Hàng nghìn người ủng hộ lãnh đạo đối lập Juan Guaido hôm thứ Bảy (16/11) đã xuống đường tại thủ đô Caracas tiếp tục nỗ lực gây áp lực buộc Tổng thống Nicolas Maduro từ chức. Tuy nhiên, khác với cựu Tổng thống Morales của Bolivia, ông Maduro vẫn nhận được sự ủng hộ của quân đội.

Embed from Getty Images

Theo hãng tin DW (Đức), phát biểu trước hàng nghìn người ủng hộ, ông Guaido đã kêu gọi họ duy trì trên phố trong những ngày tới, nhắc nhở họ về cách thức mà hành động dân sự đã góp phần lật đổ Tổng thống Evo Morales của Bolivia vào ngày 10/11.

Cũng trong ngày 16/11, ở một phần khác của thủ đô Caracas, những người ủng hộ Tổng thống Maduro mặc áo đỏ đang chuẩn bị cho một cuộc tập trung đã lên kế hoạch tại phủ tổng thống ở trung tâm Caracas. Đảng Xã hội Chủ nghĩa của ông Maduro cũng đã kêu gọi đảng viên tham gia biểu tình thể hiện sự đoàn kết với cựu Tổng thống Bolivia Morales – đồng minh thân cận của ông Maduro. Ông Morales sau khi từ chức hôm 10/11 đã trốn chạy sang tị nạn chính trị tại Mexico, nơi mà đảng cánh tả đang cầm quyền.

“Nếu chúng ta ở nhà, chúng ta sẽ thua. Hôm nay, ngày mai và Thứ Hai [18/11] – chúng ta sẽ ở trên phố,” ông Guaido nói trước cuộc tuần hành cùng những người biểu tình hướng tới Đại sứ quán Bolivia ở đông Caracas.

Một người biểu tình 60 tuổi xưng tên Deborah Angarita, nhân viên văn phòng về hưu đã nói rằng mặc dù cuộc tập trung này không lớn, nhưng bà cảm thấy quyết tâm “ở lại trên phố cho tới khi chế độ này sụp đổ”.

Một người biểu tình khác xưng tên Lisbeth Guerra nói rằng bà đã đóng hai cửa hàng bán đồ điện để tham gia biểu tình. “Không gì hơn, tôi muốn các nước khác trên thế giới chú ý tới cuộc khủng hoảng của chúng tôi”.

Các cuộc biểu tình chưa đủ động lực

Đám đông biểu tình hôm 16/11, dù đã đông hơn các cuộc tập trung khác trong vài tháng qua, nhưng nó vẫn thiếu quy mô và tính chiến đấu như các cuộc biểu tình hồi tháng Một khi mà ông Guaido tuyên bố trở thành tổng thống lâm thời của Venezuela.

Vào ngày 23/1, ông Guaido đã lên án ông Maduro tái cử bất hợp pháp và viện dẫn Hiến pháp để tuyên bố trở thành tổng thống lâm thời. Ông Guaido đã nhận được sự ủng hộ của hơn 50 quốc gia, trong đó có Mỹ, một số cường quốc Châu Âu và hầu hết các nước Mỹ La-tinh. Tuy nhiên, bất chấp nhiều lần nỗ lực, ông Guaido vẫn chưa thể ép được ông Maduro từ bỏ quyền lực.

Ông Guaido đã khuyến khích đám đông người ủng hộ tham gia biểu tình thường xuyên để gây sức ép buộc ông Maduro phải từ chức. “Hôm nay chúng tôi phải tiếp tục thúc đẩy biểu tình cho tới khi nào chúng tôi giành được tự do cho tất cả người dân Venezuela,” lãnh đạo đối lập nói với báo giới.

Tình huống tại Venezuela khác với Bolivia

Khủng hoảng kinh tế tại Venezuela đã dẫn tới hơn 4 triệu thường dân phải rời bỏ đất nước ra nước ngoài tìm đường mưu sinh. Tuy nhiên, cũng vì những khó khăn hàng ngày khi họ phải vật lộn để kiếm sống mà nhiều người dân cảm thấy mệt mỏi với sự thay đổi chính trị.

Những nhà phê bình đổ lỗi sự sụp đổ kinh tế của Venezuela cho nhiều năm điều hành kém cỏi của chính quyền xã hội chủ nghĩa. Trong khi đó, ông Maduro cáo buộc rằng lực lượng cánh hữu do Mỹ hậu thuẫn muốn lật đổ ông để giành quyền kiểm soát trữ lượng dầu mỏ lớn nhất thế giới của Venezuela.

Đường phố Caracas tràn ngập niềm vui với những người bảo vệ quyền dân chủ của họ,” ông Maduro viết trên Twitter. “Chúng tôi muốn nói với thế giới rằng Venezuela đang mạnh mẽ, hòa bình và xây dựng quê hương xã hội chủ nghĩa”.

Tại Venezuela, lực lượng quân đội vẫn hết mực trung thành với ông Maduro. Trong khi, tại Bolivia, sự kết hợp giữa biểu tình của người dân trên phố và áp lực từ quân đội đã khiến ông Morales phải tuyên bố từ chức.

Cơ hội lật đổ ông Maduro không nhiều, nhưng một số người biểu tình vẫn duy trì hy vọng.

Tôi biết chỉ có một cơ hội nhỏ rằng ông Guaido sẽ lật đổ được ông Maduro,” giáo sư xã hội học Rosmely Guerra nói với báo giới. “Nhưng ngay cả khi chỉ có 1% cơ hội, tôi cũng sẽ đặt 99% niềm tin của mình vào đó. Chúng tôi có lựa chọn nào khác?

Như Ngọc

Xem thêm: