Trẻ em theo Phật giáo Tây Tạng truyền thống đã bị chính quyền Trung Quốc cấm tham gia các hoạt động tôn giáo trong thời gian nghỉ hè, theo thông tin từ một tờ báo của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ).

hoc-sinh-Tay-Tang
Học sinh tại Tây Tạng phải ký cam kết không thực hành tôn giáo. (Ảnh qua AP)

Tờ Hoàn cầu Thời báo – cơ quan của nhà nước Trung Quốc, dẫn theo một quan chức ngành giáo dục tại thủ phủ Lhasa, Khu tự trị Tây Tạng, cho biết học sinh tại đây bị chính quyền yêu cầu ký vào một bản cam kết “không tham gia bất kỳ hoạt động tôn giáo nào” trong kỳ nghỉ hè.

Chính sách này của ĐCSTQ dường như phản ánh những hạn chế ngày càng khắc nghiệt áp đặt vào văn hóa Phật giáo truyền thống của vùng Himalaya, chủ yếu nhằm giảm ảnh hưởng của lãnh đạo tinh thần của khu vực này, Đức Đạt Lai Lạt Ma – lãnh đạo tôn giáo của Tây Tạng đang sống lưu vong tại Ấn Độ.

Hoàn cầu Thời báo dẫn lời ông Choephel – Trưởng phòng giáo dục chính trị tại Trường Trung học Lhasa, cho hay: “Học sinh phải tuân theo quy định này dưới sự hướng dẫn của phụ huynh và giáo viên”.

Phòng giáo dục chính trị của Trường Trung học Lhasa và các cơ quan công quyền tại Tây Tạng không có số điện thoại hoặc không cung cấp công khai nhằm hạn chế tối đa việc các nhà báo nước ngoài tiếp cận và thu thập thông tin.

Trung Quốc trước nay vẫn tuyên bố Tây Tạng là một phần lãnh thổ của nước này từ hơn 7 thế kỷ qua và xem Đức Đạt Lai Lạt Ma là một phần tử ly khai nguy hiểm.

Tuy nhiên, nhiều người Tây Tạng khẳng định rằng khu vực của họ đã là quốc gia độc lập trước khi Quân giải phóng Nhân dân của chính quyền ĐCSTQ chiếm đóng vùng đất này vào năm 1950.

ĐCSTQ đã gia tăng sự hiện diện của lực lượng an ninh tại Tây Tạng từ sau cuộc biểu tình chống chính quyền trung ương Trung Quốc tại Lhasa vào năm 2008 và nhanh chóng lan rộng ra toàn khu vực dân cư Tây Tạng ở miền tây Trung Quốc.

ĐCSTQ chủ trương phá hoại văn hóa truyền thống Tây Tạng và họ nhắm chủ yếu vào các thể chế Phật giáo truyền thống Tây Tạng – xương sống của văn hóa vùng Himalaya.

Đầu tháng này, Chiến dịch Quốc tế cho Tây Tạng – một tổ chức nhân quyền của người Tây Tạng ở hải ngoại đã thông tin rằng các nhà sư trẻ Tây Tạng đã bị cưỡng bức rời bỏ một trong những tu viện lớn nhất tại vùng Tây Tạng, miền tây Trung Quốc. ĐCSTQ muốn dùng giáo dục thế tục để tẩy não các nhà sư trẻ, khiến họ ly khai với tôn giáo truyền thống.

Tổ chức nhân quyền nêu trên nhận định rằng hành động cưỡng bức của ĐCSTQ sẽ dẫn tới nguy cơ các nhà sư Phật giáo Tây Tạng các thế hệ khác nhau không thể tiếp xúc với nhau để truyền đạt kiến thức tôn giáo truyền thống.

Theo Reuters, vài tháng gần đây ĐCSTQ cũng đang đẩy mạnh hoạt động trấn áp văn hóa Hồi giáo truyền thống trong cộng đồng người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương và cộng đồng Công giáo tại miền đông Trung Quốc.

Xuân Thành

Xem thêm: