Không tìm cách hạ nhiệt, Tổng thống Mỹ Donald Trump tiếp tục đẩy cuộc khẩu chiến Mỹ – Triều thêm một bước khi đe dọa quân đội Mỹ đã “khóa mục tiêu và lên nòng đạn“, sau khi Bắc Hàn loan báo kế hoạch tấn công tên lửa gần đảo Guam và gọi tổng thống Mỹ là “kẻ mất trí“.

Các phương án quân sự đã hoàn toàn sẵn sàng, súng đã khóa mục tiêu, đạn đã lên nòng, sẵn sàng chờ Bắc Hàn hành động thiếu khôn ngoan. Hy vọng Kim Jong-un sẽ tìm ra một con đường khác“, ông Trump viết trên Twitter hôm 11/8.

Một bức hình bằng bìa cứng trong buổi biểu tình phản đối leo thang căng thẳng và đe dọa quân sự đối với Bắc Hàn tại Washington DC ngày 10/8/2017

Trong bối cảnh căng thẳng leo thang, Bắc Kinh cho biết sẽ giữ thái độ “trung lập” và thậm chí phát tín hiệu đứng về phía Bình Nhưỡng nếu chiến tranh xảy ra, trong khi Úc khẳng định ủng hộ Hoa Kỳ.

Trả lời câu hỏi của báo chí từ khu nghỉ dưỡng New Jersey hôm 11/8, về thái độ khiêu khích liên tục của chính quyền Bắc Triều Tiên, tổng thống Donald Trump cho rằng lời đe dọa phản công bằng “lửa thịnh nộ” có lẽ chưa đủ mạnh để làm Bình Nhưỡng lo ngại. Nhưng đã đến lúc phải có người “tuyên bố mạnh mẽ thay cho người dân Mỹ và người dân các nước khác” đang bị Bắc Hàn đe dọa.

Bình Nhưỡng loan báo kế hoạch phóng 4 tên lửa xuống biển gần đảo Guam vào trung tuần tháng 8. Đảo Guam là nơi Hoa Kỳ có căn cứ không quân và hải quân chiến lược, cách Bắc Triều Tiên 3.500 km.

>> Bắc Hàn loan báo kế hoạch tấn công gần đảo Guam

Tuy nhiên, tổng thống Mỹ không cho biết là Hoa Kỳ có đánh phủ đầu để phòng ngừa hay không mà chỉ nói là “có nhiều phương án” trong tay và Bình Nhưỡng cần phải suy tính nếu muốn tấn công “nước Mỹ hay một đồng minh của Mỹ”.

Nga đã có tuyên bố nói rằng rủi ro chiến tranh giữa Hoa Kỳ và Bắc Hàn là rất cao, và điều này “khiến chúng tôi rất lo ngại“. Lãnh đạo Đức thì khẳng định không tồn tại giải pháp quân sự và “cuộc leo thang khẩu chiến là câu trả lời sai lầm“.

>> Trump: Nếu Bắc Hàn tấn công Guam, họ sẽ gặp tổn thất chưa từng có

Bắc Kinh đã lên tiếng thúc giục Bình Nhưỡng không nên tiến xa hơn những khiêu khích. Thời báo Hoàn cầu cho biết: “Nếu Bắc Hàn ra tay trước, phóng tên lửa đe dọa lãnh thổ Hoa Kỳ và bị Hoa Kỳ đánh trả thì Trung Quốc đứng ngoài“.

Nhưng nếu Mỹ và Hàn Quốc tấn công phủ đầu và cố lật đổ chế độ Bắc Hàn nhằm thay đổi khuôn mẫu chính trị của bán đảo Triều Tiên, Trung Quốc sẽ ngăn chặn họ làm như thế“, tờ báo viết thêm.

Thủ tướng Úc Malcolm Turnbull cùng ngày cam kết, nếu chiến tranh xảy ra với Bắc Hàn, Hoa Kỳ có thể tin cậy vào đồng minh vững chắc nhất là nước Úc.

Mặc dù cả hai phía Mỹ-Triều đều công khai thách thức đối phương, chính quyền Trump vẫn âm thầm thực hiện các nỗ lực ngoại giao “đằng sau cánh gà” đối với vấn đề Bắc Hàn trong nhiều tháng qua. Theo báo AP, Washington đang cố giải quyết triệt để vấn đề những người Mỹ còn đang bị chế độ Bình Nhưỡng giam cầm và giải tỏa căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên.

Theo BBC, đặc sứ của Mỹ về vấn đề Bắc Hàn, ông Joseph Yun, và Pak Song-Il, một nhà ngoại giao cấp cao Bắc Hàn, được cho là 2 người đứng đầu các cuộc nói chuyện.

Đức Trí (t/h)