Trong vài ngày qua Tổng thổng Donald Trump liên tục cảnh báo Đảng Dân chủ rằng ông sẽ dùng quyền tổng thống để tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia nhằm xây tường biên giới mà không cần Quốc hội thông qua. Nếu ông Trump kích hoạt lệnh hành pháp này thì điều gì sẽ xảy ra?

Embed from Getty Images

Hiện tại, tình trạng chính phủ Mỹ đóng cửa một phần đã bước sang tuần thứ ba. Quốc hội vẫn gặp bế tắc trong việc thông qua luật chi tiêu ngân sách để mở cửa lại chính phủ vì các bên không thống nhất được vấn đề xây tường biên giới theo yêu cầu của Tổng thống Trump.

Hôm thứ Sáu (4/1), phát biểu với báo giới trong buổi họp báo tại Vườn Hồng, Tòa Bạch Ốc, Tổng thống Trump nói rằng ông để mở khả năng sử dụng quyền tuyên bố tình trạng khẩn cấp để bỏ qua Quốc hội. “Chúng tôi có thể tuyên bố tình huống khẩn cấp quốc gia và xây nó [bức tường] rất nhanh. Đó là một cách khác để thực hiện nó”, ông Trump nói.

Ông Trump hôm Chủ Nhật (6/1) đã tiếp tục lặp lại tuyên bố nêu trên và nói thêm rằng ông sẽ đợi xem các cuộc đàm phán giữa đội ngũ chính phủ và các nghị sĩ Quốc hội có đạt được điều gì “trong vài ngày” tới hay không.

Phát biểu của ông Trump đã làm bùng phát các cuộc thảo luận về việc liệu tổng thống có hay không quyền tuyên bố tình huống khẩn cấp quốc gia về biên giới.

Một số ý kiến cho rằng ông Trump có thể tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia, nhưng ông chắc chắn sẽ phải đương đấu với nhiều thách thức pháp lý để đảm bảo tuyên bố đó được thực thi và xây được bức tường biên giới.

Dân biểu Dân chủ của bang California Adam Schiff hôm Chủ Nhật (6/1) gọi ý tưởng của ông Trump “không thể kích hoạt” và khẳng định: “Nếu [Tổng thống] Harry Truman không thể quốc hữu hóa ngành thép trong thời chiến, thì tổng thống hiện nay không thể có quyền tuyên bố tình huống khẩn cấp và xây một bức tường biên giới nhiều tỷ USD.”

Trong khi đó, Dân biểu Dân chủ Adam Smith của Washington D.C nói rằng tổng thống Trump “có thể tuyên bố tình trạng khẩn cấp”. Tuy nhiên, ông Smith nói trên CNN hôm thứ Hai (7/1) rằng ông nghĩ bất kỳ một tuyên bố nào như vậy sẽ khiến ông Trump gặp phải những thách thức pháp lý đáng kể.

Các chuyên gia pháp lý cũng nói với NBC rằng Tổng thống Trump có thể tuyên bố tình trạng khẩn cấp theo Đạo luật Khẩn cấp Quốc gia, điều luật cho phép tổng thống Mỹ các quyền lực hành pháp đặc biệt, trong đó bao gồm nhưng không giới hạn ở khả năng “tịch thu tài sản, tổ chức và kiểm soát các phương tiện sản xuất, thu giữ hàng hóa, điều động lực lượng quân sự ra nước ngoài, tuyên bố lệnh giới nghiêm, thu giữ và kiểm soát tất cả các phương tiện giao thông và liên lạc.’’

Theo Daily Caller, Quốc hội Mỹ cũng có khả năng thông qua một nghị quyết để bác bỏ tuyên bố của tổng thống. Hạ viện do Đảng Dân chủ kiểm soát sẽ đề xuất một nghị quyết như vậy và Thượng viện do Đảng Cộng hòa chiếm đa số sẽ bỏ phiếu phê duyệt trong thời gian 15 ngày. Theo đó, tổng thống Trump sẽ phải thuyết phục Quốc hội rằng việc gia tăng nhập cư bất hợp pháp tại biên giới thực sự tạo thành một tình huống “khẩn cấp.”

Một thách thức khác mà ông Trump phải đối mặt là ông chỉ có thể sử dụng khoản ngân sách đã được cấp từ trước để chi cho việc xây bức tường. Dù vậy, luật liên bang Mỹ cũng cho phép tổng thống dùng ngân sách của Bộ Quốc phòng để hoàn thành “các dự án xây dựng” trong tình huống khẩn cấp quốc gia.

Giáo sự luật Havard Mark Tushnet nói với kênh NBC: “Theo quan điểm của tôi, nếu ông [Trump] tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia và dùng khoản tiền chưa dùng đến cho bức tường, ông ấy đang ở trên cơ sở pháp lý rất vững chắc.”

Chuyên gia phân tích pháp lý Joe DiGenova hôm thứ Hai (7/1) cũng nhận định: “Vấn đề thực sự là một khi tổng thống tuyên bố tình trạng khẩn cấp – điều ông ấy có quyền làm, thì ông sẽ lấy tiền ở đâu để thực hiện nó? Bộ Quốc phòng đang có một khoản tiền chưa chi tiêu khoảng 100 tỷ USD… Ông [Trump] có quyền để sử dụng khoản tiền đó.”

Xuân Thành

Xem thêm: