì lợi ích cá nhân, làm ảnh hưởng đến danh dự, uy tín của nước CHXHCN Việt Nam và cơ quan đại diện. Trong thời gian công tác tại cơ quan đại diện, không được tiến hành hoạt động nghề nghiệp nhằm mục đích thu lợi riêng.

Tuấn Minh

Xem thêm: