Cuộc biểu tình bảo vệ tự do, dân chủ cho Hồng Kông đang trở thành “lửa thử vàng” đối với nhiều doanh nghiệp Mỹ, những người đang phải cố lách mình trong con đường chật hẹp giữa một bên là giới chức Bắc Kinh đứng gác trước đường vào thị trường tỷ đô, một bên là lương tri và nguy cơ bị tẩy chay của chính quê hương mình.

Người biểu tình kêu gọi Tổng thống Trump giải phóng Hồng Kông.
Người biểu tình kêu gọi Tổng thống Trump giải phóng Hồng Kông. (Ảnh đăng trên tài khoản Twitter Jimmy Choi)

Tối Chủ nhật vừa rồi, khi Daryl Morey, Tổng giám đốc của Houston Rockets, một đội bóng rổ hàng đầu của Hiệp hội bóng rổ nhà nghề Mỹ NBA, ngồi trong phòng khách sạn ở Tokyo nơi đội Rockets đang thi đấu 2 trận trước mùa giải, ông đã viết một dòng tweet sẽ khiến hàng tỷ đô của đội bóng của ông cũng như NBA tan như bọt biển:

“Chiến đấu vì tự do, ủng hộ Hồng Kông” ông Daryl viết.

Tinh thần chính nghĩa của nhà quản lý của đội Rockets đã ngay lập tức vấp phải làm sóng giận dữ từ Trung Quốc, thị trường trị giá hàng tỷ USD của NBA.

Dòng tweet này đã nhanh chóng bị xóa đi, nhưng “hậu quả” của nó, còn chưa biết đến bao giờ mới kết thúc.

Rockets là một trong những đội bóng rổ nổi tiếng nhất ở Trung Quốc, nhận được rất nhiều nhà tài trợ và các hãng quảng cáo ở Đại Lục. Siêu sao bóng rổ Trung Quốc Yao Ming dành phần lớn sự nghiệp của mình ở đây.

Sau dòng tweet của Morey, các công ty Trung Quốc, những nhà tài trợ và Hiệp Hội Bóng rổ Trung Quốc ngay lập tức chấm dứt quan hệ với đội bóng. Đài truyền hình Trung Quốc quyết định dừng phát sóng 2 trận đấu tiếp theo của NBA và tuyên bố sẽ cân nhắc lại mối quan hệ với toàn bộ Hiệp hội Bóng rổ Mỹ.

Tencent, tập đoàn công nghệ viễn thông khổng lồ của Trung Quốc cho hay có khoảng 490 triệu người Trung Quốc đã xem các trận bóng rổ của NBA vào năm ngoái. Công ty này cũng trả cho NBA tới 1,5 tỷ USD để mua quyền phát sóng trận đấu.

Phản ứng đầu tiên của NBA là ra tuyên bố gọi dòng tweet của Morey là “đáng tiếc”.

Chính ông Morey sau khi xóa tweet đã đăng ngay một bài mới “xin lỗi” những người Trung Quốc bị tổn thương.

Tôi đã luôn luôn biết ơn sự ủng hộ quan trọng của người hâm mộ cũng như các nhà tài trợ Trung Quốc. Tôi hy vọng rằng những người đang bị phiền lòng hiểu rằng xúc phạm họ hoặc không hiểu họ không phải là ý định của tôi“, ông Morey viết trên Twitter.

Nhưng phản ứng này không những không khiến Bắc Kinh thỏa mãn, NBA còn phải đối mặt với sự chỉ trích nặng nề từ giới chính trị ở Mỹ, nơi những phát ngôn giống như của Daryl không những là bình thường mà còn được bảo vệ bởi quyền tự do ngôn luận.

“Tôi có thể không đồng ý với anh, nhưng tôi sẽ chết để bảo vệ quyền được nói của anh” câu nói nổi tiếng của Evelyn Beatrice Hall trong “Những người bạn của Voltaire” đã trở thành một nền tảng của xã hội tự do ở Mỹ. Việc ông Morey phải xóa tweet và đăng bài “xoa dịu” Bắc Kinh đã khiến công luận Mỹ nổi giận. Truyền thông Mỹ ào ạt đăng bài lên án giải bóng rổ nhà nghề danh giá của Mỹ, vì “Mao tệ” mà đã tự bịt miệng mình, không dám lên tiếng vì chính nghĩa.

Trước nguy cơ bị tẩy chay hoàn toàn ở Mỹ, người lãnh đạo NBA, ông Adam Silver đã phải ra họp báo công khai để “sửa sai”. Ông khẳng định NBA không “xin lỗi Trung Quốc về việc ông Morey đã sử dụng quyền tự do ngôn luận của mình”, NBA cũng không có trách nhiệm quản lý những gì các cầu thủ, nhân viên và chủ các đội bóng rổ phát ngôn, hay đứng ra phân xử tranh cãi.

Trong khi người Mỹ lớn lên cùng với quyền tự do ngôn luận, với rạch ròi giữa vai trò của chính phủ và quyền tự do cá nhân, nhiều người đang phải học cách “uốn ba tấc lưỡi” trong môi trường kinh doanh Trung Quốc.

Trước NBA, có rất nhiều công ty Mỹ khác đã phải cúi đầu trước áp lực của Bắc Kinh để đặt được chân vào thị trường tiêu dùng tỷ dân này. Hồi tháng 6, Nike đã thu hồi một bộ sưu tập giày thể thao ở Trung Quốc sau khi hãng thiết kế Undercover đăng một bức ảnh ủng hộ người biểu tình Hồng Kông trên Instagram.

Hãng trang sức đá quý Tiffany đã phải xin lỗi vì đăng lên Twitter một hình ảnh quảng cáo mà người Trung Quốc xem là ủng hộ người biểu tình Hồng Kông: Cô gái che mắt phải. Hành động che mắt phải đã trở thành biểu tượng của người Hồng Kông chống lại bạo lực cảnh sát sau khi một người biểu tình ở thành phố này bị cảnh sát bắn hỏng mắt.

tiffany 1
Hãng trang sức Tiffany đã phải xin lỗi sau khi bức ảnh quảng cáo này khiến Bắc Kinh tức giận.

Hãng sản xuất trò chơi điện tử nổi tiếng Blizzard Entertainment của Mỹ đã tước giải thưởng và cấm thi đấu một năm đối với một game thủ vì có phát ngôn ủng hộ Hồng Kông. Quyết định này mặc dù đã xoa dịu được Bắc Kinh nhưng đang khiến Blizzard bị tẩy chay trên quy mô toàn cầu, nhất là ở phương Tây và các quốc gia ưa chuộng tự do ngôn luận. Biểu tượng Warcraft (trò chơi nổi tiếng nhất của Blizzard) nằm ngoài trụ sở chính của công ty đã bị một số nhân viên lấy giấy che đi 2 dòng chữ: “Think Globally” (nghĩ toàn cầu) và “Every Voice Matters” (Mỗi tiếng nói đều có giá trị) 2 trong 8 giá trị cốt lõi hình thành nên văn hóa doanh nghiệp của công ty này. BoycottBlizzard (tẩy chay Blizzard) trở thành Hashtag phổ biến nhất trên Twitter, đã có lúc lên vị trí đầu tiên.

Nhưng cũng có nhiều doanh nghiệp Mỹ chấp nhận bị hất cẳng khỏi Trung Quốc chứ không chịu quên mình là người Mỹ.

Tuần trước, Trung Quốc đã âm thầm cấm chiếu bộ phim hoạt hình South Park do người Mỹ sản xuất vì có một tập động chạm quá nhiều đến các khái niệm “nhạy cảm” đối với Bắc Kinh.

Trong tập phim “Band in China”, nhân vật hoạt hình Randy Marsh đã tới Trung Quốc để mở rộng việc kinh doanh cần sa. Anh này nhanh chóng bị bắt, bị tống giam, buộc lao động cưỡng bức và học tập cải tạo.

Trong một cảnh, Randy phải đứng ngoài trời mưa trong khi một tên cảnh sát sốc điện anh, một trong những thủ pháp tra tấn dã man mà Đảng Cộng sản Trung Quốc bị cáo buộc đã áp dụng lên các tù nhân lương tâm trong các trại lao động trên khắp đất nước.

south park
Randy trong trại lao động cưỡng bức ở Trung Quốc, một cảnh cắt từ phim South Park

Sau khi bị “cải tạo”, Randy đọc to từ một tấm thẻ: “Tôi là một thành viên Đảng Cộng sản đầy tự hào. Đảng đứng trên cá nhân”. Sau đó anh ta chứng kiến cảnh sát bắn một tù nhân vào đầu, rồi bị đưa tới một nhà tù đông đúc khác cùng với con gấu Pooh và con lợn Piglet.

Năm 2017, Trung Quốc cấm hình ảnh của gấu Pooh, nhân vật hoạt hình nổi tiếng cho trẻ em, vì một bức ảnh lan truyền trên mạng so sánh ông Tập giống với con gấu này.

“Một số người nói rằng Pooh nhìn giống Chủ tịch Trung Quốc, vì thế giờ chúng tôi bị cấm ở đây”, con lợn Piglet nói với Randy.

“Đây là cái nhà điên kiểu gì vậy?” nhân vật Randy đáp.

obama xi jinping
Bức ảnh so sánh Tập Cận Bình với con gấu Pooh nổi tiếng vào năm 2017. Sau đó, Trung Quôc đã cấm hình ảnh của con gấu hoạt hình này.

Không đưa ra tuyên bố chính thức, nhưng hàng loạt trang web của Trung Quốc đã đồng loạt gỡ bỏ toàn bộ phim South Park. Người dùng Weibo bị cấm nhắc đến South Park đã dùng mật mã S23E02 (Tập 02 phần 23) để thảo luận ngầm tập phim này.

Trên Twitter, các tác giả của South Park đã gửi lời “xin lỗi chính thức” đến Trung Quốc theo phong cách châm biếm của bộ phim.

 “Giống như NBA, chúng tôi hoan nghênh việc kiểm duyệt của Trung Quốc tới ngôi nhà và trái tim của chúng tôi. Chúng tôi cũng yêu tiền hơn tự do”, Trey Parker và Matt Stone, tác giả của bộ phim hoạt hình South Park viết trên Twitter với tiêu đề: “Lời xin lỗi chính thức gửi tới Trung Quốc”.

“Đảng Cộng sản Trung Quốc vạn tuế! Mong vụ lúa mùa này bội thu! Giờ chúng ta hòa nhé, Trung Quốc?”

Trọng Đức

Xem thêm: