Hạ viện Mỹ vừa thông qua 2 dự luật ủng hộ người biểu tình Hồng Kông khiến Bắc Kinh vô cùng tức giận. Kế đến, Tổng thống Donald Trump sẽ có 10 ngày để quyết định sẽ ký thành luật hoặc phủ quyết các dự luật này. Theo truyền thông Mỹ, với sự ủng hộ gần như toàn bộ của lưỡng viện Quốc hội Mỹ, ông Trump sẽ sớm đặt bút ký.

Embed from Getty Images

Người biểu tình Hồng Kông cầm cờ Mỹ

Các cuộc biểu tình quy mô lớn đã làm rung chuyển Hồng Kông trong suốt 6 tháng qua với hàng loạt các cuộc đụng độ đầy bạo lực giữa người biểu tình và cảnh sát. Nhiều người lo sợ rằng chính phủ Trung Quốc sẽ can thiệp để ngăn cản người biểu tình và tái lập trật tự, gây ra đổ máu nghiêm trọng ở thành phố vốn là trung tâm tài chính quan trọng của thế giới.

Trong hoàn cảnh đó, Quốc hội Mỹ đã thông qua “Đạo luật Nhân quyền và Dân chủ Hồng Kông”, nhằm gây sức ép buộc Bắc Kinh phải cân nhắc sự can thiệp của mình vào Hồng Kông. Theo đó, Hoa Kỳ sẽ giám sát chặt chẽ địa vị tự trị chính trị của Hồng Kông để đánh giá xem thành phố này có xứng đáng được Mỹ đối xử đặc biệt như trong Đạo luật Chính sách Hồng Kông 1992, giúp Hồng Kông không phải nằm trong cuộc chiến thương mại như phần còn lại của Đại lục hay không.

Một dự luật ủng hộ dân chủ Hồng Kông khác cũng được Thượng viện nhất trí thông qua hôm thứ Ba có nội dung cấm bán các loại vũ khí kiểm soát đám đông cho chính quyền Hồng Kông.

Tiếp theo là gì?

2 dự luật sẽ được gửi tới Tòa Bạch Ốc để chờ ông Trump ký thành luật.

Sau khi ký duyệt, theo các Đạo luật này, Bộ Ngoại giao Mỹ sẽ được yêu cầu xác thực ít nhất một lần mỗi năm rằng Hồng Kông có duy trì đủ sự tự trị khỏi quyền lực của Bắc Kinh hay không, để được tiếp tục hưởng địa vị kinh tế đặc biệt như một thị trường tư bản tự do mà Mỹ trao cho Hồng Kông, giúp thành phố này trở thành một trung tâm tài chính của thế giới.

Cũng theo đạo luật này, các quan chức Hồng Kông bị coi là vi phạm nhân quyền sẽ bị Mỹ trừng phạt.

Trong khi nhiều người coi Đạo luật này chỉ mang tính biểu tượng, nó có thể thay thế bản chất trong quan hệ giữa Mỹ và Hồng Kông.

Theo thỏa thuận với Anh Quốc, Trung Quốc cam kết duy trì “nền tự trị cao độ” cho Hồng Kông trong 50 năm kể từ ngày Anh trao trả Hồng Kông về Trung Quốc năm 1997. Tuy nhiên người biểu tình cho rằng tự do và tự trị của thành phố ngày càng bị Bắc Kinh can thiệp.

Năm 1992, Quốc hội Mỹ ra Đạo Luật Chính sách Mỹ-Hồng Kông, quy định rằng Hồng Kông là một thực thể tách biệt với Trung Quốc đại lục về mặt thương mại, vận tải và nhiều lĩnh vực khác.

Cũng theo điều luật này, Tổng thống Mỹ có thể ban hành một sắc lệnh hành pháp để tạm ngừng quy chế đặc biệt cho Hồng Kông nếu tổng thống kết luận rằng đặc khu này “không còn đủ sự tự trị khỏi Bắc Kinh”.

Đạo Luật Dân chủ và Nhân quyền Hồng Kông sẽ bổ sung thêm cho Đạo luật năm 1992, buộc chính phủ Mỹ giám sát chặt chẽ hơn địa vị tự trị của Hồng Kông và cấm Mỹ xuất khẩu sang Hồng Kông các vũ khí như lựu đạn hơi cay, súng bắn hơi cay, đạn cao su và súng điện.

Việc lưỡng viện Quốc hội thông qua 2 dự luật mang đầy tính biểu tượng này đã khiến Bắc Kinh tức giận, tố cáo rằng Mỹ đã can thiệp quá sâu vào công việc nội bộ Trung Quốc và vi phạm luật pháp quốc tế.

Nếu ông Trump ký duyệt, căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ tăng cao hơn, có tiềm năng ảnh hưởng xấu tới cuộc đàm phán thương mại giữa hai bên.

Nhưng nếu ông Trump không ký, sự ủng hộ gần như toàn diện của Quốc hội Mỹ có thể bác bỏ quyền phủ quyết của tổng thống để Dự luật trở thành luật.

Các tác động của Đạo luật Hồng Kông

Từ góc nhìn kinh tế, khía cạnh quan trọng nhất trong địa vị chính trị đặc biệt của Hồng Kông là thành phố này được coi như một thực thể tách biệt khỏi Trung Quốc về mặt thương mại. Nghĩa là, việc Mỹ áp thuế Trung Quốc trong thương chiến không áp dụng với Hồng Kông.

Nếu Hồng Kông mất địa vị này, nó trở thành một thành phố cảng bình thường khác của Trung Quốc, và những công ty phụ thuộc vào Hồng Kông như một cảng trung chuyển hoặc một lối vào tự do sẽ chuyển hoạt động của mình đi nơi khác.

Giá trị thương mại giữa Mỹ và Hồng Kông năm 2018 dự tính là 67,3 tỷ USD theo Reuters. Phòng Thương mại Mỹ ở Hồng Kông nói rằng bất cứ điều gì thay đổi trong địa vị của Hồng Kông “sẽ có tác động rợn người không chỉ về thương mại và đầu tư của người Mỹ ở Hồng Kông mà còn gửi tín hiệu tiêu cực đối với quốc tế về vị thế đáng tin cậy của Hồng Kông trong nền kinh tế toàn cầu”. 

Trọng Đức

Xem thêm: