Ngày 12/12, Ngoại trưởng Mỹ Tillerson tiết lộ, Mỹ và Trung Quốc đã cùng trao đổi chuẩn bị trong tình hình bán đảo Triều Tiên có thể xảy ra biến động.

Secretary Tillerson Delivers Remarks at the Arctic Council 20th Anniversary Welcome Reception in Fairbanks 33778139953
(Ảnh: Wikipedia)

Ngoại trưởng Mỹ, Tillerson đưa ra tuyên bố trên vào chiều ngày 12/12 tại Diễn đàn Đối tác Mỹ – Hàn lần thứ nhất. Ông cho biết Mỹ đã chuẩn bị một loạt các phương án hành động quân sự để đối phó với những thất bại của các nỗ lực ngoại giao; và Trung Quốc cũng đang áp dụng các biện pháp chuẩn bị tương ứng. Mỹ cho biết, nếu chính quyền Bắc Triều Tiên sụp đổ hoặc có biến động lớn, Mỹ sẽ gửi quân đến bán đảo này, sau khi hóa giải an toàn nguy cơ hạt nhân, Mỹ sẽ rút trở về phía nam giới tuyến 38.

Ông Tillerson còn công khai cho biết, chính phủ Mỹ sẽ không áp đặt bất kỳ điều kiện tiên quyết nào trong đối thoại với Bắc Triều Tiên, nhưng điều đó không có nghĩa là Mỹ sẽ từ bỏ lựa chọn dùng vũ lực để giải quyết vấn đề.

Tuyên bố của ông Tillerson đã khiến dư luận quan tâm, liệu chiến tranh trên bán đảo Triều Tiên có xảy ra không, một số chuyên gia Trung Quốc đã bày tỏ quan điểm về vấn đề này.

Quan điểm của các chuyên gia không nhất quán

Ông Trần Bình (Chen Ping), cựu Chủ tịch Tập đoàn truyền thông Dương Quang (Sunshine Media Group) chia sẻ với Epoch Times rằng, cuộc chiến này là có thể nổ ra, về mặt logic, vấn đề hạt nhân của Bắc Triều Tiên chắc chắn được giải quyết. Giờ đây Mỹ buộc phải thông qua chiến tranh để giải thể chính quyền Kim Jong-un, nếu không vấn đề này sẽ mãi kéo dài.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia khác lại tin rằng chiến tranh là khó xảy ra, giáo sư Trịnh Vũ Thạc (Joseph Cheng) thuộc Khoa Chính trị Đại học Thành phố Hồng Kông (City University of Hong Kong) theo quan điểm này, ông nói với The Epoch Times rằng “xác suất chiến tranh tại bán đảo Triều Tiên là rất thấp.”

Ông phân tích, Tổng thống Trump nói rất nhiều về vấn đề dùng vũ lực chống lại Bắc Triều Tiên, nhưng cho đến nay không có hành động cụ thể nào, “lý do quan trọng nhất là nếu dùng vũ lực thì những rủi ro và chi phí bỏ ra rất cao, điều này là rõ ràng”.

Nhà bình luận chính trị Hồ Bình (Hu Ping) sống tại Mỹ cũng nhận định khả năng xảy ra chiến tranh là không cao: “Ông ấy gây áp lực lên Bắc Triều Tiên, đưa ra hàng loạt biện pháp chuẩn bị, nhưng đồng thời lại muốn đàm phán, có thể thấy Trump chỉ hy vọng dùng áp lực để Bắc Triều Tiên nhượng bộ.”

Hậu quả khó lường nếu hành động quân sự

Nhiều chuyên gia trả lời phỏng vấn cho rằng, những hậu quả khó lường nếu có hành động quân sự là nguyên nhân chính khiến chiến tranh khó xảy ra.

Chia sẻ với Epoch Times, giáo sư Phùng Tôn Nghĩa (Feng Chongyi), chuyên gia vấn đề Trung Quốc tại Đại học Công nghệ Sydney cho rằng, không phải Mỹ không có khả năng, nhưng rõ ràng hậu quả sẽ rất nghiêm trọng. “Rất nhiều việc nếu có thể làm thì ông Trump đã làm rồi. Mỹ thường cho rằng ông Trump không loại trừ biện pháp quân sự, nhưng ván cờ này là rất khó khăn.”

Giáo sư Trịnh Vũ Thạc phân tích, lấy “hành động xử trảm” nhắm vào một người như Kim Jong-un làm ví dụ, “có thể loại bỏ  thành công Kim Jong-un, nhưng liệu có loại bỏ được toàn bộ máy của đảng cầm quyền Bắc Triều Tiên? Rủi ro là không thể tính được.”

Ông cho biết, cho dù vũ khí hạt nhân và các căn cứ tên lửa tầm xa của Bắc Triều Tiên có bị phá hủy, nhưng Bắc Triều Tiên vẫn còn có rất nhiều tên lửa tầm ngắn, đại pháo, có thể gây nhiều thiệt hại cho Hàn Quốc. Bắc Triều Tiên cũng có thể khiến căn cứ của Mỹ ở Hàn Quốc hoặc ở Nhật Bản bị thiệt hại nghiêm trọng, dẫn đến thương vong lớn.

Chìa khóa ở Hàn Quốc

Các chuyên gia cũng cho rằng, cuộc chiến tranh này có nổ ra hay không là phụ thuộc chính vào thái độ của Hàn Quốc.

Chuyên gia Hồ Bình cho rằng, Hàn Quốc hiện đang rất bối rối, “Hàn Quốc là nước lo lắng nhất trong đe dọa vũ khí hạt nhân của Bắc Triều Tiên, nhưng cả trong vấn đề chiến tranh thì Hàn Quốc cũng là nước cảm thấy ngại nhất. Vì cho dù vũ khí hạt nhân của Bắc Triều Tiên có bị phá hủy thì vũ khí thông thường của Bắc Triều Tiên cũng có thể gây tổn hại nặng cho Hàn Quốc.”

Giáo sư Phùng Tôn Nghĩa chỉ ra, “Sau khi Mỹ làm cho chính quyền Bắc Triều Tiên sụp đổ, liệu Hàn Quốc có sẵn sàng tiếp quản hay không? Mỹ không thể gửi quân để chiếm cứ nên sẽ gây ra rất nhiều vấn đề.”

Giáo sư Trịnh Vũ Thạc thì nói, “Vì chính Hàn Quốc phải gánh hậu quả nặng của cuộc chiến tranh nên cũng khó chấp nhận Mỹ có hành động quân sự, thêm vào là cả Nga và Trung Quốc cũng phản đối Mỹ dùng vũ lực nên khả năng xảy ra cuộc chiến về cơ bản là rất thấp.”

Ông cho biết, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in hiểu rất rõ, “Mỹ muốn sử dụng vũ lực thì trước tiên phải dò ý Hàn Quốc.”

>> Nhà báo tháp tùng Tổng thống Moon bị an ninh Trung Quốc hành hung (video)

Thái độ và hành động của Bắc Kinh

Gần đây, China Mobile tiết lộ tài liệu nội bộ với thông tin Trung Quốc đang xây dựng các trại tị nạn vùng biên giới với Bắc Triều Tiên, được xem là hành động nhằm ứng phó làn sóng người tị nạn có thể xảy ra.

Ông Trịnh Vũ Thạc nhắc đến Trung Quốc đã trao đổi với Mỹ về việc ứng phó khẩn cấp nếu tình hình bán đảo Triều Tiên có biến động, vì thế việc Trung Quốc chuẩn bị cho cuộc chiến tranh là dễ hiểu, “đây là cách bố trí chính đáng, là hành vi chuẩn bị chính đáng.”

Ông phân tích rằng, nếu chính quyền Bắc Triều Tiên sụp đổ, bất kỳ tình trạng hỗn loạn nào cũng khiến nhiều người Bắc Triều Tiên chạy tị nạn đến Trung Quốc, “bởi vì họ không thể vượt qua biên giới đến Hàn Quốc, các tuyến đường tiếp cận cơ bản đều hướng về Trung Quốc. Trung Quốc cũng không muốn thấy điều này xảy ra.”

Đối với thái độ của Bắc Kinh, cựu “thái tử Đảng” La Vũ cho rằng ông Tập Cận Bình sẽ không ra tay. “Ở đâu ông Tập Cận Bình cũng nhắc đến ‘giải pháp hòa bình'”.

>> La Vũ: Từ bỏ chế độ, Trung Quốc và Mỹ mới có quan hệ tốt đẹp thật sự

Còn theo giáo sư Phùng Tôn Nghĩa, chính sách quốc gia cơ bản của Trung Quốc cho đến nay là xem Bắc Triều Tiên làm vùng đệm. Ngành công nghiệp hạt nhân và vũ khí hạt nhân của Bắc Triều Tiên được xây dựng như ngày nay là nhờ chính quyền Trung Quốc. “Trong thực tế hiện nay Trung Quốc vẫn chơi trò hai mặt, một mặt để ngăn chặn Mỹ gây bất lợi kinh tế với Trung Quốc, mặt khác mang thái độ hợp tác với Mỹ.”

“Không cần dùng súng đạn thật để đánh, Bắc Kinh chỉ cần nghiêm túc thực hiện đầy đủ các nghị quyết của Liên Hợp Quốc, hoặc đáp ứng yêu cầu cấm vận dầu mỏ của Mỹ, cắt đứt quan hệ với Bắc Triều Tiên, là vấn đề Bắc Triều Tiên được giải quyết ngay.”

Ông Hồ Bình nói, hiện tại không dám khẳng định Mỹ có ý đồ như thế nào, có bao nhiêu quyết tâm trong phương án đánh trận, “còn Bắc Triều Tiên muốn cộng đồng quốc tế công nhận nước mình là nước có vũ khí hạt nhân, vì như thế nó có thể kiểm soát nội bộ hiệu quả hơn, đây là mục đích mà nó hy vọng đạt được.”

Tuyết Mai

Xem thêm: