Mỹ đã sử dụng đại dịch Viêm phổi Vũ Hán (COVID-19) để tăng cường các mối quan hệ với Đài Loan bất chấp sự phản đối mạnh mẽ từ Trung Quốc Đại lục. Các nhà phân tích cho biết động thái này sẽ làm căng thẳng hơn mối quan hệ giữa hai bờ eo biển vốn đã luôn hiềm khích. 

Embed from Getty Images

Hôm 10/4, Đại sứ không chính thức của Mỹ tại Đài Loan đã hứa hẹn “hợp tác nhiều hơn với Đài Loan trong những năm tới,” một động thái cho thấy mối quan hệ đang ngày càng trở nên gần gũi.

Dù Mỹ không có quan hệ ngoại giao chính thức với đảo quốc, Luật Quan hệ Đài Loan (Taiwan Relations Act – TRA) năm 1979 cho phép Mỹ duy trì các mối quan hệ (kinh tế, hợp tác quốc phòng …) với Đài Loan cùng cam kết cung cấp vũ khí để giúp Đài Loan tự vệ.

Trong một bài viết trên Facebook nhân kỷ niệm 41 năm ngày Đạo luật nói trên có hiệu lực, Viện Mỹ ở Đài Bắc đã tuyên bố: “Ngày 10 tháng Tư là kỷ niệm ngày ký kết TRA. Đạo luật là nền tảng của quan hệ đối tác Mỹ – Đài Loan liên tục phát triển.”

Luật Quan hệ Đài Loan được ký sau khi Washington chuyển hướng sang công nhận quan hệ ngoại giao chính thức với Bắc Kinh năm 1979. Trung Quốc đã nhiều lần lưu ý Washington không được tham dự bất cứ hình thức quan hệ nào với Đài Loan mà có thể thúc đẩy tư cách quốc gia độc lập của hòn đảo.

Tuy nhiên, những cảnh báo này phần lớn bị Mỹ phớt lờ từ khi ông Donald Trump nắm chính quyền với tư cách Tổng thống và thực hiện chính sách đối đầu hơn với Bắc Kinh.

Cùng với việc phê chuẩn bán hơn 12,4 triệu USD vũ khí cho Đài Loan từ 2017, ông Trump đã ký ban hành Đạo luật thăm viếng Đài Loan (Taiwan Travel Act), Đạo luật Uỷ quyền Quốc phòng Quốc gia (National Defence Authorisation Act) và ban hành các luật khác để tạo thuận lợi cho những hoạt động trao đổi và quân sự cấp cao giữa Mỹ và Đài Loan.

 

Mỹ thấy cơ hội thúc đẩy địa vị của Đài Loan trong đại dịch COVID-19

Đại dịch COVID-19 đã mang đến một chiều hướng mới trong căng thẳng Mỹ – Trung vốn đã trở nên xấu đi do chiến tranh thương mại và công nghệ, cũng như sự mở rộng của Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) trong khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương.

Từ khi dịch bệnh bắt đầu lan rộng ở Vũ Hán, nơi virus corona gây ra COVID-19 xuất hiện, chính quyền Tổng thống Trump đã đẩy mạnh hợp tác với Đài Loan để đấu tranh chống dịch bệnh, xử lý thông tin sai lệch – đặc biệt xuất phát từ ‘đội quân không gian mạng’ của Bắc Kinh – và thảo luận về quan hệ đối tác an ninh giữa hai bên.

Về quân sự, Mỹ đã gửi nhiều máy bay chiến đấu và tàu chiến đi ngang eo biển Đài Loan khi PLA tăng cường các cuộc tập trận quân sự, điều máy bay chiến đấu và nhiều tàu chiến tới các khu vực gần Đài Loan.

Hôm 11/4, Bộ quốc phòng Đài Loan nói chiến hạm USS Barry của Mỹ và hai máy bay trinh sát quân sự đang hoạt động gần Đài Loan sau khi một số máy bay chiến đấu của Trung Quốc bị phát hiện ở phía tây nam hòn đảo vào sáng 10/4. 

Su Tzu-yun, một nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Quốc phòng và An ninh Quốc gia của Đài Loan, cho biết các hoạt động của Mỹ được thiết kế để khẳng định với PLA rằng Washington đang quan sát những hoạt động của họ và giúp Đài Loan tăng cường phòng thủ.

Cuối tháng trước, để thắt chặt hơn mối quan hệ với Đài Loan, ông Trump đã ký ban hành thành luật Đạo luật Sáng kiến Bảo vệ và Thúc đẩy Đồng minh Quốc tế Đài Loan 2019 (Taiwan Allies International Protection and Enhancement Initiative – gọi tắt là TAIPEI) trong bối cảnh Quốc hội và thậm chí con trai của ông liên tục kêu gọi Mỹ công nhận quốc đảo về mặt ngoại giao.

Đạo luật trên cho phép chính phủ Mỹ tăng cường cam kết về kinh tế, ngoại giao và an ninh với các quốc gia đang nâng cấp quan hệ của họ với Đài Loan; hoặc giảm bớt dính líu đến những quốc gia đang tiến hành các hành động làm suy yếu Đài Loan một cách nghiêm trọng.

Đạo luật đồng thời yêu cầu Washington xác nhận tư cách thành viên hoặc quan sát  viên của Đài Loan trong các tổ chức quốc tế như Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế (ICAO).

Đại dịch toàn cầu làm tăng nguy cơ ĐCSTQ xâm chiếm Đài Loan?

Kể từ khi bà Thái Văn Anh được bầu làm Tổng thống năm 2016 và từ chối chấp nhận nguyên tắc ‘một Trung Quốc’, Bắc Kinh đã đình chỉ các trao đổi chính thức với Đài Loan, đồng thời phản đối gay gắt Đạo luật TAIPEI cũng như các động thái tăng cường quan hệ với quốc đảo của Mỹ.

Ông Lai I-chung, từ Viện Nghiên cứu Quốc phòng và An ninh Quốc gia của Đài Loan, nhận định chính quyền quốc đảo nên nắm lấy cơ hội để thúc đẩy việc gia nhập các cơ chế quốc tế ngay bây giờ, khi “những nỗ lực của Đài Loan trong việc ngăn chặn đại dịch đã được công nhận rộng rãi trên thế giới.”

Trong nỗ lực nhằm tăng cường sự hiện diện quốc tế, Đài Loan đã đề nghị đóng góp hơn 10 triệu khẩu trang phẫu thuật và các thiết bị y tế khác cho Mỹ và châu Âu, giành được khen ngợi từ Bộ Ngoại giao Mỹ và Uỷ ban châu Âu.

Alexander Huang Chien-cheng, giáo sư nghiên cứu về chiến lược và quan hệ quốc tế tại Đại học Tamkang của Đài Loan, nói rằng Washington đang tận dụng mối quan hệ ngày càng sâu sắc với Đài Loan như một phần chiến lược của họ để chống lại Bắc Kinh. “Mỹ không muốn thấy Đài Loan tiếp tục mất đi các đồng minh,” ông Huang nói, và cho biết thêm rằng đại dịch đã mang đến cho Mỹ cơ hội tốt nhất để thúc đẩy việc đưa Đài Loan gia nhập các tổ chức toàn cầu.

Tuy vậy, ông Huang cũng nhận định rằng diễn tiến như vậy có thể sẽ làm quan hệ xuyên eo biển trở nên xấu đi. 

Đài Loan đã cấm người từ Trung Quốc Đại lục nhập cảnh từ tháng Hai trong khi tranh cãi về các biện pháp do Bắc Kinh đề nghị để hồi hương người Đài Loan bị mắc kẹt tại Vũ Hán. Đài Loan cũng tiếp tục sử dụng thuật ngữ “Viêm phổi Vũ Hán” trong khi đề cập đến COVID-19 khiến cho chính quyền Bắc Kinh hết sức tức tối.

Lawrence Chung – bài viết đăng trên SCMP

(Xuân Lan biên dịch)

Xem thêm: